5 sự quan tâm của cha mẹ nhưng lại dễ khiến con cái mắc chứng rối loạn lo âu
Quan tâm, chăm sóc con cái là hành động đúng đắn của cha mẹ. Tuy nhiên, 5 cách yêu thương này của phụ huynh nếu không khéo léo dễ khiến trẻ bị áp lực, luôn luôn lo âu.
Cha mẹ quan trọng hóa điểm mạnh của con
Cha mẹ nào mà chả muốn con giỏi giang, thành tài. Khi con đạt được 1 thành tích nào đó, bố mẹ sẽ rất vui và tự hào. Nhưng những phụ huynh thường đi khoe khoang con mình tài giỏi khắp mọi nơi, vô tình sẽ khiến con cảm thấy áp lực. Chúng luôn luôn phải cố gắng để hoàn hảo trong mắt mọi người.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh biết con mình học giỏi thì lại kỳ vọng quá cao. Điều này gây ra lo âu nhiều hơn cho trẻ. Những lời khuyên như "con học giỏi như vậy phải thi vào trường Top đầu", "hãy cố gắng giành học bổng đi", "năm nay phải trở thành vận động viên Olympic nhé",... sẽ trở thành áp lực cho trẻ.
Phụ huynh có thể khen ngợi con học giỏi nhưng đừng biến sự xuất sắc đó của con là lý do để mong đợi, đòi hỏi con phải hơn thế nữa.
Quan tâm, giúp đỡ thái quá
Cha mẹ luôn muốn quan tâm, bảo vệ con mình thế nhưng sự giúp đỡ, bao bọc quá mức đôi khi lại làm tăng mức độ lo âu ở con.
Ví dụ như khi con kể chuyện bị 1 bạn ở lớp bắt nạt, cha mẹ đùng đùng nổi giận và kéo đến trường con làm ầm ĩ. Thậm chí là trách phạt, đánh mắng đứa trẻ kia vì đã hành hung con mình. Điều đó có thể khiến trẻ càng cảm thấy lo lắng, khó chịu hơn. Bởi có quá nhiều người biết đến vụ việc và bàn tán xung quanh bé. Trong trường hợp này, phụ huynh nên bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân. Có thể gặp riêng bé kia và hỏi lý do sao lại bắt nạt con mình. Thêm vào đó có thể nhờ sự can thiệp của giáo viên, nhà trường và gia đình đứa bé đó.
Cảm xúc của cha mẹ lúc này có thể ảnh hưởng đến con và khiến con lo âu nhiều hơn. Người lớn nên học cách kiểm soát sự lo âu của bản thân trong khi thể hiện sự thông cảm với con.
3. Bù đắp những thiếu sót
Chẳng hạn như con học đuối môn Tiếng Anh hơn các bạn, nhiều phụ huynh đã bù đắp thiếu sót đó của bé bằng việc thuê gia sư và ép con phải học. Khi con không thích ăn món ăn này, phụ huynh lại ép con ăn nhiều hơn vì cho rằng món đó tốt cho sức khỏe...
Cách làm này tưởng chừng là hay nhưng đang khuyến khích con chỉ nhìn vào những điều tiêu cực.
Đa số chúng ta có được sự tự tin không phải từ việc bù đắp những điểm yếu, mà là phát huy những điểm mạnh. Hãy chỉ cho con cách hài lòng với cuộc sống khi chú trọng làm những việc mình giỏi và không căng thẳng vì những điều còn lại.
4. Ám ảnh con là đứa trẻ ngoan
Phụ huynh có thể khuyến khích những phẩm chất, giá trị tốt ở con nhưng đừng khiến chúng ám ảnh quá mức về việc thực hiện điều đó. Đôi khi con vẫn có thể lựa chọn những điều thiếu sáng suốt. Hãy để trẻ biết rằng, mặc dù những giá trị đạo đức rất quan trọng nhưng con thấu hiểu thực tế và những cám dỗ phải đối mặt. Việc bị gia đình phát hiện những điểm xấu không có gì là đáng sợ. Mọi người sẽ ở bên con và cùng con sửa đổi. Đừng khiến con cảm thấy quá lo âu, sợ hãi khi phải thú nhận mình đã mắc sai lầm hay chịu áp lực quá lớn vì mắc sai lầm.
Ví dụ cụ thể như con đang chơi đồ chơi yêu thích của mình và có 1 bạn nhỏ khác cùng mẹ đến chơi nhà. Để giữ phép lịch sự và muốn chứng minh rằng con mình ngoan, nhiều phụ huynh yêu cầu trẻ phải chia sẻ món đồ chơi đó. Đứa bé không chịu và quấy khóc, bạn lại quay ra chỉ trích, trách mắng con không ngoan, không biết nghe lời... Điều đó là không đúng, trẻ được quyền giữ gìn những gì chúng cho là quý giá đối với mình. Việc của người lớn chỉ là khuyên nhủ, chỉ bảo con nên chia sẻ cho bạn. Còn con quyết định thế nào là ở chúng.
5. Che giấu vấn đề bản thân
Phần lớn cha mẹ đều không muốn con cái phải lo lắng đến những vấn đề của mình. Chính vì vậy khi gặp khó khăn tài chính, hay mâu thuẫn vợ chồng, chúng ta thường giấu giếm con cái.
Tuy nhiên con bạn vẫn biết được điều đó. Việc không nắm rõ ngọn ngành vấn đề sẽ khiến trẻ càng lo âu và phóng đại sự việc. Mặc dù cha mẹ không đem gánh nặng của mình đè lên con cái nhưng cách làm này vẫn khiến con lo lắng mệt mỏi.
Đôi khi tâm sự với con cũng tốt. Đó là cách để ba mẹ giải tỏa stress và con cũng hiểu hơn nỗi vất vả của người lớn. Đừng nghĩ trẻ con không biết gì và để chúng ngoài cuộc. Đôi khi chính những người ngoài cuộc đó lại có cái nhìn thấu đáo và cho chúng ta lời khuyên sâu sắc.