5 lưu ý giữ ấm cho trẻ đúng cách vào mùa đông
Giữ ấm cho trẻ là việc làm vô cùng quan trọng trong điều kiện thời tiết lạnh như ở miền Bắc hiện nay. Tuy nhiên giữ ấm không đúng cách lại có thể là nguyên nhân có thể khiến trẻ bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
Vào mùa đông nhiệt độ hạ thấp, nhất là thời điểm lạnh sâu, nhiệt độ giảm xuống dưới 15 độ, nhiều bậc phụ huynh đã vô cùng lo lắng về sức khoẻ của con em mình. Có hàng loạt câu hỏi khiến các bậc cha mẹ phải băn khoăn: "Làm sao để giữ ấm cho con", "có nên cho con ra chơi ngoài trời lạnh", "tắm cho con như thế nào để trẻ không bị nhiễm lạnh"...
Dưới đây là lời khuyên của ThS.BS Đoàn Việt Cường, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, lưu ý các bậc phụ huynh trong việc giữ ấm, chăm sóc trẻ đúng cách vào mùa đông:
1. Giữ ấm đúng cách cho trẻ
Nhiều mẹ nghĩ rằng vào mùa đông cần phải ủ ấm cho trẻ một cách cẩn thận bằng nhiều lớp áo dày mỏng khác nhau. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm. Trẻ thường hay chạy nhảy, chơi đùa nên dễ nóng người, toát mồ hôi ngay cả khi thời tiết đang rất lạnh. Vì thế, mặc quá ấm, trẻ dễ bị ra mồ hôi lưng, đầu. Nếu bố mẹ không sớm nhận thấy điều đó, thì trẻ sẽ bị cảm lạnh, viêm phổi.
Mặc quá nhiều áo với chất liệu len hay bông sẽ làm cho mồ hôi không toát ra bên ngoài được, ứ đọng lại bên trong là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra các bệnh về da. Hơn nữa, phải mặc quá nhiều quần áo, lúc nào cũng phải đội mũ, đeo tất chân tất tay, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, không thoải mái trong vận động.
Vì thế, trong mùa đông, các mẹ chỉ nên mặc đủ ấm cho trẻ, chọn các loại quần áo giữ nhiệt sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt.
Cùng với đó, cha mẹ cần duy trì nhiệt độ phòng ở 26 - 28 độ C và độ ẩm thích hợp cho bé khoảng từ 40 - 60%. Luôn giữ cho phòng sạch sẽ, thoáng khí. Cho bé mặc áo mỏng, dài tay khi ở trong phòng điều hòa, chọn chất liệu cotton, rộng rãi thoải mái. Đắp thêm một chăn mỏng, che đi các bộ phận dễ nhiễm lạnh khi ngủ.
2. Cho trẻ ra chơi ngoài trời nhưng cần tránh thời điểm mưa gió
Nhiều cha mẹ e ngại khi nhắc đến chuyện cho con ra ngoài trời chơi mùa đông. Tuy nhiên, việc giữ trẻ ở trong phòng kín lâu ngày sẽ khiến trẻ dễ ốm yếu và dễ mắc bệnh hơn. Bố mẹ cần cho các con ra ngoài để tiếp xúc với không khí và tham gia nhiều trò chơi vận động, giúp tăng sức đề kháng phòng tránh được nhiều bệnh. Khi cho trẻ chơi ngoài trời, bố mẹ cần lưu ý mặc quần áo đủ ấm nhưng vẫn thoáng để khi trẻ ra mồ hồi không thấy quá nóng, dạy trẻ cách tự lau mồ hôi cho mình để tránh cảm lạnh. Đối với thời tiết quá lạnh hoặc có mưa gió thì không được cho trẻ ra ngoài chơi.
3. Không nên tắm, rửa chân cho trẻ bằng nước quá nóng
Có nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng trời lạnh thì cần phải dùng nước nóng để tắm cho trẻ. Tuy nhiên, có một sự thật rằng, da trẻ nhạy cảm hơn người lớn, nếu bố mẹ thấy nước đủ ấm tức là nước đó bị nóng với trẻ. Nhiệt độ nước thích hợp cho trẻ tắm mùa đông là từ 33 độ C đến 36 độ C. Nên dùng cổ tay hoặc khuỷu tay để thử độ ấm của nước. Nếu không, hãy chuẩn bị một nhiệt kế để có thể pha nước tắm thích hợp cho trẻ. Khi cho trẻ tắm mẹ cũng lưu ý để phòng kín gió, chuẩn bị thêm quạt sưởi, máy sưởi nếu cần thiết. Chỉ nên cho trẻ tắm trong 5-7 phút để tránh cảm lạnh. Khi pha nước tắm, cha mẹ nên thêm một vài giọt tinh dầu tràm hoặc tinh dầu gừng vào nước cho trẻ, có tác dụng phòng tránh cảm lạnh.
4. Không nên sử dụng điều hòa, máy sưởi với tần suất cao
Nhiều gia đình có điều kiện sử dụng các loại thiết bị sưởi ấm vào mùa đông như điều hòa, máy sưởi. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lạm dụng vào các thiết bị này, bởi nếu dùng quá nhiều sẽ khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da, nhất là máy sưởi sẽ khiến khô mũi dẫn đến ảnh hưởng hệ hô hấp gây ra khó thở ở trẻ em.
Không sử dụng đèn sưởi, quạt sưởi, điều hòa ấm quá 2 - 3 giờ và trực tiếp thổi vào người bé. Nên bật quạt thông gió để tạo sự thông thoáng không khí trong phòng.
5. Không được để bụng bé bị nhiễm lạnh
Trong mùa đông, bụng trẻ bị nhiễm lạnh rất dễ gây ra các bệnh như cúm, ho, sổ mũi… Khi nằm ngủ, trẻ rất đễ đạp chăn và bị nhiễm lạnh mà cha mẹ không kiểm soát được. Chính vì vậy, khi cho trẻ đi ngủ, cha mẹ nên để trẻ mặc một chiếc áo đủ ấm, có thể cho áo vào trong quần trẻ để khi đạp chăn bụng trẻ cũng không bị nhiễm lạnh.
Giữ ấm bụng cho bé trong ngày lạnh cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ dạ dày. Bởi nếu bị lạnh bụng, bé rất dễ bị tiêu chảy, đau bụng và các triệu chứng khác. Trong thời tiết lạnh với nhiệt độ thấp, bụng được giữ ấm, dạ dày hoạt động bình thường sẽ giúp bé tăng cường tiêu hóa và hấp thu thức ăn tốt hơn.
Ngoài ra, ThS.BS Đoàn Việt Cường cũng lưu ý, nếu trẻ có dấu hiệu ho, hắt hơi, sổ mũi, cha mẹ cần chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể và đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc tại nhà.