7 lời khuyên nuôi dạy con đỉnh cao, bạn áp dụng được bao nhiêu cái?
Muốn con sau này thành công, xuất sắc vượt trội bạn bè đồng trang lứa, ngay từ sớm cha mẹ nên có cách dạy con khoa học.
Sự xuất sắc của một người không nằm ở trí thông minh bẩm sinh mà là ở thói quen và sự kiên trì. Mỗi ngày tiến bộ một chút, sự tích lũy theo thời gian sẽ dẫn tới những thay đổi về thể chất và trí tuệ, cuối cùng trẻ sẽ vượt xa các bạn đồng trang lứa.
7 lời khuyên nuôi dạy con đỉnh cao
Dưới đây là một số lời khuyên cha mẹ có thể áp dụng cho con mình:
1. Đọc sách mỗi ngày
Nếu trẻ hình thành được thói quen ngủ sớm dậy sớm, thời điểm sáng sớm là lúc thích hợp nhất để trẻ đọc sách.
Nếu trẻ được rèn thói quen đọc sách từ 6 - 6h30 mỗi ngày, điều đó sẽ tiếp thêm sinh lực cho trẻ vào buổi sáng. Nếu không sắp xếp được thời gian này, cha mẹ có thể nhắc nhở trẻ đọc vào ban đêm trước khi ngủ hoặc bất kỳ khung giờ nào trong ngày, miễn duy trì được thói quen đọc sách 30 phút mỗi ngày.
2. Tự làm việc của mình
Việc này nói dễ hơn làm, đòi hỏi sự kiên trì của cha mẹ và con cái. Trẻ cần được dạy cách tự gấp chăn, tự quét nhà, tự giặt quần áo đơn giản, tự mình làm những việc có thể làm mà không làm phiền người khác.
Trong cuộc sống, cha mẹ làm quá nhiều việc cho con cái, đặc biệt là việc nhà, chỉ mong con học giỏi sẽ dẫn tới hậu quả trẻ không có kỹ năng sống tự lập. Việc dạy trẻ cách làm việc nhà, tự dọn dẹp và nấu một bữa ăn đơn giản là điều cần thiết.
3. Đừng mang những cảm xúc tồi tệ về nhà
Người lớn bị áp lực cuộc sống đè nặng, sẽ luôn có một số chuyện không vui, không vừa lòng, về nhà sẽ rất mệt mỏi. Trong khi đó, trẻ con bản tính nghịch ngợm, không nghe lời, dễ làm cha mẹ nổi giận. Những điều này rất khó tránh khỏi những mâu thuẫn, cãi vã xảy ra trong nhà.
Để giảm bớt tình trạng này, cha mẹ không nên mang tâm trạng tồi tệ về nhà. Nếu con không nghe lời, cha mẹ càng lớn tiếng la mắng, con càng không nghe lời. Tốt hơn hết là khi đợi 2 bên bình tĩnh, nói chuyện với trẻ với thái độ nhẹ nhàng và lý luận phân tích đúng sai, điều đó sẽ giúp trẻ dễ tiếp nhận lời nói của cha mẹ hơn.
4. Sản phẩm điện tử không phải để mua vui
Trẻ em ngày nay khó có thể tránh xa các sản phẩm điện tử. Không thể phủ nhận rằng, trên điện thoại, iPad có nguồn tài liệu học tập phong phú, sử dụng đúng cách sẽ giúp cải thiện việc học của trẻ. Tuy nhiên, cha mẹ cần quản lý thời gian sử dụng, chỉ cho phép trẻ xem những gì liên quan tới học tập, nội dung giải trí lành mạnh, tránh xa game.
Cha mẹ cũng nên làm gương cho con mình, khi con học thì bản thân cũng không dùng điện thoại.
5. Tập thể dục mỗi ngày
Ngày nay, học sinh không chỉ có biết mỗi việc học mà còn cần chú trọng rèn luyện thể chất. Có rất nhiều lợi ích trong việc tập thể dục và vận động đối với sức khỏe thể chất và trí não.
Một số trẻ khó tập trung, trì hoãn làm việc, không muốn đến trường…, nguyên nhân là do thiếu vận động. Tập thể dục có thể cải thiện khả năng tập trung và trí nhớ của trẻ, điều chỉnh cảm xúc tiêu cực, giúp trẻ năng động, hoạt bát, khỏe mạnh và học tập tốt.
6. Đừng dán nhãn cho trẻ
Đừng bao giờ nói với con mình rằng: "Con không thể làm được việc đó". Hãy cho trẻ biết những thứ chúng làm được và không thể làm được.
Trong học tập, trẻ có thể còn thiếu sót ở một môn học nào đó, cha mẹ nên động viên con, không nói những lời chán nản, giúp trẻ tìm ra phương pháp khoa học để giải quyết vấn đề. Yếu tố tự đóng vai trò quan trọng đối với trẻ, sự khích lệ của cha mẹ sẽ góp phần giúp chúng chăm chỉ học tập hơn.
7. Học cách xin lỗi
Khi mắc lỗi, trẻ cần phải biết nói xin lỗi và chấp nhận chịu một mức phạt nhất định. Trẻ cần hiểu rằng, chúng phải chịu trách nhiệm cho lỗi lầm mình gây ra. Học cách tự chịu trách nhiệm mới nhận được sự tôn trọng và tin tưởng của người khác.
Tóm lại, trong gia đình cần có những quy tắc nhất định mà trẻ cần phải tuân thủ. Những thói quen tốt nên được cha mẹ chú trọng rèn luyện cho trẻ ngay từ nhỏ. Bằng cách này, sau một thời gian trẻ sẽ tự lập, biết tự chăm sóc bản thân, biết cách ứng xử tốt hơn.