Bác sĩ chỉ cách giữ ấm cho trẻ trong mùa đông
Thời tiết lạnh giá của mùa đông có một số ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe con người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ do hệ miễn dịch yếu và cơ chế điều hòa thân nhiệt chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc giữ ấm đúng cách cho trẻ là điều mà cha mẹ cần lưu tâm.
Giữ ấm cho trẻ là nguyên tắc đầu tiên để phòng bệnh trong mùa đông
Trẻ nhỏ có cơ thể nhạy cảm và dễ bị mất nhiệt nhanh hơn người lớn, do cơ chế điều hòa thân nhiệt của trẻ chưa phát triển đầy đủ, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. Khi nhiệt độ giảm, trẻ dễ bị hạ thân nhiệt, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Mùa đông là thời điểm bùng phát nhiều loại bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi... Hệ miễn dịch của trẻ chưa đủ mạnh để chống lại sự tấn công của vi khuẩn và virus gây bệnh. Việc giữ ấm không chỉ giúp trẻ tránh nhiễm lạnh mà còn hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn, bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh trong mùa đông.
Việc giữ ấm còn giúp trẻ cảm thấy thoải mái và an toàn hơn trong thời tiết lạnh. Khi cơ thể được bảo vệ tốt, trẻ có thể hoạt động, vui chơi và học tập mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết.
Bạn đã biết cách mặc quần áo giữ ấm hiệu quả cho trẻ chưa?
Trước hết, cần thuộc lòng nguyên tắc ‘nhiều lớp’ trong việc chuẩn bị quần áo cho trẻ. Thay vì mặc một, hai loại quần áo dày, cha mẹ nên cho con mặc nhiều lớp mỏng để tạo lớp cách nhiệt tự nhiên, giữ nhiệt tốt hơn và dễ dàng điều chỉnh khi cần. Ví dụ, trẻ có thể mặc áo giữ nhiệt dài tay bên trong, thêm áo len và cuối cùng là áo khoác dày bên ngoài khi ra ngoài trời. Một điều đặc biệt cần lưu ý là mặc quần áo quá dày có thể khiến trẻ khó cử động, đổ mồ hôi nhiều và dễ bị cảm lạnh khi mồ hôi thấm ngược vào cơ thể.
Bảo vệ các vùng nhạy cảm như đầu, cổ, tay và chân là điều quan trọng. Đầu là nơi cơ thể mất nhiệt nhanh nhất, vì vậy cho trẻ đội mũ len hoặc mũ lót lông khi ra ngoài trời lạnh là cần thiết. Tay và chân cũng cần được giữ ấm bằng găng tay và tất. Quàng khăn quanh cổ sẽ bảo vệ vùng cổ họng và ngực khỏi gió lạnh, giúp phòng ngừa cảm cúm.
Bạn cũng nên chú ý chọn chất liệu quần áo phù hợp với làn da mỏng manh của trẻ. Len, cotton hoặc lông cừu tự nhiên là các chất liệu giữ nhiệt tốt và thân thiện với da trẻ. Tránh quần áo làm từ sợi tổng hợp, vì chúng có thể gây kích ứng da và không thoáng khí, dễ làm trẻ đổ mồ hôi, dẫn đến cảm lạnh.
Tắm cho trẻ trong mùa đông, bố mẹ cần lưu ý những gì
Nhiều cha mẹ lo lắng việc tắm sẽ khiến con nhiễm lạnh nên rất hạn chế tắm cho các bé trong mùa đông. Theo ThS. Ngô Thị Minh Hà, trưởng phòng điều dưỡng bệnh viện Phụ sản Trung ương, việc không tắm cho bé trong mùa lạnh sẽ khiến cho vi khuẩn tích tụ, nhất là ở các bộ phận như khuỷu tay, nách, cổ bẹn, gây ngứa ngáy, khó chịu cho con. Cơ thể lâu không tắm cũng là cơ hội thuận lợi để các vi khuẩn tấn công trẻ, ảnh hưởng sức khỏe hô hấp cũng như miễn dịch. Một tuần tắm cho trẻ 2-3 lần với nước ấm từ 33-37 độ C và trong phòng kín gió là lời khuyên của các chuyên gia về y tế dành cho các bậc cha mẹ. Thời gian lý tưởng để tắm cho trẻ là 10h-10h30 hoặc từ 15h-16h hàng ngày. Khi tắm cho bé mùa lạnh, chỉ nên giới hạn trong khoảng 5-7 phút và lau khô cơ thể ngay khi vừa tắm xong.
Giữ môi trường sống ấm áp và thoáng khí cho trẻ
Không chỉ giữ ấm qua quần áo, việc điều chỉnh môi trường sống trong nhà cũng rất quan trọng để bảo vệ trẻ trong mùa đông.
Duy trì nhiệt độ phòng ở mức ổn định từ 27-29 độ C là lý tưởng. Sử dụng máy sưởi hoặc điều hòa nhiệt độ để làm ấm không gian sống nhưng cần chú ý không để nhiệt độ quá cao, vì sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời có thể làm trẻ dễ bị sốc nhiệt. Ngoài ra cần kiểm soát độ ẩm trong không khí để tránh tình trạng khô da và khô đường hô hấp. Máy tạo ẩm có thể giúp duy trì độ ẩm lý tưởng ở mức 40-60%. Đây là mức độ tốt nhất đối với sức khỏe con người, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
Giữ phòng kín gió nhưng không quá bí. Tránh để gió lùa qua cửa sổ hoặc khe cửa, nhưng cũng cần thông gió định kỳ để không khí trong lành và tránh tình trạng tù đọng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Chăn và đệm ấm là yếu tố không thể thiếu. Trẻ cần được đắp chăn ấm khi ngủ, nhưng không nên sử dụng chăn quá dày hoặc nặng để tránh nguy cơ ngạt thở. Đệm êm ái và giữ nhiệt tốt cũng giúp trẻ có giấc ngủ ngon hơn.
Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ sức đề kháng để trẻ... chống rét
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ấm và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Mùa đông, bạn nên tăng cường cho trẻ những thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi, dâu tây và súp lơ xanh giúp cơ thể trẻ chống lại các bệnh do virus gây ra. Vitamin C còn hỗ trợ hấp thu sắt tốt hơn, giúp trẻ khỏe mạnh.
Các loại thực phẩm giàu protein như thịt gà, cá hồi, trứng và các loại hạt cung cấp năng lượng cần thiết cho trẻ trong mùa lạnh. Protein cũng giúp cơ thể tạo ra kháng thể, bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật.
Uống đủ nước là điều cần thiết ngay cả trong mùa đông. Dù không cảm thấy khát, trẻ vẫn cần duy trì lượng nước đủ để hỗ trợ các hoạt động của cơ thể. Nước ấm, sữa ấm hoặc trà thảo mộc dành cho trẻ là lựa chọn tốt để cung cấp độ ẩm cho cơ thể.
Trẻ nhỏ luôn cần không khí ngoài trời, kể cả trong mùa đông lạnh giá
Cha mẹ không nên vì sợ trẻ bị nhiễm lạnh mà ‘nhốt’ trẻ cả ngày trong bốn bức tường. Tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giữ ấm khi đưa trẻ ra ngoài. Trẻ cần được mặc đủ ấm với áo khoác dày, mũ, khăn quàng cổ, găng tay, tất chân, khẩu trang. Thời gian ra ngoài phù hợp là giữa trưa hoặc đầu giờ chiều khi nhiệt độ cao hơn, tránh sáng sớm và tối muộn. Thời gian ngoài trời nên giới hạn trong vòng 30 phút đến 1 tiếng để đảm bảo trẻ không bị nhiễm lạnh. Cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi ra ngoài. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sổ mũi hoặc sốt, cần đưa đi khám bác sĩ kịp thời.
Tuy nhiên, với những thời điểm mà chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao thì cách an toàn nhất là không nên cho trẻ ra bên ngoài.