5 sai lầm nhiều cha mẹ thường mắc phải khi dạy con
Nuôi dạy con là một hành trình dài đầy khó khăn. Muốn nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc, khỏe mạnh, thông minh, cha mẹ cần bỏ thời gian và công sức dạy dỗ con mình một cách nghiêm túc.
Cha mẹ nào cũng yêu thương và mong muốn dành cho con điều tốt đẹp nhất. Ngày nay, phương pháp chăm sóc và nuôi dạy con cũng đã có nhiều khác biệt so với thế hệ xưa. Trẻ em ngày nay được yêu thương, được tạo mọi điều kiện để trở thành những em bé hạnh phúc.
Không chỉ những đứa trẻ phải học trưởng thành, những người làm bố, làm mẹ cũng phải học để trở thành những bậc phụ huynh tốt trong thời hiện đại. Học để kiên nhẫn, đồng hành với con, hiểu suy nghĩ và mong muốn của con, tạo cho con những trải nghiệm phong phú bằng cách dành thời gian và thương yêu chúng theo cách của mình.
Dưới đây là 5 sai lầm nhiều cha mẹ thường mắc phải khi dạy con, có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý và tính cách của trẻ. Cha mẹ nên thay đổi trước khi quá muộn.
1. Con chỉ cần học thôi, những việc khác để bố, mẹ lo
Nhiều ông bố, bà mẹ cho rằng con quá bé bỏng để có thể giải quyết mọi vấn đề nên "con cứ việc chơi, còn lại để bố mẹ lo". Tuy nhiên, sự bao bọc của bố mẹ sẽ hình thành một đứa trẻ phụ thuộc, ỷ lại, không có tính tự lập trong cuộc sống. Nhiều cha mẹ tưởng rằng làm như vậy là giúp con nhưng thực ra lại đang hại con.
Nếu có cơ hội được tự mình vượt qua các chướng ngại vật, trẻ sẽ dần trưởng thành và học cách tự lập trên chính đôi chân của mình. Dĩ nhiên, trẻ vẫn luôn cần bố mẹ theo sau chỉ bảo và đưa ra lời khuyên đúng đắn.
Trẻ nên được biết về hoàn cảnh sống, kinh tế và những điều con nên tự làm từ nhỏ. Dù cha mẹ nghèo hay giàu mà nuông chiều con thì đều tạo ra những đứa trẻ có tính cách xấu trong tương lai. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, bố mẹ nên để con được làm việc với phương châm "tuổi nhỏ làm việc nhỏ" chứ không nên làm thay hay giúp đỡ trẻ tất cả mọi việc.
2. Con phải răm rắp nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan
Một số cha mẹ Việt xem sự vâng lời là một đức tính căn bản, vâng lời là không được cãi người lớn, không chỉ đứa trẻ phải vâng lời cha mẹ mà phải vâng lời người lớn nói chung, chẳng hạn có bà mẹ cho biết "Phải vâng lời ba mẹ, vâng lời người lớn, rồi kính trên nhường dưới... Ví dụ như là mẹ nói con nghe lời nhưng dì nói con không nghe là không được".
Nếu cha mẹ xem sự vâng lời là một giá trị ưu tiên trong giáo dục con cái, muốn con mình luôn ngoan và luôn biết vâng lời mình một cách tuyệt đối, thì có nghĩa là cha mẹ đang nặn đúc con thành một hình nhân theo ý mình chứ không cho con cái sống cuộc sống của chính chúng với những tính cách riêng, những khác biệt riêng.
3. Con phải có được thứ tốt nhất
Một trong những đặc điểm của đứa trẻ hư là chúng không bao giờ nghe lời người khác. Khi cha mẹ quá chiều chuộng, dung túng, con cái sẽ càng đòi hỏi hơn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ như vậy dễ bước chân vào con đường nghiện ngập, kỹ năng xã hội kém, thiếu trách nhiệm, ích kỷ và chỉ biết lợi dụng người khác để phục vụ mình.
Ngày nay, hầu hết các gia đình chỉ có một con nên cha mẹ thường dồn hết tâm sức cho con. Một số cha mẹ vì sợ con mình gặp vấn đề ngoài ý muốn hoặc bị thua thiệt, nên từ khi còn nhỏ từ cái ăn, cái mặc, nhà ở, phương tiện đi lại đến sinh hoạt học hành, cha mẹ đều thu xếp sẵn cho con.
Những đứa trẻ lớn lên dưới sự "giáo dục kiểu bảo mẫu" như thế có nguy cơ bỏ học rất cao, vì chúng không thể thích nghi được với cuộc sống tự lập sau khi vào trung học hoặc đại học.
4. So sánh con với "con nhà người ta"
Một số cha mẹ vì muốn khuyến khích con cái họ tiến bộ, họ thường nói với con cái của họ rằng: "Con có thấy bé A kế nhà học giỏi thế nào không? Điểm số môn nào cũng cao, còn đoạt giải thưởng nữa, sao con không làm được, con phải cố lên!". Tưởng chừng đó là tốt, nhưng thực ra hành động này là hành động ác độc nhất mà cha mẹ từng "tặng" cho con mình.
Không phải trẻ không muốn làm tốt mà có thể do nhiều nguyên nhân, bạn nên cùng trẻ phân tích và giải quyết vấn đề. Suy cho cùng, cha mẹ luôn so sánh con cái của họ với những người khác, điều này chỉ mang lại sự khó chịu và đau đớn cho trẻ chứ không giúp ích được gì.
5. Không tôn trọng quyền riêng tư của con
Một số cha mẹ nghĩ rằng con cái thuộc về cha mẹ, quan niệm sai lầm này khiến cho trẻ em không được coi là cá nhân có đầy đủ các quyền, do đó dễ dẫn đến nhiều hậu quả không tốt.
Cha mẹ cần lưu ý: vào phòng trẻ nên gõ cửa trước, sử dụng đồ của trẻ phải được sự cho phép của trẻ trước, mọi quyết định liên quan đến trẻ nên thảo luận với trẻ trước, không lật nhật ký hay chuyện riêng tư của trẻ, dành cho chúng sự tôn trọng.