6 cách giúp con tăng cường khả năng tập trung
Sự tập trung rất quan trọng vì nó giúp trẻ học hỏi và phát triển. Dưới đây là 6 cách giúp cha mẹ tăng mức độ tập trung cho con.
Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng vì khả năng tập trung kém của con mình. Thực tế, giống như cơ bắp, sự tập trung cần phải được rèn luyện thường xuyên để phát triển mạnh mẽ hơn.
Trẻ em có thể tiếp thu các kỹ thuật, tham gia vào các hoạt động giúp nâng cao khả năng chú ý và tập trung lâu dài. Hầu hết trẻ đều có thể tập trung vào những thứ mang tính giải trí mà chúng đánh giá cao. Tuy nhiên, những nhiệm vụ có vẻ tẻ nhạt, thử thách hơn hoặc đơn giản là kém hấp dẫn hơn mới là thứ kiểm tra khả năng tập trung của trẻ.
Theo giới chuyên môn, khả năng chú ý và tập trung bền vững rất quan trọng vì nó cho phép trẻ học hỏi và phát triển, góp phần thúc đẩy sự tự tin và ý thức lành mạnh về giá trị bản thân.
“Khả năng tập trung của chúng ta khác nhau theo độ tuổi. Trung bình, một đứa trẻ 2 tuổi có thể tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất trong khoảng 4-6 phút. Trung bình một đứa trẻ 6 tuổi có thể tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất trong 10-12 phút và một đứa trẻ 12 tuổi –có thể tập trung trong 25-35 phút.
“Nếu con bạn ở mức trung bình thấp hơn, đừng quá lo lắng, bởi rối loạn chức năng điều hành có thể đang ảnh hưởng đến khả năng tập trung của con. Những cách thức và hoạt động thiết thực sẽ giúp tăng mức độ tập trung của chúng”, Sidu Arroyo - nhà trị liệu tâm lý gia đình (Ấn Độ) cho biết. Bà còn gợi ý thêm 6 cách giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung.
Đưa ra những hướng dẫn rõ ràng và đơn giản
Người lớn thường có thói quen nói nhiều, nhưng trẻ em làm việc hiệu quả nhất khi được hướng dẫn rất đơn giản và rõ ràng.
Khi yêu cầu con dọn phòng, bạn có thể cảm thấy đó là một công việc khó khăn, vì vậy hãy thử chia nhỏ nhiệm vụ ra. Hãy chú ý và xác nhận những nỗ lực của con, sau đó đưa ra một số hướng dẫn khác.
Không ôm đồm quá nhiều hoạt động
Xã hội thôi thúc chúng ta hoạt động nhiều hơn để có được nhiều thứ hơn. Có không ít cha mẹ vừa phải làm việc toàn thời gian vừa phải chăm sóc gia đình. Nhưng thực tế, bạn không cần phải làm tất cả và con bạn cũng vậy.
Hãy tự hỏi bản thân và con điều gì mang lại niềm vui cho chúng, sau đó chọn 1-2 hoạt động. Bạn có thể giúp con mình bằng cách thiết lập một thói quen đơn giản hàng ngày thay vì một lịch trình bận rộn với quá nhiều hoạt động.
Sắp xếp phòng chơi và luân chuyển đồ chơi để trẻ có thể tập trung vào một lần chơi thay vì bị phân tâm bởi quá nhiều đồ chơi. Hạn chế các hoạt động ngoại khóa của con nếu nó không quá quan trọng.
Giao tiếp với thiên nhiên
Lên kế hoạch cho thời gian chơi không có cấu trúc. Cụ thể, cho phép con đi dạo và ngắm nhìn cây cối, côn trùng bao lâu tùy thích. Hạn chế làm gián đoạn con khi chúng đang tham gia một hoạt động. Khuyến khích con bạn tập thở chánh niệm.
Nghỉ giải lao
Nghỉ giải lao giúp trẻ thư giãn và thoải mái. Suốt ngày trẻ con phải nghe người lớn chỉ dạy cách cư xử, điều đó khiến chúng chán nản. Trong khi đó, nghỉ giải lao cho phép chúng có thời gian để suy nghĩ và tập trung vào sở thích của mình.
Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị
Hãy chắc chắn rằng con bạn không dán mắt vào màn hình kỹ thuật số cả ngày vì nó ảnh hưởng đến khả năng tập trung của con. Từ từ giảm thời gian và khuyến khích các hoạt động khác. Hãy chắc chắn rằng nhà bạn có một phòng ngủ không lắp đặt TV.
Nắm được phong cách học tập của con
Nếu con đang theo học tại một trường học truyền thống thì hãy ủng hộ phong cách học tập của chúng. Nếu con bạn học ở nhà, hãy tạo cơ hội cho chúng học theo phong cách phù hợp nhất với chúng.
Theo chuyên gia, phong cách học tập của trẻ được chia thành 4 loại, trách nhiệm của cha mẹ là nhận ra con mình thuộc loại nào.
Theo hindustantimes.com