Áp lực vì đỗ hai trường đại học

,
Chia sẻ

Niềm đam mê vụt tắt khi Nhi phải lựa chọn trường đại học không mong muốn vì sự áp đặt của bố mẹ. Cuộc sống gia đình xáo trộn, chỉ vì Nhi đỗ hai trường đại học.

Với học lực của mình, Nhi chỉ dám nộp hồ sơ thi đại học ở đại học Công Nghiệp. Được bạn bè khuyên, Nhi nộp thêm hồ sơ thi khối D ở trường Ngoại ngữ. Thi hai khối nhưng Nhi vẫn tập trung vào trường Công Nghiệp vì đó là trường mà bố mẹ bắt thi vào. Khi có kết quả thi đại học, không ngờ Nhi đỗ cả hai trường. Chưa kịp vui, Nhi đã phải chứng kiến cuộc cãi nhau nảy lửa của bố mẹ vì việc Nhi sẽ học đại học ở trường nào.
 

Theo quan điểm của bố, Nhi phải học Công Nghiệp vì có nhiều điều kiện thuận lợi. Chỉ cần học hai năm đầu, rồi bố Nhi sẽ xin cho một suất du học ở nước ngoài. Ra trường, Nhi yên tâm về khoản xin việc, sẽ vào làm ở một cơ quan của bố. Còn Nhi nằng nặc xin mẹ nhập trường Ngoại ngữ vì ước mơ sau này trở thành giáo viên của mình. Hơn mười ngày nay, kể cả trong bữa ăn bố mẹ Nhi cũng cãi nhau việc con phải học trường này, không được học trường kia.

Với Nhi, đỗ hai trường đại học là niềm vui, may mắn của cả gia đình. Nhưng thực sự, Nhi lại phải đối mặt với một tâm trạng chán nản khi đứng trước sự lựa chọn mà cha mẹ thì luôn là người áp đặt. Nhi cảm thấy bối rối và không biết quyết định thế nào. Trong thâm tâm, Nhi thích học ngoại ngữ hơn nhưng đến giờ không dám nói ra vì sợ bố mẹ nổi giận. Thật buồn, bố mẹ không ai quan tâm gì đến Nhi, không ai hỏi Nhi thích học  trường gì.

Còn Cường cũng đã phải từ bỏ ước mơ trở thành sinh viên của trường đại học Sân khấu điện ảnh của mình để vào học tại trường Kinh tế. Từ nhỏ, bố đã hướng cho Cường thi đại học vào một trường Kinh tế để yên tâm về công ăn việc làm sau này. Còn mẹ thì lại thích Cường thi vào Tự nhiên để tiếp nối mẹ. Cường nộp hồ sơ thi cả hai khối A, B. Đến khi có  kết quả, biết Cường đỗ cả hai trường thì bố mẹ lại giành phần quyết định chọn trường cho con

Cường tỏ ra mệt mỏi, buồn rầu kể với ông bà ngoại: “Con lúc nào cũng phải nghe theo ý bố mẹ, sao bố mẹ không để con được tự quyết định”. Cường cảm thấy mình cô độc và luôn phải sống theo những chỉ bảo của bố mẹ. Đã có lần, Cường có ý định bỏ nhà đi để sống tự lập, làm theo điều mình muốn, mình thích.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tư vấm tâm lý thực hành Nguyễn Cao Minh (Phòng Tham vấn/Trị liệu Tâm lý – SHARE, 101 Giang Văn Minh, Hà Nội) về vấn đề này. Đây thật sự là một tình huống nhạy cảm liên quan đến sự khác nhau giữa các thế hệ. Rất nhiều ông bố bà mẹ, vì muốn con theo học ngành, trường mình mong muốn nên đã có những lời nói, việc làm mang tính ép buộc, áp đặt con cái.

Không ai muốn theo học ngành mình không thích mà chỉ vì bố mẹ. Đã có nhiều câu chuyện không vui cũng bắt nguồn từ việc con cái không được chọn ngành mình yêu thích mà phải theo quyết định của bố mẹ.

Cha mẹ xuất phát từ những suy nghĩ là mong muốn điều tốt đẹp cho con, nên bố mẹ có thể giữ những suy nghĩ tương đối cứng nhắc về việc chọn trường của con.Quyết định của bố mẹ nhìn nhiều các yếu tố thực tế nhưng lại chưa dành sự quan tâm đến mong muốn và sự yêu thích của người con.

Con người chúng ta có những tiềm năng vô cùng phong phú. Những tiềm năng này sẽ được phát triển tốt nhất khi chúng ta được làm những việc phù hợp và yêu thích. Ngày nay, khi tuyển lựa nhân lực, một trong những tiêu chí quan trọng là tìm được người yêu thích công việc của vị trí đó.

Bố mẹ thường rất băn khoăn suy nghĩ khi con cái lựa chọn nghề nghiệp theo ý thích vì ở độ tuổi này, nhiều khi chúng ta đôi lúc có những sự lựa bồng bộc và không chín chắn. Sự không chín chắn này đôi khi xuất phát từ sự ảnh hưởng của bạn bè hoặc do giới trẻ thiếu thông tin về các nghề nghiệp mình lựa chọn.

Để khắc phục điểm yếu này, bố mẹ có thể cung cấp thông tin và trò chuyện một cách cởi mở và chân thành với con cái để giúp giới trẻ có những định hướng chín chắn hơn. Tuy nhiên, trong những trường hợp giới trẻ có đam mê từ nhỏ và đã học tập và rèn luyện về nó thì những sự lựa chọn đó thường là chín chắn.

 Phan Anh

 

Chia sẻ