5 kỹ năng toán học trẻ ở tuổi mẫu giáo cần nắm được, bố mẹ có thể dạy qua các hoạt động hàng ngày
Nếu được trang bị sớm những kỹ năng toán học này, trẻ sẽ có nền tảng vững chắc cho việc học trong tương lai.
Phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục toán học sớm cho con của mình. Ngoài việc cung cấp các loại đồ chơi, đồ dùng có liên quan và hỗ trợ cho việc học toán, các bậc cha mẹ còn là hình mẫu trong việc sử dụng toán học trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ em chứng kiến cha mẹ mình sử dụng toán học hàng ngày giúp trẻ được làm quen và biết đến toán học sớm, làm nền tảng cho việc học sau này.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có 5 kỹ năng toán học mà trẻ em nên cần được trang bị khi bước vào mẫu giáo. Cơ hội để trang bị những kỹ năng này thì xuất hiện hàng ngày, ở khắp mọi nơi nên các bậc cha mẹ có thể tận dụng để trang bị kiến thức cho con của mình. Điều này sẽ giúp cho trẻ có thể tăng cường được vốn từ vựng, kỹ năng để học toán trong khi vẫn có thể vui chơi thoải mái.
1. Cách đếm và số đếm
Bạn có thể dạy trẻ học đếm số trong phạm vi đơn giản trước khi trẻ bắt đầu đi học (Ảnh minh họa)
Theo như nghiên cứu của Trường Cao đẳng nghề ở Maryland (Mỹ) thì trẻ em có thể học được những kỹ năng đếm đơn giản trước khi bắt đầu vào mẫu giáo. Những kỹ năng này bao gồm đếm đến 20, đặt thẻ số, xác định các số trong một nhóm nhỏ và hiểu rằng số lượng sẽ không bao giờ thay đổi bất kể thứ tự được sắp xếp như thế nào. Trẻ em cũng cần phải hiểu được số đếm là gì, điều đó có nghĩa là trẻ nên được hiểu rằng số đếm đại diện cho số lượng các thành viên một tập hợp.
Cách đếm và số đếm dễ dàng được tích hợp vào cuộc sống hàng ngày. Trẻ em có thể đếm số đồ chơi của chúng trong khi dọn dẹp hay đếm số bước chân đi từ bếp đến phòng ngủ, và cha mẹ cũng có thể chỉ cho trẻ những con số trên đồng hồ hoặc điện thoại. Khi vào một cửa hàng tạp hóa, bạn có thể yêu cầu trẻ tìm kiếm những con số trong khi mua sắm. Trong xe, bạn có thể chỉ cho trẻ đọc biển số xe hoặc đếm những chiếc xe đi qua. Cha mẹ nên hỏi trẻ là "Có bao nhiêu?", trẻ sẽ bắt đầu đếm và củng cố những kỹ năng về việc đếm số. Những trò chơi liên quan đến việc đếm số như nhảy dây, nhảy lò cò… cũng giúp cho trẻ cải thiện những kỹ năng toán học này.
2. Hoạt động tư duy đại số
Bạn có thể cho con học đếm và cộng trừ đơn giản từ những thứ sẵn có trong nhà (Ảnh minh họa)
Các học sinh mẫu giáo có thể giải quyết các vấn đề cộng trừ đơn giản thông qua các đồ vật. Phụ huynh có thể cho trẻ làm các bài toán đơn giản trong các công việc hàng ngày. Ví dụ: Các bậc cha mẹ có thể yêu cầu trẻ em lấy đúng số lượng chén đĩa và dụng cụ ăn tối. Trong khi chơi, cha mẹ có thể sử dụng đồ chơi và nói những câu như: "Mẹ sẽ cho con thêm một chiếc xe, hãy đếm xem con có bao nhiêu chiếc xe nhé!" hoặc hát những bài hát có số đếm như bài đếm sao...
3. Số lượng và hoạt động trong phạm vi 10
Cha mẹ có thể sử dụng tiền hoặc tiền xu để mua bán đồ chơi cùng với con, qua đó trẻ có thể biết được số tiền tương ứng có thể mua được số đồ chơi (Ảnh minh họa).
Những đứa trẻ cần phải bắt đầu hiểu rằng, số 10 được tạo thành từ 10 đơn vị. Đếm ngón tay và ngón chân là một cách tuyệt vời để đếm số đến 10. Cha mẹ có thể sử dụng tiền hoặc tiền xu để mua bán đồ chơi cùng với con, qua đó trẻ có thể biết được số tiền tương ứng có thể mua được số đồ chơi.
4. Đo lường và dữ liệu
Sử dụng nhiều loại đồ chơi có màu sắc và kích thước khác nhau và yêu cầu trẻ so sánh (Ảnh minh họa).
Học sinh mẫu giáo thường hay sắp xếp mọi thứ theo hình dạng, màu sắc, kích thước và thông thường hay sắp xếp mọi thứ từ nhỏ đến lớn hoặc lớn đến nhỏ. Bạn có thể cho trẻ sắp xếp những cái thìa, đồ đã giặt xong hay đồ chơi của trẻ để rèn luyện khả năng đo đếm. Ngoài ra khi đến trường, trẻ còn được học về các phép so sánh về số lượng, kích thước hoặc cân nặng... Vì vậy, các bậc cha mẹ có thể đặt ra những câu hỏi khi trẻ giúp việc để trẻ phân biệt tốt hơn như "Con có thể đưa cho mẹ cái bát lớn nhất không?", "Hãy lấy cho mẹ cái đĩa nhỏ nhất và đặt lên bàn nhé!"...
5. Hình học
Các khối gỗ vừa giúp trẻ nhận dạng được hình dạng và giúp trẻ học đếm và đọc số (Ảnh minh họa).
Kỹ năng về hình học bao gồm việc đặt tên và xác định các loại hình 2D như vuông, tròn, tam giác... Trẻ em cũng có thể nhận ra rằng những cái hộp hay quả bóng là ví dụ cho những hình ảnh ba chiều như khối lập phương và hình cầu. Phụ huynh có thể chỉ cho trẻ những hình ảnh xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày như bánh xe ô tô hình tròn và yêu cầu trẻ tìm được hình dạng tương tự. Các câu đố, hình khối hay bộ xếp hình lego là cách tuyệt vời để trẻ nhận dạng được các hình khối, không gian ban đầu.