Bác sĩ Nhi khoa nổi tiếng nói về bệnh lý "tinh hoàn rong chơi" ở bé trai, gợi ý địa điểm thăm khám và điều trị phù hợp
Ẩn tinh hoàn là một trong những chứng bệnh nguy hiểm mà các bé trai thường mắc phải, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng về sau.
Ẩn tinh hoàn là một bất thường bẩm sinh của hệ sinh dục phổ biến ở các bé trai, bệnh lý này có thể để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho trẻ về sau. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm và được điều trị kịp thời hoàn toàn có thể giúp trẻ phát triển bình thường như những trẻ khác.
Theo các nghiên cứu trên thế giới đã thống kê cho thấy tình trạng ẩn tinh hoàn chiếm tỷ lệ 3- 5% ở trẻ đủ tháng (nghĩa là cứ 100 trẻ thì có khoảng 4 trẻ có tình trạng ẩn tinh hoàn), và tình trạng này chiếm tới 30 - 45% ở trẻ sinh non (nghĩa là cứ 100 trẻ sinh không đủ tháng thì có tới 30-45 trẻ bị ẩn tinh hoàn).
Trẻ bị tinh hoàn ẩn nghĩa là gì?
Tinh hoàn ẩn có thể gặp ở 3 - 4% trẻ khi sinh ra. Nhiều gia đình dù biết con bị tinh hoàn ẩn nhưng vẫn khá chủ quan, nghĩ rằng để đến khi trưởng thành mới khám và phẫu thuật vẫn được. Song, điều này là hoàn toàn sai lầm vì tinh hoàn để lâu trong bụng không tốt. Vậy, nên phẫu thuật tinh hoàn ẩn cho trẻ vào lúc nào?
Theo BS. Hoàng Quốc Tưởng (Dr. Chuột) - Giảng viên Bộ môn Nhi Khoa, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, BS Bệnh viện Nhi đồng 2: "Đáng lẽ, sau khi sinh, tinh hoàn phải xuống bìu. Tuy nhiên vì một lý do nào đó cứ mãi "rong chơi" không chịu xuống bìu, người ta gọi đó là tinh hoàn ẩn."
Nói thêm về tình trạng ẩn tinh hoàn, BS. Hoàng Quốc Tưởng cho biết, vị trí thường gặp là trong ổ bụng. Nhiệt độ ở ổ bụng cao hơn nhiệt độ ở bìu nên nếu kéo dài có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
"Tinh hoàn ở lâu trong ổ bụng có khả năng gây ra teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn cũng như ung thư tinh hoàn nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống của con. Thêm nữa, sau 1 tuổi, khả năng tự xuống chỉ còn 1%, do đó ở thời điểm này bố mẹ nên cho con đi can thiệp, đưa tinh hoàn xuống bìu." - BS. Hoàng Quốc Tưởng nói.
Vậy, bố mẹ có thể cho trẻ bị ẩn tinh hoàn đi thăm khám và điều trị ở đâu?
Theo bác sĩ, tất cả những nơi có chuyên khoa Ngoại nhi và có thể can thiệp được phẫu thuật thì các bố mẹ đều có thể đưa con tới thăm khám và điều trị nếu có vấn đề xảy ra. Thông thường đây là 1 phẫu thuật đơn giản và có thể về trong ngày nên các bố mẹ đừng quá lo lắng.
Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng là bác sĩ chuyên khoa Nhi, hiện đang công tác tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP. HCM.
Bác sĩ có nhiều bài viết tư vấn về việc chăm sóc sức khỏe cho Mẹ&bé trên trang cá nhân và được rất nhiều độc giả tin tưởng, yêu thích.
Độc giả có thể đọc thêm các bài của bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng TẠI ĐÂY.