Bà mẹ đảm với hàng loạt tuyệt chiêu giúp con mới 18 tháng tuổi đã biết dùng đũa ngon ơ không kém gì người lớn, ai nhìn cũng gật gù thán phục
Dưới sự đồng hành của mẹ, bé tập luyện một cách vui vẻ và tự hoàn thiện kỹ năng cho mình, hơn 18 tháng đã cầm thìa tốt và biết cầm đũa tự đưa thức ăn được vào miệng.
Tự lập trong ăn uống là điều mà bất kỳ bà mẹ nào cũng muốn con mình có được. Nhưng để tập cho con biết xúc thìa, dùng đũa từ sớm thì không phải mẹ nào cũng biết cách và đủ kiên trì. Thế nên khi nhìn hình ảnh cậu bé 18 tháng tuổi biết phối hợp cả thìa, đũa hoàn thành bữa ăn một cách gọn gàng, nhiều mẹ không khỏi thán phục. Nhưng phía sau cậu bé ấy, là bà mẹ đảm – chị Huyền Nguyễn (hiện đang sống ở Hải Phòng) - với hàng loạt tuyệt chiêu để rèn và tập cho con.
Bé Bin tự ăn bằng đũa rất siêu
Bé Bin 18 tháng tuổi đã biết tự xúc thìa và cầm đũa gắp thức ăn khiến nhiều mẹ trầm trồ.
Chị Huyền bắt đầu cho bé Bin ăn dặm khi được gần 6 tháng tuổi và lựa chọn phương pháp ăn dặm 3 trong 1 (kết hợp của các phương pháp ăn dặm truyền thống, kiểu Nhật và bé tự chỉ huy (BLW)) cho con. Để Bin luôn ăn uống ngon miệng, chị thường xuyên thay đổi thực đơn cho con, tìm nhiều cách trang trí cho bữa ăn thêm đẹp mắt. Ngoài ra, chị còn thường xuyên mua nguyên liệu hữu cơ để yên tâm chế biến cho con. Sau nguyên liệu là gia vị, khi Bin 1 tuổi, chị Huyền mới bắt đầu cho Bin ăn gia vị để tạo thêm sự kích thích trong các món ăn cho con.
Còn các loại rau gia vị như hành, mùi, thì là... thì Bin đã được mẹ cho làm quen từ khi con mới 9 tháng tuổi. Chị chia sẻ: "Mắm, muối hạt nêm... thì con dưới 1 tuổi mình không cho ăn vì trong đồ ăn của con đã có vị mặn, ngọt tự nhiên rồi. Còn các loại rau gia vị thì mình cho con ăn rất đầy đủ, món nào gia vị ấy như nấu cháo cá mình sẽ thêm chút thì là, nấu bún, mì... mình cũng cho hành, mùi cho con ăn như người lớn vậy".
Chị Huyền luôn dành thời gian làm thật nhiều bữa ăn đa dạng cho con.
Thời điểm chị Huyền tập dùng thìa cho con là khi Bin được khoảng hơn 11 tháng tuổi, kỹ năng bốc nhón bằng 2 ngón tay của con đã thành thạo. Ngoài ra, chị Huyền quan sát thấy con nhìn thấy người lớn cầm thìa đũa lấy được thức ăn một cách rất hiếu kì, còn giơ tay xin để làm theo. Bắt đầu thời điểm đó, chị Huyền định hướng cho bé tập cầm thìa trước, vài tháng sau mới bắt đầu cho bé tiếp xúc với đũa.
Bí quyết tập cho con xúc thìa được chị Huyền đúc kết lại: "Để tập thìa thành công, theo mình quan trọng nhất là người đồng hành cùng bé mỗi bữa ăn dạy bé cầm thìa. Mới đầu bé rất hiếu kì, rất mong mỏi được cầm thìa để lấy thức ăn đưa vào miệng như người lớn nhưng lại chưa biết cách xử lí như thế nào. Lúc đó mẹ cần dạy bé bằng cách làm trước để bé học hỏi và làm theo (ngoài mẹ, người dạy bé có thể là bố, bà hay là ông... miễn là người thường xuyên cùng bé khám phá bữa ăn)".
Hai mẹ con luôn đồng hành cùng nhau trên mọi mặt trận.
Chị Huyền cho rằng nếu bỏ qua giai đoạn cùng bé ban đầu và chỉ áp đặt, bắt bé phải cầm thìa được luôn thì rất khó. "Đôi tay nhỏ xinh của bé chưa thật thành thạo để có thể xử lí từ những chi tiết nhỏ như cầm thìa như nào cho đúng, thìa lấy thức ăn như nào, hay thức ăn vào thìa rồi thì sẽ đưa lên miệng như nào... Rất nhiều câu hỏi trong đầu bé sẽ xuất hiện, nên bé cần được người lớn giải đáp. Đừng nghĩ rằng bé còn nhỏ chưa biết gì, bởi đó là thời điểm bé bắt chước nhanh nhất".
Thêm một điều quan trọng nữa, đó là việc làm sao để bé nhận được thìa nhưng dùng đúng mục đích lấy thức ăn chứ không phải làm đồ chơi trên bàn ăn, chị Huyền chia sẻ bí quyết: "Mình thấy rất nhiều mẹ than thở rằng bé nhà tớ toàn lấy thìa nghịch nên dẹp luôn không cho thìa nữa.. Hay là bé nhà tớ đưa thìa cho chẳng biết xúc, toàn nghịch nên tớ dẹp luôn... Thật sự mình khuyên chân thành các mẹ là không nên dẹp bỏ và mặc kệ bé. Hãy kiên nhẫn cùng bé cầm thìa lấy thức ăn, giải thích cho bé hiểu thìa là để lấy thức ăn chứ không phải để nghịch, luôn tạo cho bé một bàn ăn thật hấp dẫn, luôn tạo không gian vui vẻ, và đặc biệt là luôn tin em bé của mình sẽ làm được. Chỉ cần mẹ kiên trì như thế, nhất định bé sẽ làm được. Còn thời gian thành thục kỹ năng thì mỗi bé mỗi khác và đừng so sánh, tạo áp lực cho con".
Hãy tin và cho con cơ hội được thể hiện mình.
Chị Huyền tâm sự, chị đồng hành cùng con như vậy và mỗi ngày kỹ năng của bé lại tốt hơn. Khi bé thành thạo cầm thìa, chị chuyển sang tập cho bé cầm đũa. Chị đặt niềm tin vào con, dù trẻ nhỏ dùng đũa rất nguy hiểm.
"Mình biết rằng việc một đứa trẻ cầm đũa rất nguy hiểm, nhất là bé nào hiếu động, chỉ lơ là vài phút bé cầm đũa chạy quanh nhà, khi đó sẽ là cả một vấn đề lớn. Do đó việc tập cầm đũa của bé đòi hỏi mẹ phải sát sao, theo dõi bé cẩn thận hơn. Những ngày đầu Bin cầm đũa, mình chỉ để con tập khi ngồi bàn ăn của con. Lúc ăn vẫn tạo cho bé cảm giác được thoải mái, xen vào đó mẹ vẫn nói bé rằng: 'Thìa đũa là để lấy thức ăn khi ăn, khi nào thì con ăn thì con sẽ được dùng thìa và đũa. Khi nào con không ăn thì sẽ trả lại thìa đũa cho bố mẹ, không được lấy thìa đũa làm đồ chơi'. Lúc tập xúc, mình còn thường giả vờ nịnh con xúc cho mẹ ăn cùng, con rất thích và hứng thú. Rồi mình hay cho con chơi đồ hàng, rồi giả vờ xúc đồ ăn cho đưa vào miệng mình, rồi lại giả vờ đưa vào miệng con, mình hướng dẫn con lặp lại động tác này với mẹ. Đó cũng là cách để rèn luyện các kĩ năng cho con".
Cứ như thế lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bé tập luyện một cách vui vẻ và tự hoàn thiện kỹ năng cho mình, hơn 18 tháng đã cầm thìa khá ổn, cầm đũa dù vẫn còn hơi ngượng nhưng cũng tự đưa thức ăn được vào miệng. Chứng kiến kỹ năng của con tốt lên qua thời gian, chị Huyền tin rằng chỉ cần bố mẹ sẵn sàng dành thời gian, sự kiên nhẫn đồng hành cùng con, mọi em bé đều có thể rèn luyện được khả năng ăn uống tự lập.