5 dấu hiệu con đang xa cách cha mẹ mà nhiều người lớn không để ý
Cha mẹ cần chú ý để hướng dẫn con cái cũng như thay đổi chính mình.
Có những dấu hiệu cho thấy sự xa cách tình cảm giữa con cái và cha mẹ bắt đầu từ rất sớm. Không cần đợi đến khi trưởng thành, ngay trong những câu nói hàng ngày, trẻ đã vô tình để lộ những tín hiệu khiến các bậc cha mẹ cần lắng nghe và suy ngẫm.
Dưới đây là 5 câu nói mà nếu trẻ thường xuyên lặp lại, có thể là lời nhắc nhở để cha mẹ xem lại cách giao tiếp, đồng hành và vun đắp tình cảm gia đình.
1. "Tại sao con phải nghe lời bố mẹ?"
Nhiều người lớn cho rằng đây chỉ là phản ứng tuổi mới lớn, nhưng thực tế, câu nói này có thể cho thấy trẻ đang bắt đầu xa rời mối liên kết tin tưởng với cha mẹ. Khi không còn cảm thấy được thấu hiểu hay tôn trọng, trẻ dễ coi mọi lời dạy dỗ chỉ là sự áp đặt.
Nếu không kịp thời hàn gắn, trẻ có thể lớn lên với tâm lý khó tiếp nhận sự hướng dẫn từ bất kỳ ai.

Giao tiếp trong gia đình đóng một vai trò quan trọng (Ảnh minh hoạ)
2. "Con không cần ai cả!"
Đằng sau câu nói này là nhu cầu được khẳng định bản thân, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ trẻ tự dựng lên một bức tường cảm xúc. Một đứa trẻ cho rằng mình có thể tự xoay xở mọi việc mà không cần ai, rất dễ lớn lên với sự cô lập, thiếu khả năng cảm thông và sẻ chia.
3. "Bố mẹ chẳng hiểu gì hết!"
Nghe thì có vẽ như một lời trách móc bình thường, nhưng ẩn sau đó là sự đánh giá thấp vai trò của cha mẹ trong đời sống con trẻ. Trẻ dễ hình thành thái độ coi thường, cho rằng cha mẹ là những người lỗi thời, không đáng tin, không xứng được chia sẻ.
Tư duy này khi trở nên ăn sâu bám rễ, sẽ khiến trẻ mỗi ngày một xa cách với cha mẹ, dẫn đến sự lạnh nhạt, thờ ơ khi cha mẹ già yếu hoặc gặp khó khăn.
4. "Có gì to tát đâu"
Nhiều trẻ có thói quen xem nhẹ những câu dạy dỗ hoặc lo lắng của cha mẹ. Đây là một kiểu tâm lý coi trọng cái tôi hơn cả tình thân, và đặc biệt nguy hiểm nếu được lặp lại nhiều lần.
Coi nhẹ những lời khuyên nhủ, lo lắng của cha mẹ là dấu hiệu trẻ đang đặt cái tôi cá nhân lên trên tình cảm gia đình. Nếu thói quen này kéo dài, trẻ dễ mất đi sự trân trọng dành cho những người thân yêu.
5. "Người ta có bố mẹ giỏi hơn nhiều!"
Sự so sánh tiêu cực không chỉ làm tổn thương người lớn mà còn cho thấy trẻ đang dần mất đi sự biết ơn. Khi trẻ quen nhìn vào những thiếu hụt thay vì những gì mình đang có, lòng biết ơn và sự trân trọng sẽ dần phai mờ, ảnh hưởng lâu dài đến các mối quan hệ sau này.

Có những dấu hiệu cho thấy sự xa cách tình cảm giữa con cái và cha mẹ bắt đầu từ rất sớm(Ảnh minh hoạ).
Làm sao để giữ sợi dây gắn kết với con từ khi còn nhỏ?
Để nuôi dưỡng lòng biết ơn và sự gắn bó gia đình, cha mẹ hãy gieo trồng từ những điều giản dị nhất: dạy con biết cảm ơn, biết chia sẻ, biết quan tâm đến ông bà, người thân. Đừng quên rằng tấm gương lớn nhất với trẻ chính là hành động của cha mẹ, cách yêu thương, đối xử tử tế với gia đình và sự kiên nhẫn khi đồng hành cùng con.
Một đứa trẻ được lớn lên trong tình yêu thương chân thành, sự lắng nghe và thấu hiểu, sẽ tự nhiên hình thành lòng biết ơn và trân trọng những gì mình có. Đó chính là nền tảng quan trọng để giữ vững tình cảm gia đình suốt cả cuộc đời.
Theo Sohu