Bà xã BigDaddy bật khóc vì con trai không nghe lời, mẹ nào nuôi con bướng bỉnh đều đã từng trải qua cảm giác này
Sự bướng bỉnh của con đã khiến cho Emily phải bật khóc nức nở. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp thường thấy ở đời sống của mỗi gia đình.
BigDaddy và Emily là cặp vợ chồng nổi tiếng trong làng giải trí Việt, có cuộc sống hôn nhân vô cùng viên mãn, hạnh phúc. Cặp đôi không chỉ là tri kỷ, vợ chồng mà còn là những người hỗ trợ nhau hết lòng trong công việc. Trái ngọt của 2 người là bé trai Bảo Nguyên (sinh năm 2016) và Bảo Uyên (sinh năm 2017).
Cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, cả BigDaddy và Emily đều gặp nhiều khó khăn trong việc làm cha mẹ. Mới đây, trong chương trình "Mẹ siêu nhân", những stress, mệt mỏi của bà mẹ 2 con được tiết lộ nhiều hơn. Cụ thể, trong thử thách 48 tiếng đồng hồ, Emily đã gặp tình cảnh khá khó khăn khi con trai Bảo Nguyên tỏ ra bướng bỉnh, nhiều lần lén sử dụng máy tính khi không được mẹ cho phép. Thậm chí, ca sĩ đã giấu máy đi nơi khác nhưng cậu nhóc vẫn tìm thấy, cố tình chơi khiến mẹ giận dữ.
Bà xã BigDaddy bật khóc, bất lực vì con trai quá bướng
Emily cho biết thường ngày, các con cô không được tự do dùng máy tính hay điện thoại vì bố mẹ quản lý chặt. Tuy nhiên đôi lúc cô bận rộn, không chú ý thì sự việc trở nên khó kiểm soát. "Các bé rất thông minh, biết quan sát và tranh thủ lúc tôi bận hoặc nhà có khách để xin xem cái này - cái kia. Khi ấy tôi rất dễ bị thỏa hiệp", Emily tâm sự.
Bà mẹ hai con đã bật khóc khi kể lại tình huống này, nhấn mạnh rằng cô phải kìm chế rất nhiều để không nổi giận và kiên nhẫn giải thích cho con hiểu. Cô không muốn lớn tiếng, trách móc hay phạt con mà mong con hiểu ra lỗi sai, từ đó nhận ra bản thân cần sửa chữa điều gì.
Bà xã BigDaddy thường dành một buổi tối nói chuyện nghiêm túc với con trai, cho bé những lời nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Nghe lời phân tích của mẹ, Bảo Nguyên dần nhìn ra sự bướng bỉnh của mình là sai và chủ động xin lỗi mẹ.
Theo Emily, cô có thể xử lý các tình huống với con mà không nhất thiết phải có ông xã. Nhưng nếu anh ở đó, cô cảm nhận tâm lý của bé thoải mái hơn, bản thân cô cũng tự tin kiểm soát được lời nói và hành động của mình.
Làm gì khi con quá bướng bỉnh và không chịu nghe lời?
Không phải chỉ riêng Emily, rất nhiều người mẹ cũng đã trải qua tình cảnh này khi con bướng bỉnh, nhất quyết không chịu nghe lời, thậm chí bật khóc vì quá áp lực và stress. Emily đôi lúc cũng muốn tức giận nhưng phải cố gắng bình tĩnh, kiểm soát bản thân. Nhưng không phải ai cũng làm được điều đó, thế nên mới dễ xảy ra những chuyện như đánh đập, mắng chửi con cái.
Thế nhưng, ba mẹ có biết, bướng bỉnh cũng là điều chứng tỏ trẻ đang dần trưởng thành, muốn đi tìm cái tôi, khẳng định bản ngã riêng. Với Emily trong tình huống này, nữ ca sĩ cố gắng bình tĩnh, không đòn roi và đối thoại trực tiếp.
Nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết có nhiều cách áp dụng khi cha mẹ thấy con bướng bỉnh, chống đối, các mẹ thử áp dụng nhé.
1. Bình tĩnh (giống như mẹ Emily nói): Bằng việc nhớ rằng con đang muốn lôi con quỷ dữ trong mẹ ra. Việc mẹ giận dữ không giúp việc này được giải quyết nhanh đâu. Thậm chí nó còn khiến mọi thứ leo thang. Và người thiệt là mình, là người mẹ trong mắt con mình, là thương tổn của con nếu như mẹ không thể kiểm soát cơn giận dữ. Hít một hơi thật sâu vào hoặc hãy bước ra khỏi không gian đầy cảm xúc tiêu cực này đã. “Cho mẹ ít phút để mẹ qua cơn giận đã”. Như một thông báo cho con về tình hình hiện trạng này.
2. Đối thoại: Không phải theo cái cách mẹ Emily đã làm (và Emily đã nhận ra khi nói: Mình thấy nó giống trả đũa vậy). Là hãy đặt mình vào suy nghĩ của con. Việc con chống đối, bướng bỉnh này là vì gì? Nếu nó đúng, ta sẽ trả lời con thế nào? Nếu nó sai, ta phải nói với con ra sao? Bởi đôi khi chính chúng ta cũng sai khi con đã học xong rồi, đã làm hết những việc ta giao rồi nên con được dùng máy tính, điện thoại sao ta lại cấm con? Việc cấm đoán không lý do luôn gây ra sự chống đối.
3. Đưa ra lựa chọn thay vì ra lệnh: Lũ trẻ, đặc biệt là những đứa trẻ cá tính, không bao giờ muốn mẹ bảo gì nó nghe nấy. Nên cần đưa cho con nhiều hơn 1 lựa chọn. Như con chọn làm việc này cho mẹ rồi con dùng máy tính. Hoặc con không cần làm cho mẹ và cũng không sử dụng máy tính luôn. Cho trẻ nhiều lựa chọn để trẻ chọn việc trẻ muốn làm là cách để trẻ thấy được chúng có quyền chứ không phải bị bắt buộc.
4. Ghi nhận tích cực về con: Tôi thật tiếc khi Emily hiểu con mình “Bên trong con luôn có sự lắng nghe mẹ”, nhưng Emily quên nói với con điều đó. Emily chỉ có những chỉ trích với con như “Bao giờ biết lỗi đâu mà nói xin lỗi”/ “Tại sao mình cứ không thích mình lại tỏ thái độ ra”/ “Con có làm được đâu mà con hứa”… Những câu nói mang tính chỉ trích con như vậy luôn kích thích trẻ chống đối lại, cãi lại. Thay vì thế, giá Emily nói với con: Mẹ biết con rất nghe và hiểu mẹ. Mẹ cảm ơn con vì con luôn nghĩ cho mẹ ngay cả khi con bướng bỉnh, cãi mẹ. Là ghi nhận những điểm tích cực của con và cho con thấy mẹ cũng hiểu con.
5. Chúng ta có thể làm lại nó một cách tốt hơn: Tôi thực lòng mong các mẹ luôn tạo cơ hội để không chỉ con có thể cư xử lại tốt hơn mà cả cha mẹ cũng có thể làm mẹ tốt hơn. Là tại sao con phản đối việc này nhỉ? Tại sao mẹ muốn con làm việc này nhỉ? Chúng ta có thể làm sao để cả con lẫn mẹ đều vui vẻ hoàn thành được việc này nhỉ/ Mẹ có thể đưa ra cho con những lựa chọn thế này nhé! Con xem có được không và bổ sung thêm nhé! Bởi cuối cùng, thứ chúng ta cần đạt được không phải là mẹ có quyền hay con không thích mà là công việc này được giải quyết tốt đẹp.
Chúng ta làm cha mẹ là công việc cả đời. Và mỗi lần trải qua những tình huống thế này lại chính là cơ hội để mẹ con gần nhau hơn, mẹ không giận dữ, con không chống đối, mẹ con không thành 2 chiến tuyến. Tin tôi đi, qua vài lần thôi, bạn sẽ làm mẹ vui vẻ hơn, con bạn sẽ thấy chẳng cần phải gồng lên chống đối lại mẹ làm gì. Tôi cũng mong Emily và những người mẹ sẽ vượt qua cơn giận khi con bướng bỉnh một cách lành mạnh hơn thay vì phải rơi nước mắt!