8 bí mật của những bà mẹ hiếm khi con ốm vào mùa đông
Mùa đông - mùa trẻ nhỏ rất dễ bị bệnh. Nhưng mùa đông này, bố mẹ hãy thử những thủ thuật sau để phòng tránh tình trạng con ốm và giữ sức khỏe cho con nhé.
Theo Rachael Buck, chuyên gia nghiên cứu khoa học và chuyên gia về sức khỏe tại Abbott Nutrition, hàng năm, có khoảng 20 triệu trường hợp bị cúm và bùng phát vào mùa đông, khoảng từ giữa tháng 11 đến tháng 4.
Tiến sỹ Buck tin rằng đường ruột khỏe mạnh là chìa khóa cho một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch của trẻ càng mạnh, thì chúng càng có khả năng chống lại bệnh cúm.
Tiến sỹ Buck cho biết thêm, hệ thống miễn dịch có thể đóng vai trò như một hệ thống phòng vệ của một đứa trẻ để chống lại virus, nhiễm trùng hoặc bệnh tật. Hệ thống miễn dịch của trẻ yếu làm cho chúng có nguy cơ bệnh tật cao hơn.
Hệ thống miễn dịch của trẻ càng mạnh, thì chúng càng có khả năng chống lại bệnh cúm (Ảnh minh họa).
Những lời khuyên tốt nhất cho sức khoẻ đường ruột bao gồm cho trẻ tiếp xúc “da tiếp da” ngay sau khi sinh, ăn nhiều trái cây, rau củ quả, tiếp xúc không khí ngoài trời… Những việc này làm cho cơ thể bé ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc và có phản ứng phòng vệ với vi khuẩn.
Tiến sỹ Buck nói: “Nghiên cứu cho thấy trẻ có thể được lợi từ việc tiếp xúc với vi trùng, bảo vệ tốt hơn khỏi bệnh tật, dị ứng hoặc các bệnh tự miễn nhiễm khác. Dưỡng ẩm và dinh dưỡng thích hợp rất quan trọng trong thời gian này. Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả, rau củ và các loại thực phẩm giàu probiotic như sữa chua - tất cả đều giúp cho cơ thể khỏe mạnh”.
Ngoài lời khuyên chuyên môn, các bà mẹ hiếm khi có con ốm vào mùa đông còn có một số mẹo đơn giản có thể thực hiện hàng ngày để tăng cường sức khỏe cho con trong những ngày trời lạnh như:
1. Nói chuyện về cơ thể
“Mỗi đêm hãy nói chuyện với bé về cơ thể. Bố mẹ có thể cho con khám phá những điều mới mẻ về cơ thể hoặc xem một đoạn phim giải phẫu cho trẻ.
Trẻ sẽ thấy tự hào về cơ thể và biết cách chăm sóc cho cơ thể mình thế nào cho phù hợp và tốt nhất. Bố mẹ cần hướng cho con những cách chăm sóc cơ thể đơn giản, lành mạnh để trẻ có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh” - bà mẹ Elesa Zehndorfer chia sẻ.
2. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc mang lại sức khỏe tốt cho trẻ (Ảnh minh họa).
“Ngủ đủ giấc rất quan trọng. Có thể trẻ sẽ phàn nàn khi bố mẹ yêu cầu con ngủ sớm, ngủ đủ giấc nhưng hãy giải thích cho bé rằng có một giấc ngủ đủ rất đáng giá” - phụ huynh có tên Jacqueline Fisch khuyến cáo.
3. Bổ sung probiotics
Probiotic là những vi khuẩn hoặc nấm men khi được đưa vào cơ thể sẽ có nhiều tác động tích cực không chỉ với hệ tiêu hóa. Tác dụng của probiotic trong hệ tiêu hóa ngăn chặn khả năng bám dính của tác nhân gây bệnh và giảm lượng chất độc của chúng trên biểu mô ruột.
“Bổ sung probiotics hàng ngày bằng cách tăng cường ăn rau rủ quả tươi, thay vì uống thuốc vitamin hỗ trợ” - bà mẹJanis Isaman tiết lộ.
4. Không chia sẻ đồ ăn
“Hãy nhắc nhở con không chia sẻ đồ ăn uống cho bạn nếu những đồ ăn đó con đang ăn dở” -bà mẹ Keri Drake thẳng thắn nói.
5. Dầu dừa
“Khi “buôn” với các mẹ về bệnh tật tôi phát hiện ra phương án tốt đó là cho con uống một muỗng canh nhỏ dầu dừa nguyên chất trước khi ngủ. Dầu dừa sẽ tiêu diệt vi khuẩn và con thức dậy khỏe mạnh hơn vào sáng hôm sau” - bà mẹ Zaida Khaze bật mí.
6. Công thức bí mật
“Tôi tự làm dầu từ cây đinh hương, quế, chanh, hoa hương thảo và bạch đàn rồi bôi vào lòng bàn chân cho các thành viên gia đình để hỗ trợ miễn dịch. Tôi còn bôi dọc theo cột sống của con gái tôi nữa” - phụ huynh tên Angela Roeber tiết lộ.
7. Cho con nghịch bẩn
“Tôi cho các con nghịch bẩn, chơi những trò mà trẻ con thích. Sau khi chơi, đứa nào cũng nhem nhuốc bẩn thỉu nhưng tôi tin rằng nó sẽ tạo ra hệ miễn dịch cho cơ thể con”. Đây là lời khuyên của bà mẹ Kristen Wright Matthews.
8. Cho con tắm 1-2 lần/ ngày
“Tôi cho con tắm 1-2 lần/ngày vì tôi thấy tắm rửa sạch sẽ sẽ giúp cơ thể con được vệ sinh. Ngoài ra, rửa mũi trong khi tắm cũng giúp con giảm tắc nghẽn và tránh bị đau họng” - bà mẹ Jennifer Holland bày tỏ.
Nguồn: Mother