6 sai lầm trầm trọng khi chăm sóc răng bé

Ánh Tuyết,
Chia sẻ

Nếu bạn nghĩ rằng trẻ con không cần đánh răng, chỉ cần súc miệng với nước lọc hay răng sữa bị sâu không là vấn đề gì thì bạn đã hoàn toàn sai lầm.

1. Bé không cần đánh răng, chỉ cần súc miệng với nước lọc

Điều này hoàn toàn sai lầm. Các bác sĩ nha khoa khuyến cáo: Ngay từ khi bé chưa có chiếc răng nào, bạn đã phải dùng gạc để rơ lưỡi và nướu cho bé.

Từ 1 tuổi, nên tập cho bé đánh răng và không uống sữa về đêm nữa. Những cữ sữa đêm sẽ làm bé bị gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao, ngoài ra sẽ dễ làm bé bị sâu răng.

Thêm nữa, cần phải cho bé đánh răng với kem đánh răng trẻ em. Có thể ban đầu bé sẽ nuốt một ít, nhưng hoàn toàn không đáng lo, vì nhà sản xuất đã tiên lượng trước điều này rồi. Kem đánh răng sẽ diệt khuẩn, giúp cho răng bé chắc khỏe, điều mà nước lọc không thể làm được.

2. Răng sữa sẽ thay nên không đáng lo

Đây cũng là nhận định vô cùng sai lầm và nguy hiểm. Đúng là răng sữa sẽ được thay thế nhưng nền có vững thì nhà mới chắc. Nếu răng sữa bị tổn thương thì sẽ để lại hậu quả trên nướu răng và xương hàm khiến răng trưởng thành không khỏe mạnh như mong muốn.

3. Không cho trẻ ăn thức ăn cứng

Nhiều bà mẹ quan niệm rằng răng sữa còn yếu, cho bé ăn thức ăn cứng sẽ hư răng trẻ. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại. Thức ăn cứng giúp tăng phản xạ nhai, nghiền, tiết nước bọt… sẽ có tác dụng giúp trẻ ngon miệng và ngừa sâu răng.

6 sai lầm trầm trọng khi chăm sóc răng bé
Ảnh minh họa.

4. Mút ngón tay

Trẻ thường có thói quen mút ngón tay. Đây không phải là một thói quen tốt. Ngoài việc đưa vô số vi trùng, giun vào cơ thể, nó còn khiến cho hàm răng của bé phát triển lệch lạc, lâu ngày sẽ có hiện tượng răng hô, gây mất thẩm mỹ.

5. Sử dụng bàn chải lâu hơn 2 tháng

Tập cho trẻ đánh răng bằng bàn chải là rất tốt, nhưng phụ huynh cũng cần quan tâm thay mới bàn chải sau mỗi 2 tháng, thậm chí sớm hơn, nhất là sau đợt bé bị viêm họng, sổ mũi…

Đừng để khi bàn chải đổi màu hay tòe sợi mới thay, vì lúc đó đã là quá trễ. Nha sĩ khuyến cáo rằng: “Tiền mua bàn chải sẽ luôn rẻ hơn tiền mua thuốc rất nhiều”.

6. Đi nha sĩ khi đau răng

Bạn nên lên lịch cho con yêu đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần, chứ không nên đợi đến khi bé kêu đau mới dắt con đi. Phòng bệnh hơn chữa bệnh là câu có từ xa xưa và luôn luôn đúng. Kiểm soát bệnh răng miệng còn giúp bác sĩ phát hiện ra những khác thường ngay từ khi mới chỉ là nguy cơ.

Theo thống kê của Viện Răng Hàm Mặt quốc gia, 99,4% dân số Việt Nam mắc các bệnh về răng miệng, tập trung vào các bệnh như viêm lợi kèm theo cao răng, có túi mủ quanh răng hoặc bị viêm lợi nhẹ…

Những con số này đáng để các bậc làm cha mẹ lưu tâm để giúp con có một hàm răng chắc khỏe ngay từ giai đoạn khởi đầu. Răng khỏe còn giúp bé ăn ngon miệng, sức khỏe tốt, phát âm rõ ràng và có hơi thở thơm tho.



Cha mẹ có thể tham khảo thêm 10 kỹ năng chăm sóc răng miệng cho trẻ

6 sai lầm trầm trọng khi chăm sóc răng bé

Chia sẻ