Ba mẹ đã biết hết câu trả lời khi con hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng sinh?

Thảo Hương,
Chia sẻ

Nếu con thắc mắc, cha mẹ hãy giải thích cho bé về Giáng sinh theo cách dễ hiểu nhất nhé.

Chỉ còn vài ngày nữa là tới lễ Giáng sinh và không khí Noel đã tràn ngập khắp mọi nơi rồi. Từ đường phố, nhà trường, các siêu thị, trung tâm thương mại... đều đã trang trí cây thông cùng hình ảnh ông già Noel. Chắc hẳn các gia đình có con nhỏ đang rất háo hức đợi tới ngày lễ để đi chơi và lưu lại những bức ảnh kỷ niệm thật đẹp. 

Rất nhiều bố mẹ chia sẻ rằng họ cảm thấy lúng túng khi con đưa ra thắc mắc về những kiến thức liên quan tới ngày lễ Giáng sinh. Tại sao lại có ngày này, ông già Noel xuất hiện để làm gì, tất cả chỉ là câu chuyện cổ tích hay có thật... Nếu bé hỏi, bố mẹ hãy lưu lại câu trả lời sau để giải đáp cho con nhé. 

Lễ Giáng sinh có ý nghĩa gì với tất cả mọi người?

Thực tế, đã từ lâu trên thế giới, người ta xem mùa Giáng sinh và năm mới là lễ hội chung cho tất cả mọi người. Biểu tượng của lễ hội này là một ông già râu trắng, hồng hào, khỏe mạnh, quần áo đỏ, đi phát quà khắp mọi nơi. Tên gọi của ông già này cũng khác nhau: Người Pháp gọi là Noel, người Mỹ gọi là Santa Claus, người Nga gọi là Ded Moroz (ông già Tuyết)… Có thể nói, ông là biểu tượng của niềm vui, hy vọng, hạnh phúc. Do vậy, cả thế giới đón chờ ông.

Lễ Giáng Sinh là ngày bao nhiêu?

Ngày lễ Giáng sinh được diễn ra chính thức vào ngày 25/12 dương lịch hàng năm, gọi là "lễ chính ngày", Tuy nhiên nhiều hoạt động chào đón lễ Giáng sinh lại được tổ chức vào đêm trước đó, tức là ngày 24/12, gọi là "lễ vọng". Bởi theo quan niệm của người Do Thái, hoàng hôn chính là thời khắc để khởi đầu một ngày mới chứ không phải là bình minh.

Năm 2022, ngày lễ Giáng sinh sẽ rơi vào ngày thứ 7 (ngày 24/12) và ngày chủ nhật (25/12).

Ba mẹ đã biết hết câu trả lời khi con hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng sinh? - Ảnh 1.

Ông già Noel là ai?

Theo truyền thuyết, ông già Noel sinh sống tại Bắc Cực giữa băng giá. Ông dành đa số thời gian để chuẩn bị quà, đồ chơi cho trẻ em. Vào dịp Giáng sinh, ông nhận được rất nhiều thư từ trẻ em trên khắp thế giới. Trong những lá thư đó, có những lá thư xin quà; có những lá thư hỏi thăm, chia sẻ; có những lá thư hứa hẹn làm việc tốt… Vào mỗi đêm Giáng sinh, ông lại đi khắp nơi để tặng quà, phân phát niềm vui cho trẻ em. Có thể nói, ông già Noel là người bạn tốt nhất của trẻ em.

Trong những năm gần đây, người Việt Nam dường như cũng đã xem mùa Giáng sinh là lễ hội của mình. Người ta sắm sửa cây thông Noel, trang trí nhà cửa; trẻ em háo hức đón chờ ông già Noel. Có những cháu gặp được ông già Noel, được ông trao quà tận tay; có những cháu không gặp được (vì ngủ quên), nhưng vẫn có quà, khi thì ở dưới gối, lúc ở trong bít tất, khi thì chuyển qua mẹ… 

Và trên thực tế thì ông già Noel chính là bố mẹ, là những người thân, là người mang lại món quà và điều kỳ diệu tuyệt vời cho các bé, để con tin tưởng rằng nếu cố gắng thật nhiều và mong ước điều gì đó thì nó sẽ trở thành hiện thực. 

Những chú tuần lộc từ đâu tới?

Trong văn hóa dân gian, chiếc sừng của tuần lộc có khả năng bắt, thu nhận tất cả những giấc mơ, nguyện vọng của trẻ em trên toàn thế giới. Do đó ông già Noel quyết định chọn loài sinh vật này làm phương tiện di chuyển. Hình ảnh những chú tuần lộc đáng yêu cũng gắn liền với dịp Giáng sinh.

Cây thông Noel có ý nghĩa gì?

Cây thông Noel hay còn gọi là cây Giáng sinh có màu lá xanh mướt, tán cây hình khối tam giác. Màu xanh lá thể hiện sự may mắn, vĩnh cửu của người Kitô giáo. Khi mùa đông đến, tất cả cây cối thường rụng và thay lá, chỉ có cây thông là vẫn giữ được màu xanh mướt với sức sống mãnh liệt.

Tại sao có ngôi sao trên cây thông Noel?

Gần đến dịp Noel, người ta thường sắm một cây thông và trang trí lên đó những ngôi sao, những quả châu, dải kim tuyến lấp lánh, hoa... Cây thông được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới trong lễ hội đón chào năm mới.

Ba mẹ đã biết hết câu trả lời khi con hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng sinh? - Ảnh 2.

Vì sao lại có tấm thiệp Giáng sinh?

Những chiếc thiệp này bắt nguồn từ năm 1843, khi một thương gia người Anh có tên Henry Cole nhờ họa sĩ ở London thiết kế để dành tặng bạn bè, người thân. Tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh đầu tiên được ra mắt vào năm đó. Nó đã nhanh chóng trở thành mốt thịnh hành và trở thành biểu tượng không thể thiếu trong ngày lễ Giáng sinh.

Lý do mọi người tặng quà nhau vào dịp này là gì?

Vào ngày lễ Giáng sinh, bên cạnh những lời chúc ý nghĩa, mọi người còn dành tặng cho nhau những món quà để thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đối với người thân, bạn bè.

Những chiếc bít tất màu đỏ hoặc xanh lá có ý nghĩa gì?

Trong truyền thuyết có tương truyền rằng có 3 cô gái ở tuổi lập gia đình, nhưng không có chàng trai nào theo đuổi vì gia cảnh nghèo. Đức giám mục chứng kiến điều này đã thấy thương xót vì thế ném những đồng tiền vàng xuống ống khói nhà của 3 cô gái. Những đồng tiền này đã rơi xuống bít tất mà các cô treo hong bên lò sưởi và đã cho các cô cơ hội được nguyện ước.

Câu chuyện thần kỳ này đã được lan truyền đi khắp nơi, ai ai cũng muốn và chính vì thế, sau này trong dịp Giáng Sinh, nhà nhà, đặc biệt là trẻ em hy vọng nhận được quà qua bít tất, vì thế có tục treo bít tất ở lò sưởi ngày Tết là vậy.

Trang phục đỏ rực đêm Noel

Bộ quần áo đỏ là biểu tượng Noel cho nhân vật ông già Noel và ngày Giáng Sinh. Màu sắc đỏ trở thành biểu tượng cho ngày lễ Giáng Sinh, không chỉ riêng mình ông già Noel mà còn là màu sắc của tất cả mọi người ngày lễ chào đón năm mới.

Ba mẹ đã biết hết câu trả lời khi con hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng sinh? - Ảnh 3.

Bài hát đêm Giáng sinh

Bài hát Giáng Sinh vừa đậm tính dân dã mộc mạc, vừa thể hiện được tâm hồn của người dân Mỹ đã hướng tới một mùa tuyết rơi tốt lành. Hình ảnh ông già Noel và túi đồ chơi, ngồi trên xe tuần lộc với tiếng chuông leng keng đã trở thành bài hát Giáng Sinh rung động lòng người. Bài hát Giáng Sinh đã được dịch ra gần 100 thứ tiếng và trở thành âm nhạc không thể thiếu trong dịp quan trọng này.

Tại sao bánh khúc cây lại trở thành biểu tượng trong đêm Giáng Sinh? 

Nguồn gốc của bánh khúc cây có lẽ bắt nguồn từ người Celt. Ngày Đông chí (hay còn gọi là lễ hội Yule) được tổ chức với nhiều nghi lễ lớn. Khúc gỗ được đốt để chào mừng mặt trời sẽ trở lại vào mùa xuân, ánh nắng ngập tràn và mang đến nhiều điều may.

Họ tin rằng, những ngọn lửa ấm áp được tạo ra từ gỗ sồi vào đêm Giáng sinh sẽ giúp xua đuổi tà ma. Đồng thời, họ sẽ giữ lại than hồng và tro. Than hồng giúp giữ ấm, bảo vệ ngôi nhà và tro sẽ được rải vào mùa xuân trên các cánh đồng với mong ước một mùa vụ bội thu.

Ba mẹ đã biết hết câu trả lời khi con hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Giáng sinh? - Ảnh 4.

Một khúc gỗ thật được chọn lựa kĩ càng, trang trí và đốt vào đêm Giáng sinh. Khúc gỗ ấy được dùng trong cả mùa Giáng sinh và sang năm mới không bị cái lạnh của mùa đông làm tê tái.

Thời gian qua đi, khi những lò sưởi đốt củi không còn thịnh hành và những cây sồi già dần ít đi, một chiếc bánh hình khúc cây được đặt trên bàn trong mùa lễ Giáng sinh thay thế cho khúc gỗ thật như một cách tượng trưng đặc biệt.

Đối với người phương Tây, bánh khúc cây trong mùa Giáng sinh là một cách đơn giản để giữ truyền thống gia đình.

Bánh khúc cây có nhiều phiên bản nhưng chủ yếu vẫn là phần cốt bánh được cuộn thành hình khúc gỗ, phủ một lớp kem lên và trang trí bằng đường, quả mọng, lá cây ô rô, lá vân sam,...

Chia sẻ