8 bí kíp làm chồng tốt, bố tốt khi vợ mang thai, sinh con
Mang thai và sinh con là hành trình kỳ diệu nhưng cũng đầy thử thách, nhất là khi người mẹ phải đối mặt với những thay đổi lớn về thể chất lẫn tinh thần. Đây là thời điểm người chồng cần đồng hành, hỗ trợ, sẻ chia, thể hiện tình yêu thương để cùng chào đón thành viên mới trong niềm hạnh phúc trọn vẹn.
Hiểu kỹ hành trình của vợ
Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc sách, tham khảo các tài liệu về thai kỳ, tham gia khóa học tiền sản cùng vợ hoặc trao đổi với bác sĩ trong các buổi khám thai. Khi nắm được những kiến thức cơ bản, bạn sẽ hiểu rõ những thay đổi cơ thể mà vợ phải trải qua, từ việc ốm nghén, đau lưng, đến những thay đổi tâm lý.
Ngoài ra, bạn nên có mặt trong các buổi vợ khám thai định kỳ. Hãy hỏi bác sĩ những câu hỏi quan trọng, như cách chăm sóc vợ khi mang thai, chuẩn bị cho ngày sinh nở và những dấu hiệu cần lưu ý. Sự hiện diện của bạn trong những thời điểm này giúp vợ cảm thấy an tâm.
Có thể cùng vợ thảo luận về kế hoạch sinh nở như việc chọn bệnh viện, phương pháp sinh, chuẩn bị tâm lý cho những tình huống bất ngờ. Việc tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng của bạn mang đến sự tin tưởng và hỗ trợ tích cực nhất cho vợ.
Chia sẻ những mong đợi
Trước khi con ra đời, bạn hãy trao đổi cởi mở với vợ về những kỳ vọng trong việc làm cha mẹ. Hãy đảm bảo cả hai có được sự thống nhất trong cách chăm sóc và nuôi dạy con.
Vợ chồng bạn có thể cùng trao đổi những vấn đề như chế độ dinh dưỡng cho con. Chẳng hạn, nếu vợ bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ, bạn có thể tìm hiểu trước để hỗ trợ cô ấy trong những ngày đầu. Việc thống nhất sớm sẽ tránh những tranh cãi không đáng có sau này, tạo môi trường hoà hợp để chăm sóc con yêu.
Hoà nhập "thế giới mới"
Cuộc sống của vợ chồng bạn sẽ thay đổi toàn diện khi có thêm một thành viên mới. Sự thay đổi này đòi hỏi bạn phải học cách thích nghi. Hãy dành nhiều thời gian hơn ở nhà, từ bỏ những thói quen cũ, những buổi tụ tập bạn bè nếu cần thiết để hỗ trợ vợ và hòa nhập với vai trò mới.
Làm cha là một trải nghiệm đặc biệt và việc chăm sóc con ngay từ những ngày đầu sẽ giúp bạn xây dựng mối liên kết mạnh mẽ với con. Hãy học cách thay tã, tắm cho con, ru con ngủ, hoặc hỗ trợ vợ khi cô ấy cho con bú. Đừng nghĩ rằng đây là công việc của riêng người mẹ, sự tham gia của bạn, từ những việc nhỏ sẽ giúp vợ giảm bớt áp lực, tinh thần thoải mái hơn.
Ưu tiên sức khoẻ của vợ
Thức đêm chăm con thường khiến vợ bạn thiếu ngủ trầm trọng. Bạn có thể giúp vợ bằng cách thay cô ấy chăm con vào buổi sáng, buổi tối hoặc cuối tuần để cô ấy có thời gian ngủ bù. Một giấc ngủ ngắn nhưng chất lượng cũng tốt cho sức khoẻ của vợ bạn hơn.
Ngoài ra, hãy tạo không gian yên tĩnh, thoải mái để vợ có thể nghỉ ngơi. Những hành động nhỏ như pha một loại đồ uống tốt cho giấc ngủ của mẹ bỉm, chỉnh lại gối hay chọn chiếc chăn mềm cũng có thể giúp cô ấy thư giãn hơn. Thêm nữa, bạn có thể chọn mua tặng vợ những bộ đồ mặc nhà dễ thương, chất liệu tự nhiên, mềm nhẹ để thoải mái hơn khi ngủ.
San sẻ công việc nhà
Sau khi sinh con hay sau thời gian ở cữ, sức khỏe của vợ cần thời gian để hồi phục. Đây là lúc bạn cần chủ động gánh vác công việc nhà. Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho vợ mà còn tạo điều kiện để cô ấy tập trung chăm sóc con và nghỉ ngơi.
Những việc tưởng chừng nhỏ bé như chuẩn bị một bữa ăn dinh dưỡng cho vợ, bế con, thay tã cho con hay ru con ngủ đều là những hành động đầy ý nghĩa, mang đến niềm vui lớn cho vợ.
Ngoài ra, san sẻ công việc nhà còn giúp bạn hiểu rõ hơn những vất vả của vợ, từ đó có sự đồng cảm và gắn kết hơn trong vai trò làm cha mẹ.
Hỏi han thường xuyên
Trong những ngày vợ ở nhà chăm con, cô ấy có thể cảm thấy cô đơn hoặc bị áp lực. Hãy nhắn tin, gọi điện hỏi thăm và tạo cơ hội để cô ấy kể bạn nghe về những điều diễn ra trong ngày. Khi về nhà, hãy chủ động bế con để vợ có thêm thời gian thư giãn.
Hành trình làm cha mẹ không dễ dàng, nhưng với sự thấu hiểu, hỗ trợ, sẻ chia kịp thời, nỗ lực của bạn có thể giúp vợ vượt qua những khó khăn theo cách dễ chịu nhất.
Lắng nghe và động viên
Sự thay đổi nội tiết tố khiến phụ nữ sau sinh dễ gặp phải những cảm xúc tiêu cực, thậm chí trầm cảm. Vì vậy, lắng nghe và thấu hiểu là điều vô cùng quan trọng với vợ của bạn. Hãy để cô ấy chia sẻ những lo lắng, căng thẳng và luôn giữ thái độ động viên tích cực.
Những nhận xét của mọi người xung quanh về cách nuôi con, những bình phẩm tiêu cực về ngoại hình… cũng khiến vợ của bạn áp lực, tủi thân. Khi ấy, hãy an ủi, dành lời động viên vợ kịp thời, để cô ấy cảm nhận luôn được chồng bảo vệ.
Nếu cảm thấy cô ấy cần thêm sự hỗ trợ, hãy cân nhắc việc tìm đến các chuyên gia tư vấn hoặc các nhóm hỗ trợ sau sinh.
Duy trì gắn kết vợ chồng
Khi bạn có con, việc chăm sóc em bé và xử lý hàng loạt trách nhiệm mới có thể khiến mối quan hệ vợ chồng không còn được ưu tiên như trước. Tuy nhiên, sự gắn kết và tình cảm giữa hai người vẫn là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng một gia đình hạnh phúc.
Dành thời gian trò chuyện, tạo không gian riêng gần gũi, dành tặng nhau những cử chỉ âu yếm, hoặc đơn giản chỉ là một buổi tối yên bình cùng nhau ngắm con ngủ cũng giúp vợ chồng bạn giữ vững sự gắn kết.