8 sai lầm nghiêm trọng khi dạy con mà cha mẹ thường lơ là
Giáo dục con cái là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu của mỗi bậc cha mẹ. Nhưng trong cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng giáo dục con cái là thường ngày giám sát con làm bài tập về nhà là đủ rồi, nhưng thực tế có phải như vậy không?
Hôm nay, tôi sẽ nói về những sai lầm phổ biến trong giáo dục con cái, hy vọng sẽ giúp ích cho mọi người.
1. Để cha mẹ hoặc người lớn tuổi trông hộ con cái
Thông thường, khi ông bà chăm sóc cháu thì sẽ chỉ cho chúng ăn ngủ, đáp ứng đủ nhu cầu về ăn mặc, vui chơi mà thôi, chứ họ sẽ không quan tâm rằng việc làm của mình có vấn đề gì không.
Ví dụ, sau khi đứa trẻ bị ngã, ông bà sẽ nhanh chóng bế trẻ lên và mắng: "Tất cả là lỗi của cái nền nhà này, dám làm ngã cháu bà!". Cách giáo dục này sẽ khiến trẻ sinh ra cảm giác trốn tránh rằng mọi việc đều là lỗi của người khác, và sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của chúng.
2. So sánh với con của người khác
Một số cha mẹ vì muốn khuyến khích con cái họ tiến bộ, họ thường nói với con cái của họ rằng: "Con có thấy bé A kế nhà học giỏi thế nào không? Điểm số môn nào cũng cao, còn đoạt giải thưởng nữa, sao con không làm được, con phải cố lên!". Tưởng chừng đó là tốt, nhưng thực ra hành động này là hành động ác độc nhất mà cha mẹ từng "tặng" cho con mình.
Không phải trẻ không muốn làm tốt mà có thể do nhiều nguyên nhân, bạn nên cùng trẻ phân tích và giải quyết vấn đề. Suy cho cùng, cha mẹ luôn so sánh con cái của họ với những người khác, điều này chỉ mang lại sự khó chịu và đau đớn cho trẻ chứ không giúp ích được gì.
3. "Tách hạt giúp cây nảy mầm"
Giáo dục sớm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ, nhưng mù quáng theo đuổi sự phát triển trí tuệ của trẻ là điều không nên. Cho con học đọc khi mới 1 tuổi, học ngoại ngữ trước 3 tuổi, không tuân theo tuần tự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Vì muốn hạt mau nảy mầm mà lại đi "tách hạt" sẽ chỉ khiến chúng bị phản tác dụng, khiến trẻ trở nên quá tải và sinh ra những xu hướng, hành vi tâm lý tiêu cực.
4. Giáo dục trẻ bất kể trường hợp
Cha mẹ không được đánh giá, phê bình con cái trước mặt người khác, nhất là không nên nói lại những "chuyện cũ".
Cha mẹ nên thường xuyên suy nghĩ theo góc độ của con, quan tâm cảm xúc của con, vì có thể cha mẹ nghĩ đó là chuyện không đâu, nhưng trong thâm tâm con cái, đó lại là một điều rất lớn lao.
Hành động vạch trần khuyết điểm là chất xúc tác cho sự nổi loạn bên trong của trẻ, nó sẽ kích thích hành vi nổi loạn của trẻ sau này.
5. Sử dụng điểm số của trường làm tiêu chí để đánh giá trẻ em
Điểm số ở trường không có nghĩa là tất cả, mà các khía cạnh về năng lực, sức sống, sự kiên trì và tính cách mới là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của một đứa trẻ. Vì vậy, việc dạy dỗ trẻ không thể chỉ tập trung vào điểm số ở trường mà sự phát triển toàn diện mới là quan trọng nhất.
6. Không tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em
Một số cha mẹ nghĩ rằng con cái thuộc về cha mẹ, quan niệm sai lầm này khiến cho trẻ em không được coi là cá nhân có đầy đủ các quyền, do đó dễ dẫn đến nhiều hậu quả không tốt.
Cha mẹ cần lưu ý: vào phòng trẻ nên gõ cửa trước, sử dụng đồ của trẻ phải được sự cho phép của trẻ trước, mọi quyết định liên quan đến trẻ nên thảo luận với trẻ trước, không lật nhật ký hay chuyện riêng tư của trẻ, dành cho chúng sự tôn trọng.
7. Định hình con bạn theo những gì bạn muốn
Nhiều bậc cha mẹ đem tất cả mong ước của đời mình đều gán lên người của con cái, thúc ép chúng đi theo con đường mà họ cho là đúng đắn, ngay cả khi đứa trẻ không phù hợp hoặc không thích con đường đó. Ví dụ như học thư pháp, đi du học nước ngoài. Điều này sẽ phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ cha mẹ - con cái.
Bạn phải biết rằng đôi vai của trẻ thơ còn quá non nớt, không thể đảm đương nổi ước mơ cả cuộc đời của cha mẹ, là cha mẹ, bạn chỉ cần dạy con cái đúng, cái sai, để trẻ trưởng thành về thể chất và tinh thần, trau dồi nhân cách sống, quan tâm và ủng hộ chúng, vậy là đủ.
8. Giáo dục kiểu bảo mẫu
Ngày nay, hầu hết các gia đình chỉ có một con nên cha mẹ thường dồn hết tâm sức cho con. Một số cha mẹ vì sợ con mình gặp vấn đề ngoài ý muốn hoặc bị thua thiệt, nên từ khi còn nhỏ từ cái ăn, cái mặc, nhà ở, phương tiện đi lại đến sinh hoạt học hành, cha mẹ đều thu xếp sẵn cho con.
Những đứa trẻ lớn lên dưới sự "giáo dục kiểu bảo mẫu" như thế có nguy cơ bỏ học rất cơ, vì chúng không thể thích nghi được với cuộc sống tự lập sau khi vào trung học hoặc đại học.
Vì vậy, cha mẹ không nên làm thay con mọi việc, thay vào đó nên trau dồi cho con khả năng sống tự lập ngay từ nhỏ.