Bác sĩ Lê Thiện Kim Hào giúp thai phụ làm mẹ sau 11 lần IVF thất bại

PV,
Chia sẻ

Hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, điều trị hiếm muộn, bác sĩ Lê Thiện Kim Hào không chỉ giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn được thăng chức làm cha mẹ mà còn trực tiếp phẫu thuật nhiều ca phức tạp như mổ cận tử cứu người.

Bác sĩ chuyên khoa 1 - Lê Thiện Kim Hào là một trong những bác sĩ trong lĩnh vực sản phụ khoa, điều trị hiếm muộn tại Việt Nam. Sở hữu nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, được đào tạo bài bản ở trường Đại học Y Dược TP.HCM, bác sĩ Hào không ngừng cập nhật, nâng cao kiến thức khi học lên chuyên khoa sâu và hoàn thành chương trình chuyên khoa 1 tương đương.

Bác sĩ Lê Thiện Kim Hào giúp thai phụ làm mẹ sau 11 lần IVF thất bại- Ảnh 1.

Với hơn 11 năm kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ CK1 Lê Thiện Kim Hào trực tiếp tham gia nhiều ca mổ phức tạp. Một trong những ca phẫu thuật đặc biệt khiến bác sĩ Hào ấn tượng đó là ca mổ cận tử cách đây vài năm. Khi đó, thai phụ được chuyển vào phòng mổ trong tình trạng ngưng tim. Trong tình huống cấp bách này, đội ngũ y bác sĩ phải chạy đua với thời gian, giành giật từng giây để cứu sống em bé. Bởi khi sản phụ ngưng tim thì thai nhi chỉ có khoảng 5 - 10 phút để được cứu sống. Nếu sau khoảng thời gian "vàng" ấy, thai nhi mới được cứu thì có thể sẽ phải chịu di chứng cao về não.

Nếu như trong một ca phẫu thuật thông thường, bác sĩ thường mất từ 2 - 3 phút để chuẩn bị thì trong trường hợp mổ cận tử, mọi thao tác phải diễn ra nhanh nhất có thể. Bác sĩ Hào vẫn nhớ như in khoảnh khắc thành viên trong ekip bác sĩ phải hồi sức cho bệnh nhân bằng cách bóp bóng liên tục, trong khi các bác sĩ còn lại phải tiến hành mổ khẩn cấp. Cuối cùng thai nhi được cứu sống thành công, song người mẹ lại không qua khỏi vì tim ngừng đập dù được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.

Bác sĩ Lê Thiện Kim Hào giúp thai phụ làm mẹ sau 11 lần IVF thất bại- Ảnh 2.

Sau ca phẫu thuật các y bác sĩ mới biết thai phụ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng không được cảnh báo trước khi mang thai. Vì vậy trong quá trình sinh thường dẫn đến tình trạng ngưng tim. Qua trường hợp này, bác sĩ Hào nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ, nhất là những giai đoạn đầu thai kỳ.

Một trong những trường hợp "tìm con" ròng rã suốt 3 năm cùng bác sĩ Hào là nữ bệnh nhân mắc u xơ tử cung. Đến khi bệnh nhân phát hiện tình trạng thì tử cung đã bị biến đổi hình dạng, không còn chỗ để phôi làm tổ. Hơn thế, bệnh nhân còn bị suy giáp nên cơ thể không tiết ra chất để trứng trưởng thành nên số lượng trứng của bệnh nhân còn rất ít, mỗi chu kỳ chỉ có 2 trứng.

Nữ bệnh nhân được bác sĩ Hào động viên không bỏ cuộc mà kiên trì tìm con. Trong suốt khoảng một năm đầu, bệnh nhân cùng bác sĩ trải qua 5 chu kỳ lấy trứng, mỗi chu kỳ lấy được 2 trứng, tổng cộng lấy được 10 trứng. Trong khoảng sáu tháng sau, bác sĩ Hào và bệnh nhân tiếp tục tìm cách để nội mạc tử cung có chỗ làm tổ cho phôi. Và trong 5 chu kỳ, bác sĩ Hào phải tìm ra thời điểm nội mạc tử cung ở trạng thái tốt nhất để đảm bảo khả năng chuyển phôi thành công cao.

Bác sĩ Lê Thiện Kim Hào giúp thai phụ làm mẹ sau 11 lần IVF thất bại- Ảnh 3.

Tuy nhiên hành trình "tìm con" cho nữ bệnh nhân hiếm muộn không hề dễ dàng khi lần đầu chuyển phôi không thành công vì phát hiện phôi bất thường. Đến lần thứ hai, phôi cũng chỉ có 10% khả năng đậu thai nên bác sĩ Hào phải đảm bảo tử cung bệnh nhân lúc đó tốt nhất để tăng tỷ lệ đậu thai.

Ngoài ra, quá trình bác sĩ Hào chuyển phôi cho bệnh nhân u xơ tử cung cũng vô cùng thử thách. Nếu như người bình thường thì quá trình chuyển phôi khá đơn giản thì với bệnh nhân bị u xơ thì đường dẫn phôi đến tử cung vô cùng quanh co, khó tiếp cận. Do đó, bác sĩ Hào phải thao tác thật cẩn thận để tránh tổn thương nội mạc tử cung của bệnh nhân. Bởi nội mạc phải mất 4 tháng mới được một lần tốt nhất để chuyển phôi.

Đến khi nghe tin bệnh nhân có thai, bác sĩ Hào mới có thể thở phào nhẹ nhõm và hạnh phúc lây. Song hành trình tìm con vẫn chưa dừng lại ở đó khi thai phụ bắt đầu xuất hiện tình trạng chảy máu từ tuần thứ 9 thai kỳ đến tuần thứ 22. Lúc này, bác sĩ Hào phải áp dụng một phác đồ cắt cơn gò tử cung dành riêng cho bệnh nhân để điều trị chuyển dạ sinh non.

Khi ấy, bệnh nhân phải báo cáo chỉ số huyết áp mỗi ngày với bác sĩ Hào để anh điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp. Bác sĩ Hào tiết lộ ngay cả anh cũng căng thẳng từng ngày và hồi hộp theo mỗi tuần thai kỳ. Đến ngày em bé chào đời khỏe mạnh, cả anh và phòng khám đều vỡ òa trong hạnh phúc.

Bác sĩ Lê Thiện Kim Hào giúp thai phụ làm mẹ sau 11 lần IVF thất bại- Ảnh 4.

Một trường hợp ấn tượng khác là thai phụ đã trải qua hai lần chuyển phôi không thành công và từng bị đứt chỉ khi khâu eo cổ tử cung dự phòng sinh non. Đến lần thứ ba khi tìm đến bác sĩ Hào thì bệnh nhân đã bị đứt chỉ khâu eo cổ tử cung nên bác sĩ không thể can thiệp. Với trường hợp này, bác sĩ Hào lại xây dựng phác đồ riêng, chỉnh liều lượng thuốc mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe cho sản phụ. Đến khi đủ ngày tháng, sản phụ liền chuyển dạ sau 5 ngày ngừng uống thuốc.

Một trường hợp đặc biệt khác là thai phụ có tiền sử 11 lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại. Trong lần mang thai tiếp theo, bệnh nhân áp dụng phương pháp khâu cổ tử cung ngả bụng, nhưng không hiệu quả và có nguy cơ không giữ được thai. Khi tìm đến bác sĩ Hào, anh dự đoán thai kỳ thứ 17 - 18 sẽ vỡ ối và thực tế đến tuần thứ 16 thì bệnh nhân xảy ra tình trạng trên. Trong tình huống này, nhiều nơi khác khuyên bệnh nhân bỏ thai nhưng bác sĩ Hào động viên không nên bỏ, bởi chỉ cần nước ối chưa bị nhiễm trùng thì vẫn có cơ hội kéo dài thai kỳ.

Bằng cách sử dụng thuốc, bác sĩ Hào giúp thai phụ kéo dài đến tuần thứ 36. Khi mổ thì đường chỉ khâu trước đó làm tử cung bệnh nhân bị đứt đôi. Tuy bác sĩ Hào không thể giúp bệnh nhân ngay từ đầu vì bệnh nhân đã khâu eo tử cung trước khi tìm đến phòng khám của bác sĩ nhưng cuối cùng bác sĩ Hào vẫn giúp thai phụ "vượt cạn" thành công.

Bác sĩ CK1 Lê Thiện Kim Hào còn là một bác sĩ tận tâm khi luôn lắng nghe và đưa ra những giải pháp tốt nhất, tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Chẳng hạn như trường hợp bệnh nhân bị u xơ tử cung "tìm con" suốt hai năm nhưng vẫn chưa thấy kết quả liền mong muốn thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Tuy nhiên thay vì tiến hành thực hiện IVF thì bác sĩ Hào khuyên bệnh nhân nên phẫu thuật loại bỏ u xơ trước sau đó "thả bầu" tự nhiên. Kết quả là bệnh nhân mang thai tự nhiên mà không cần phương pháp IVF.

Chia sẻ