Áp lực của cha mẹ khiến trẻ kém phát triển toàn diện
Những kỳ vọng trong việc nuôi dạy con cái thời hiện đại không chỉ gây áp lực cho cha mẹ mà còn cho cả con trẻ.
Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Essex, những kỳ vọng trong việc nuôi dạy con cái ở thời hiện đại đang gây áp lực lên chính các bậc cha mẹ. Đáng chú ý, chính sự áp lực này lại hạn chế con trẻ được phát triển một cách toàn diện.
Cụ thể, tiến sĩ John Day - tác giả của nghiên cứu - đã phân tích rằng cha mẹ ở những năm 1990 không chịu áp lực phải giám sát và giải trí cùng con cái liên tục như ngày nay. Điều này cũng đồng nghĩa trẻ em có nhiều quyền tự do hơn để được chơi một cách độc lập. Tuy nhiên, vì những đứa trẻ 1990 đã trở thành cha mẹ, xã hội đã thay đổi, họ có cảm giác cần trách nhiệm cao hơn đối với sự phát triển con cái trong thời hiện đại.
"Một khía cạnh của vấn đề chính là nỗi sợ hãi gia tăng xung quanh mối nguy hiểm từ người lạ và giao thông dày đặc. Điều đó có nghĩa cơ hội hoạt động thể chất thông qua các trò chơi tự phát của trẻ em bị hạn chế", ông nói thêm.
Các bậc cha mẹ luôn cảm thấy có trách nhiệm đối với sự phát triển của con cái. Tuy nhiên, việc nuôi dạy con cái được kỳ vọng là cha mẹ buộc phải "quan sát, chú ý, đáp ứng mong muốn và hành vi của con cái" trong xã hội ngày nay. Kết quả là trẻ con ít có cơ hội tự tìm hiểu về những rủi ro, nguy hiểm khi chơi ngoài trời. Ngoài ra, trẻ em trở nên ít vận động hơn, dành nhiều thời gian cho việc sử dụng công nghệ và ít thời gian chơi với các bạn đồng trang lứa.
Trẻ em thời nay dành hàng giờ đồng hồ cho các thiết bị điện tử và công nghệ mới. (Ảnh: Getty Images)
"Các bậc cha mẹ được khuyến khích dành nhiều thời gian hơn cho con cái của họ trong khi vẫn phải cho con cái được độc lập. Nhưng, hầu hết việc học về tính độc lập đó diễn ra khi trẻ chấp nhận rủi ro do chúng tự lựa chọn và khám phá. Và những cơ hội tự khám phá này đang bị mất đi trong tuổi thơ của trẻ".
"Xã hội ngày nay coi cha mẹ là yếu tố duy nhất trong quá trình phát triển của con cái và điều này thể hiện một gánh nặng phi thực tế, mang đến áp lực và sự kỳ vọng bất công", tiến sĩ nói tiếp.
Sau kết quả của nghiên cứu mới, các nhà khoa học cho rằng cần một sự thay đổi về văn hóa để tạo cơ hội cho trẻ em tìm hiểu rủi ro của những hoạt động thể chất, nhờ đó trẻ sẽ có thể phát triển một cách toàn diện và tự nhiên hơn.
"Việc nuôi dạy con cái không còn đơn giản chỉ là một khía cạnh của con người mà đã trở thành một kỳ vọng buộc phải thực hiện hoàn hảo. Cha mẹ và con cái của họ bị mắc kẹt cùng nhau trong kịch bản này, do đó những nhà hoạch định tương lai cần nhận thức lại vấn đề và tìm cách thay đổi cho thế hệ sau", tiến sĩ kết luận.