Bệnh thủy đậu bùng phát ở Hà Nội: Chuyên gia khuyến cáo cách phòng bệnh

Ánh Tuyết,
Chia sẻ

Thủy đậu là bệnh lành tính, với những em bé khỏe mạnh, không có bệnh nền thì các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng ở người lớn, các trường hợp suy giảm miễn dịch. Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm vaccine.

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng cộng 548 ca thủy đậu, tại 18/30 quận huyện. Các đơn vị có nhiều bệnh nhân thủy đậu là: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42). Số ca mắc thủy đậu có tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái, bệnh nhân phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV2, nhận định về tình hình dịch thủy đậu đang diễn ra tại một số quận huyện của Hà Nội, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Quốc Thái – Trung tâm Bệnh nhiệt đới – BV Bạch Mai cho biết, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm, thường bùng phát vào mùa đông - xuân. Hiện nay đang là cuối xuân, nên số ca mắc thủy đậu gia tăng trong thời điểm này không có gì bất thường so với những năm trước. Thông thường đến mùa hè, các ca mắc thủy đậu sẽ giảm đi.

Bệnh thủy đậu bùng phát ở Hà Nội: Chuyên gia khuyến cáo cách phòng bệnh - Ảnh 1.

Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây ra. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, nói to hoặc chảy mũi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương của người mắc bệnh.

Về diễn tiến của bệnh, vị chuyên gia truyền nhiễm cho biết, thời gian ủ bệnh sau khi lây nhiễm virus là khoảng 2 tuần. Ban đầu, người bệnh cảm thấy hơi khó chịu, mệt mỏi, sốt nhẹ. Sau đó xuất hiện các nốt ban đỏ trên da, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rồi ngả màu nước đục. Ban mọc rải rác toàn thân, kể cả trong miệng. Nếu không bị bội nhiễm sau vài ngày, nốt thuỷ đậu tự khô, đóng vảy và bong ra, không để lại sẹo hoặc thương tổn trên da.

“Thủy đậu là bệnh lành tính, tức là bệnh sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Với những em bé khỏe mạnh, không có bệnh lý nền thì các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng nếu trẻ không may bị mắc bệnh” – BS Nguyễn Quốc Thái nói.

Tuy nhiên, bệnh thủy đậu lại dễ gây biến chứng ở người lớn, nhất là những người bị suy giảm miễn dịch như dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài, người có bệnh nền, người mắc bệnh ung thư, suy gan, suy thận…Các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra là viêm phổi và viêm não, thậm chí dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng và chú ý phòng ngừa để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm thủy đậu. Bởi nếu mắc thủy đậu trong giai đoạn nhạy cảm này, người mẹ dễ có nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi, viêm não.

Đối với thai nhi, virus Varicella Zoster có thể lọt qua hàng rào nhau thai và gây ra những hậu quả hết sức nặng nề. Đó là thai nhi có thể mắc bệnh thủy đậu ngay khi còn nằm trong bụng mẹ hoặc trẻ sinh ra bị thủy đậu bẩm sinh và có thể ảnh hưởng đến tính mạng của em bé. Ngoài ra, virus thủy đậu cũng có thể gây dị tật cho thai nhi như sứt môi hở hàm ếch, u quái… nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

“Chúng tôi phải tư vấn rất nhiều các trường hợp bà mẹ mang thai bị thủy đậu, muốn hỏi xem ảnh hưởng tới con như thế nào, giữ hay là đình chỉ thai kỳ? Những trường hợp thai nhi bị dị tật do thủy đậu thì rất khó phát hiện sớm bằng các test sàng lọc như một số bệnh lý di truyền. Do đó, nhiều khi trẻ sinh ra rồi mới được phát hiện mắc dị tật. Đấy là một điều rất khó khăn cho bác sĩ khi tư vấn cũng như cho gia đình.” – BS Nguyễn Quốc Thái chia sẻ.

Về việc chăm sóc và điều trị người mắc thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng cho biết, quan niệm kiêng nước, kiêng gió đối với người bệnh thủy đậu là không đúng. Người bệnh cần được tắm rửa, vệ sinh da toàn thân sạch sẽ. Tuyệt đối không dùng kim phá vỡ các nốt phỏng nước mà nên để nguyên và bôi các dung dịch sát khuẩn như xanh methylen hoặc dung dịch tím Castellani…Nếu thấy mụn nước bị đục kèm theo sốt thì cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và đánh giá xem có cần sử dụng kháng sinh để phòng tránh nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn hay không. Nếu bệnh nhân có mụn nước phỏng trong miệng thì nên súc miệng bằng nước muối loãng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Việc bôi các thuốc kháng virus trên các nốt phỏng là không cần thiết và cũng không có tác dụng.

Phòng ở của người bệnh nên mở cửa để thoáng gió, nhằm giảm nồng độ virus trong không khí. Người bệnh nên đeo khẩu trang thường xuyên để phòng tránh lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình. Các bề mặt, vật dụng mà người bệnh thủy đậu chạm vào như sàn nhà, cầu thang, tay nắm cửa… cần được lau bằng các dung dịch sát khuẩn như cloramin B để khử khuẩn.

Để tránh mắc bệnh thủy đậu, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái khuyến cáo các gia đình nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng ngừa căn bệnh này. Ông cũng cho biết, tại các nước phát triển, trẻ em thường được khuyến khích tiêm 2 mũi vaccine ngừa thủy đậu, mũi thứ nhất là khi trẻ 1 tuổi và tiêm mũi thứ hai khi được 4 tuổi. Song ở nước ta, việc tiêm phòng thủy đậu cho trẻ chưa được quan tâm đúng mức vì nhiều người cho rằng thủy đậu là bệnh ngoài da lành tính.

Tuy nhiên, việc tiêm vaccine ngừa thủy đậu không chỉ giúp trẻ phòng bệnh mà còn giúp phòng tránh được bệnh zona thần kinh về sau này. Bởi nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu, bệnh có thể khỏi trong vòng 1-2 tuần và không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng virus gây bệnh thủy đậu sẽ không bị đào thải ra khỏi cơ thể mà nằm im trong một thời gian dài. Khi về già hoặc bị suy giảm miễn dịch, virus này sẽ tái hoạt động và gây ra bệnh zona khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị giảm sút.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái cũng hướng dẫn, với người lớn, nếu chưa từng bị thủy đậu cũng có thể tiêm vaccine phòng bệnh. Phụ nữ có kế hoạch sinh con thì cần tiêm phòng thủy đậu trước khi mang thai ít nhất từ 2 - 3 tháng.

Chia sẻ