5 dấu hiệu cho thấy trẻ chậm phát triển trí tuệ, bố mẹ hãy dành ít phút thử kiểm tra xem con mình có bị không?
Có một số dấu hiệu rất dễ nhận biết đó có phải là một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ hay không.
Trong quá trình chăm sóc và nuôi dưỡng con cái, có không ít bố mẹ tỏ ra lo lắng liệu con mình có thuộc diện trẻ chậm phát triển trí tuệ hay không. Trên thực tế, không quá khó để nhận biết một đứa trẻ có vấn đề về trí tuệ. Ngay từ khi trẻ được vài tháng tuổi, có một số dấu hiệu đã bộc lộ rõ, bố mẹ hãy tinh ý quan sát con mình.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ là gì?
Khuyết tật trí tuệ hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ thể hiện rõ qua trí thông minh và khả năng tâm thần của một người ở dưới mức trung bình. Một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể học được các kỹ năng mới nhưng ở mức độ chậm hơn so với người khác.
Có nhiều mức độ chậm phát triển trí tuệ khác nhau, từ nhẹ đến nặng và thể hiện rõ qua 2 yếu tố:
- Hoạt động trí tuệ (IQ): Chỉ số IQ đề cập tới khả năng học hỏi, suy luận, đưa ra quyết định, cách giải quyết vấn đề của một người.
- Hành vi thích nghi: Đây là những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hàng ngày như khả năng giao tiếp, cách tự chăm sóc bản thân.
Chỉ số IQ trung bình của một người là 100, phần lớn mọi người đạt từ 85 đến 115. Một người bị coi là thiểu năng trí tuệ nếu họ có chỉ số IQ dưới 70 đến 75.
Để đo lường các hành vi thích nghi của một đứa trẻ, các chuyên gia sẽ quan sát các kỹ năng của chúng và so sánh với những đứa trẻ khác cùng tuổi. Những điều có thể quan sát được bao gồm khả năng trẻ tự ăn, tự mặc quần áo, giao tiếp với người khác, cách tương tác với mọi người…
Người bị chậm phát triển trí tuệ ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số. Trong số những người bị ảnh hưởng, 85% ở mức độ nhẹ. Điều này cho thấy họ chỉ phát triển chậm hơn một chút so với người bình thường. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ thích hợp, một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ khi lớn lên đều có thể sống tự lập.
5 dấu hiệu cho thấy trẻ chậm phát triển trí tuệ
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thứ 1: Ngủ quá nhiều
Đối với trẻ sơ sinh thời gian ngủ của chúng thường rất dài, khi được 1 tháng tuổi chúng có thể ngủ 18 - 20 tiếng mỗi ngày. Khi trẻ 2 - 3 tháng tuổi, thời gian ngủ sẽ giảm xuống còn 16 - 18 tiếng, 5 - 9 tháng sẽ còn 15 - 16 tiếng và đến khi 1 tuổi trung bình chỉ cần 14 tiếng để ngủ.
Tuy nhiên, nếu một đứa trẻ ngủ vượt quá thời gian trung bình, tình trạng này hơi bất thường. Khi trẻ ngủ quá nhiều, chúng trông rất thiếu sức sống, ban ngày thường ở trong trạng thái lờ đờ, không thể chơi đùa với mọi người. Tình trạng này có thể dẫn tới trí não kém phát triển, tư duy chậm chạp. Bố mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện khám.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thứ 2: Phản ứng chậm
Khi trẻ mới chào đời, thị giác của chúng vẫn chưa rõ ràng. Thế nhưng khi trẻ được 8 tháng tuổi, thị giác của chúng đã phát triển bình thường, nhìn rõ được mọi vật xung quanh.
Đối với những trẻ phát triển bình thường, khi được bố mẹ trêu ghẹo, chúng có phản ứng nhanh và tương tác lại. Tuy nhiên, nếu nhận thấy mỗi khi trêu chọc nhưng trẻ không có phản hồi gì, ngoài trường hợp trẻ bị bệnh thì bố mẹ cần xem xét các vấn đề liên quan tới chậm phát triển trí tuệ.
Những đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ thường biết ngồi, đứng, bò, đi muộn hơn so với trẻ cùng tuổi. Đặc biệt, khi đến 3 - 4 tuổi thì trẻ mới có thể tự đi được và đi vẫn chưa vững.
Ngoài ra, nếu trẻ 10 tháng tuổi vẫn chưa bập bẹ được từ nào, bố mẹ cũng cần đặc biệt chú ý.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thứ 3: Hiếm khi cười
Hầu hết đứa trẻ nào cũng đều thích cười, khuôn mặt rạng ngời, vui vẻ. Khi có ai đó trêu đùa, trẻ thường cười rất sảng khoái.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, một đứa trẻ biết cười hay không có mối liên quan đặc biệt tới chỉ số IQ. Tiếng cười là do các dây thần kinh não điều khiển các cơ trên khuôn mặt, cười cũng là các để bộc lộ cảm xúc bên trong.
Vì thế, một đứa trẻ thích cười cho thấy trí tuệ của chúng đang phát triển tốt. Ngược lại, nếu một đứa trẻ dù bố mẹ bày trò kiểu gì chúng vẫn không cười, điều đó chứng tỏ trí tuệ của chúng đang có vấn đề.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thứ 4: Tăng động
Tăng động cũng là một đặc điểm nhận dạng ở trẻ chậm phát triển trí tuệ. Sau 3 - 5 tuổi, chứng tăng động giảm chú ý sẽ bộc lộ rõ ràng và bộc phát mạnh mẽ ở tuổi vị thành niên.
Dấu hiệu tăng động này khác hẳn với sự hoạt bát, nghịch ngợm của những đứa trẻ bình thường. Trẻ hoạt động quá mức không có mục đích cụ thể, không kìm nén được sự thích thú, dù bị té ngã vẫn cười. Với biểu hiện này, bố mẹ cần dành nhiều thời gian quan sát kỹ hơn về con mình.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển trí tuệ thứ 5: Chú ý kém
Trẻ chậm phát triển trí tuệ có khả năng chú ý khá kém. Nếu quan sát kỹ, bố mẹ sẽ thấy rằng, thời gian chú ý của trẻ ngắn hơn đáng kể so với những đứa trẻ cùng tuổi.
Ngay cả khi trẻ được 5 - 6 tuổi, chúng vẫn khó tập trung vào một thứ gì đó quá 5 phút. Những đứa trẻ này cũng thường ít khi quan tâm tới thế giới bên ngoài.
T/H