5 cách xử lý thông minh khi trẻ nói "con ghét mẹ"

PHAN HẰNG,
Chia sẻ

Khi con nói “Con ghét mẹ”, có thể đó không phải là nói thật lòng mà là một lời cầu cứu đầy vụng về của trẻ.

Vào một buổi tối tưởng như bình thường, người mẹ nhẹ nhàng bảo con dọn dẹp đống đồ chơi sau giờ chơi. Nhưng cậu bé cứ ngồi lì, im lặng. Mẹ bắt đầu mất kiên nhẫn, vừa lớn tiếng trách mắng vừa dọn thay con. Bất ngờ, cậu bé òa khóc, giận dữ hét lên: "Con ghét mẹ".

Câu nói như nhát dao cắt ngang tim. Người mẹ sững lại. Cổ họng nghẹn ứ. Trong đầu, lý trí thì thầm: "Đừng nổi giận, đừng phản ứng...", nhưng trái tim lại bật lên câu hỏi đầy hoang mang: "Mình đã làm gì sai để con nói vậy".

5 cách xử lý thông minh khi trẻ nói "con ghét mẹ" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong rất nhiều gia đình, có lẽ không ít cha mẹ từng trải qua cảm giác ấy, cảm giác bị chính đứa con mình yêu thương nhất từ chối bằng lời nói tưởng chừng vô tình. Nhưng điều ít ai nhận ra rằng, trẻ không thực sự ghét bạn. Chúng chỉ đang vụng về gửi đi một tín hiệu cầu cứu: "Mẹ ơi, con đang rối bời. Mẹ có hiểu cảm xúc của con không".

Câu nói phản chiếu trái tim nhỏ đang tổn thương

Khi trẻ nói:

"Con ghét mẹ".

"Con không cần mẹ nữa".

"Mẹ xấu lắm".

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng con đang hỗn, không biết điều. Nhưng thực chất, theo các nhà tâm lý học trẻ em, đây là biểu hiện của một cơ chế gọi là "biểu đạt cảm xúc đảo ngược". Trẻ không biết diễn đạt trực tiếp nỗi buồn, sự giận dữ, thất vọng nên chọn nói điều ngược lại với cảm xúc thật.

"Con ghét mẹ" đồng nghĩa với việc con đang thất vọng vì mẹ không hiểu con. "Con không cần mẹ" đồng nghĩa với con sợ mẹ không yêu con nữa. "Con không chơi với mẹ nữa" đồng nghĩa với con muốn mẹ ôm con, nhưng không biết nói ra sao

Ở độ tuổi từ 3 đến 6, khả năng ngôn ngữ cảm xúc của trẻ còn rất hạn chế. Khi trẻ bị mẹ la mắng, bị hiểu lầm hoặc cảm thấy bất công, chúng thường sử dụng những lời "nói ngược" như một cách để bảo vệ lòng tự trọng và khao khát được lắng nghe.

5 cách xử lý khi con nói "con ghét mẹ"

Thay vì la mắng hay chỉnh sửa ngay tức thì, người mẹ trong câu chuyện trên đã chọn làm điều khác. Và kết quả thật bất ngờ…

1. Đón nhận cảm xúc thay vì phản ứng

"Con đang giận lắm đúng không", "Con cảm thấy mẹ không hiểu con phải không".

Khi mẹ gọi tên đúng cảm xúc của trẻ, trẻ sẽ cảm thấy được thấu hiểu và dễ dàng bình tĩnh hơn.

5 cách xử lý thông minh khi trẻ nói "con ghét mẹ" - Ảnh 2.

2. Cho con cơ hội nói lại một cách khác

"Con nói vậy chắc vì đang giận lắm. Mình thử nói lại nhẹ nhàng hơn được không".

Điều này không chỉ làm dịu tình huống, mà còn là bài học dạy con cách làm chủ cảm xúc.

3. Phân biệt giữa lời nói và mối quan hệ

"Mẹ biết con không thích mẹ mắng như vậy, nhưng mẹ tin là con vẫn thương mẹ đúng không".

Mẹ hãy dạy con rằng, cảm xúc tiêu cực chỉ là tạm thời, trong khi tình yêu luôn tồn tại và bền vững.

4. Dùng sách truyện và đóng vai để con học cách "nói đúng"

Những cuốn như "Khi tớ tức giận", "Bạn Gấu buồn bã"... giúp trẻ hiểu cảm xúc thông qua hình ảnh. Đóng vai cũng là cách giúp trẻ "tập nói" cảm xúc một cách an toàn, không xấu hổ.

5. Ưu tiên chữa lành sau cùng hơn là chỉnh lỗi ngay lập tức

Sau khi cơn giận qua đi, hãy ôm con vào lòng: "Lúc nãy mẹ và con đều không vui. Nhưng mẹ vẫn thương con. Mình cùng tìm cách để lần sau không buồn như vậy nữa nhé".

Con không cần bị "uốn nắn", con đang cần được hiểu và chữa lành, mỗi người mẹ cần phải hiểu điều này.

Trẻ nhỏ thường không sử dụng ngôn từ hoa mỹ để diễn đạt cảm xúc. Ngôn ngữ của trẻ chủ yếu thể hiện qua những hành động như khóc, hét, nói ngược hoặc im lặng. Mỗi biểu hiện này đều là một tín hiệu, một thông điệp không lời gửi đến cha mẹ: "Con không biết cách thể hiện, nhưng con cần mẹ rất nhiều". Nếu người lớn có đủ kiên nhẫn để lắng nghe và phản hồi bằng sự thấu cảm, những câu nói tổn thương có thể trở thành nhịp cầu kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Chia sẻ