7 “hạt giống” cha mẹ nên gieo vào con trước 10 tuổi để nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ
Những đức tính này đều rất quan trọng trong quá trình dạy dỗ con cái, cha mẹ cần chú ý.
Có một số bài học cha mẹ nên chú trọng dạy con mình ngay từ nhỏ, nó sẽ là "hạt giống" nuôi dưỡng tâm hồn con sau này. Trước 10 tuổi, cha mẹ cần chú ý dạy con mình 7 điều dưới đây:
1. Trung thực
Để giúp con hình thành đức tính trung thực, cách làm hiệu quả nhất là cha mẹ làm gương.
Donna Laikind, một nhà trị liệu tâm lý ở New York, Mỹ cho biết: "Nếu trẻ thấy cha mẹ đối xử với mọi người một cách trung thực và đàng hoàng, chúng sẽ bắt chước theo".
Khi trẻ còn nhỏ, chúng tiếp thu mọi thứ như miếng bọt biển. Những lời nói dối của cha mẹ có thể khiến con mình trở thành người thiếu trung thực. Mặc dù việc dạy con trở thành người trung thực không phải lúc nào cũng dễ dàng nhưng rất đáng để cha mẹ nỗ lực.
Đặc biệt, sau khi biết trẻ nói dối, cha mẹ nên bình tĩnh, cho trẻ cơ hội để thành thật. Nếu trẻ thừa nhận hành động của mình, cha mẹ hãy đánh giá cao sự trung thực của con và nhấn mạnh hậu quả của việc nói dối.
2. Trách nhiệm
Tính trách nhiệm là một trong những giá trị quan trọng mà trẻ cần phải học ngay từ nhỏ. Trẻ cần biết mình phải chịu những trách nhiệm gì cho những hành động mình gây ra.
Laikind nói: "Cha mẹ cần có một thỏa thuận ngầm với con cái về hành vi của chúng. Điều quan trọng là trẻ cần phải biết rằng, nếu phạm vào quy tắc, chúng sẽ phải chịu hậu quả".
Việc hình thành tính trách nhiệm cho trẻ cần sự nghiêm khắc của cha mẹ trong việc bảo vệ các quy tắc đã đặt ra. Khi trẻ lớn dần, chúng sẽ hiểu được bản thân có trách nhiệm như thế nào trong các vấn đề xảy ra.
3. Sự tò mò
Khi trẻ được khoảng 4 tuổi, chúng bắt đầu đặt ra những câu hỏi tại sao như "tại sao bầu trời lại có màu xanh", sau đó chúng sẽ đặt ra những câu khó hơn như "tại sao mọi người lại ghét nhau". Việc giải đáp những thắc mắc của con cũng là điều rất nan giải với một số cha mẹ.
Jana Mohr Lone, giám đốc Trung tâm Triết học dành cho Trẻ em của Đại học Washington, Mỹ cho biết, việc nuôi dưỡng trí tò mò đó là điều quan trọng để hiểu mọi thứ từ gốc rễ.
Cô chia sẻ rằng, cha mẹ không nhất thiết phải trả lời ngay các câu hỏi của con mình, hãy trở thành người cùng tìm hiểu các vấn đề đó với trẻ. Điều đó sẽ khiến cho mối quan hệ của cha mẹ và con cái tốt hơn, đồng thời trẻ sẽ tích cực suy nghĩ và nuôi dưỡng trí tò mò nhiều hơn nữa.
4. Tôn trọng
Khi trẻ bắt đầu đi học, việc học cách tôn trọng bạn bè như chờ tới lượt mình nói, làm theo hướng dẫn của giáo viên rất quan trọng.
Khi tiến sĩ Mohr Lone dạy học, cô nhận thấy những đứa trẻ đều chăm chú lắng nghe các quan điểm trái ngược nhau. Mọi người có cách nhìn nhận của riêng mình và tôn trọng ý kiến của người khác bằng cách lắng nghe chăm chú.
Sự tôn trọng được thể hiện rõ nét trong các tiết về Triết học của Mohr Lone. Cô lưu ý rằng, điều quan trọng là trẻ phải học cách tôn trọng những người nhìn thế giới hơi khác một chút.
5. Sự đồng cảm
Khả năng hiểu và kết nối với cảm xúc của người khác giúp trẻ xây dựng nền tảng cho các mối quan hệ bền chặt trong cuộc sống. Đây là lý do tại sao sự đồng cảm thường là giá trị cốt lõi của gia đình.
Sự đồng cảm chỉ trở nên quan trọng hơn khi đứa trẻ lớn lên và kết bạn. Ngoài việc xây dựng mối quan hệ với những người khác, giá trị này còn góp phần giải quyết xung đột, có thể nhìn thấy lập trường của người khác và tìm ra giải pháp.
6. Quyết tâm
Đối với một số người, khái niệm quyết tâm thường bị hiểu lầm là hành động táo bạo, một đặc điểm dành cho người hướng ngoại, thích phiêu lưu. Trên thực tế, giá trị này giúp trẻ có khả năng đối mặt với các tình huống khó khăn với quyết tâm cố gắng hết sức, ngay cả khi chúng cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi.
Các chuyên gia cho biết, thông thường, một trong những trở ngại lớn nhất đối với quyết tâm của trẻ là cha mẹ kiểu trực thăng. Nếu cha mẹ làm hết mọi thứ để giúp đỡ con mình, họ đã vô tình tước đi cơ hội để trẻ học cách vượt qua khó khăn và thất bại.
7. Giáo tiếp cởi mở
Một trong những điều quan trọng mà các bậc cha mẹ cần chú ý khi dạy con là cho phép trẻ bày tỏ mong muốn, nhu cầu, đưa ra ý kiến của bản thân.
Nhờ những cuộc trò chuyện cởi mở giữa cha mẹ và con cái dựa trên sự tôn trọng, cả 2 sẽ tránh được nhiều xung đột khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên.
Ngay cả khi một đứa trẻ nhút nhát, việc đánh giá cao khả năng giao tiếp hiệu quả ở nhà có thể giúp chúng thành công ở bên ngoài. Tính cách hướng nội không nhất thiết là một điều tiêu cực. Với tư cách là cha mẹ, bạn nên tìm hiểu và khuyến khích con mình thể hiện nhu cầu của bản thân.