Bà nội là "chiếc ô" của con
Duy Anh đòi mẹ lấy chiếc điện thoại của bố để chơi điện tử, mẹ không đồng ý thế là con chạy ngay vào trong nhà, kéo bà nội vào để lấy cho bằng được mới thôi.
Trước đây, Duy Anh rất ngoan và ý chí, dù đau cũng không khóc, lúc mới chập chững biết đi, ngã lên ngã xuống nhưng lần nào cũng tự đứng dậy phủi tay và không bao giờ khóc hay mè nheo cả.
Thời gian gần đây, khi cả nhà chuyển về sống với ông bà nội, Duy Anh dần thay đổi và vì mẹ thường xuyên đi làm nên phần lớn thời gian bé chơi với ông bà.
Hơi một chút là bé khóc òa lên, lì lợm và hỗn hào, bị mẹ mắng là ngay lập tức kéo bà ra bênh vực, và bà luôn luôn bênh vực thật. Bỗng dưng mẹ trở thành "kẻ xấu xa", cần phải tránh xa, còn bà trở thành cái ô bảo vệ con khỏi sự xấu xa đó.
Chuyện bà nội cưng chiều cháu quá mức không phải là hiếm gặp, nhưng đến mức khiến con ghét mẹ, khiến cháu phát triển thiếu dinh dưỡng như trường hợp nhà Duy Anh thật đáng báo động.
Bao giờ cái gì thiên lệch quá thì đều không tốt và để lại những tác động ảnh hưởng tới nhiều người. Việc chiều cháu, thương con một cách vô lý của các bà kéo theo đó là cảm giác hụt hẫng của người mẹ như là bị giành mất con mình, là cảm giác không thoải mái của các thành viên trong gia đình và quan trọng nhất là cảm giác dựa dẫm vào bà của con trẻ.
Ngoài việc nhờ những thành viên có ảnh hưởng khác trong gia đình khuyên nhủ và nói chuyện với bà thì nhiều cặp vợ chồng trẻ lựa chọn cách tách ra ở riêng để tránh ảnh hưởng tới con cái sau này.
Cũng có nhiều người vì bận rộn, không có thời gian chăm con, lại sợ bà làm hư con nên đã quyết định cho con đi mẫu giáo sớm dù chưa đến tuổi.
Những bất đồng trong việc chăm con, chăm cháu giữa mẹ chồng, nàng dâu luôn luôn xảy ra, và "cuộc chiến" này dường như cứ kéo dài mãi, nếu không có người đứng ra giải quyết. Trong trường hợp này, người chồng, người con cần đặt quyền lợi của con mình lên trên để khuyên giải mẹ không nên chiều cháu thái quá.