4 nguyên tắc chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày, cha mẹ cần nhớ để khỏi hại con

Võ Hồng Thu,
Chia sẻ

Trào ngược dạ dày ở trẻ em có thể là hiện tượng sinh lý hoặc do bệnh lý nào đó. Tình trạng trào ngược dạ dày sinh lý thường xảy ra ở những năm đầu đời của bé, có thể tự cải thiện khi trẻ lớn lên và được chăm sóc đúng cách.

Trào ngược dạ dày ở trẻ thường có những biểu hiện ra sao?

Nếu bạn thấy bé biếng ăn, dễ nôn, ói ngay sau khi ăn hay uống sữa; thường xuyên nấc cụt, ho, ợ nóng, dễ bị nghẹn, thở khò khè, quấy khóc, ngủ không sâu giấc… thì đó chính là những biểu hiện đặc trưng của trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, những biểu hiện này cũng có thể bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và không nên tự… làm bác sĩ chẩn đoán bệnh. Nên đưa con đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo chuyên gia về tiêu hóa, TS.BS. Lê Việt Khánh (Bệnh viện Việt Đức), trào ngược dạ dày kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, khiến trẻ kém hấp thu dưỡng chất, chậm lớn. Đa số trẻ bị trào ngược dạ dày có thể trạng thấp còi so với bạn bè cùng tuổi.

Trào ngược dạ dày dễ gây ho, lâu ngày sẽ làm tăng nguy cơ viêm họng, nhiễm trùng phổi ở trẻ. Hơi thở của trẻ cũng thường có mùi hôi, men răng dễ bị hỏng. Ở trẻ lớn hơn, bệnh có thể gây triệu chứng đau phía sau xương ức, ợ nóng khó chịu.

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, trào ngược dạ dày ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến viêm phổi , viêm thanh quản hoặc hen suyễn.

Cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày

Kinh nghiệm truyền miệng của các bà mẹ sau khi cho con bú hay ăn xong, để tránh hiện tượng nôn trớ thì thường vỗ ợ, giữ nguyên tư thế đứng khoảng 30 phút sau bú. Điều đó cũng chính là một phần của phương pháp điều trị bệnh trào ngược dạ dày không dùng thuốc của y học. Với trẻ bị trào ngược dạ dày sinh lý, bên cạnh các động tác đó, bác sĩ hướng dẫn cha mẹ cho trẻ mặc quần áo thoải mái, tránh chèn ép, tác động đến vùng bụng của trẻ nhất là sau khi vừa bú/ăn xong; tránh cho trẻ ăn các thực phẩm kích thích dạ dày…

4 nguyên tắc chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày, cha mẹ cần nhớ để khỏi hại con - Ảnh 1.

Trẻ bú xong, cần được vỗ ợ đúng cách.

Khi cha mẹ chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày đúng cách thì sẽ tăng hiệu quả điều trị căn bệnh này và cũng khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

Như mọi căn bệnh dạ dày khác, chia nhỏ bữa ăn là biện pháp đầu tiên: Ở trẻ nhỏ bú mẹ hoàn toàn, mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, khoảng 10-15 phút/lần; mỗi lần cho bú cách nhau khoảng 1,5 giờ. Khi cho trẻ bú, mẹ lưu ý để trẻ ngậm bắt vú, bú đúng tư thế nhằm hạn chế để trẻ nuốt nhiều hơi vào dạ dày. Trẻ bú xong, cần được vỗ ợ đúng cách. Ở trẻ bú bình hoặc bú sữa công thức, cha mẹ cần lựa chọn bình sữa với kích thước núm vú, tia sữa phù hợp với khả năng bú/nuốt của trẻ. Trẻ lớn hơn, bố mẹ cho chia nhỏ bữa ăn và chỉ cho trẻ ăn một lượng vừa đủ mỗi bữa. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tạo cho trẻ thói quen ăn đúng giờ, không bỏ bữa.

Trẻ bị trào ngược dạ dày nên ăn gì, kiêng gì : Nếu trẻ đang bú mẹ, tiếp tục cho bú mẹ, sữa mẹ vừa dễ tiêu hóa, vừa cung cấp nhiều loại kháng thể giúp bảo vệ đường tiêu hóa cho trẻ. Mẹ cần lưu ý ăn đủ chất và ngủ đủ để đảm bảo nguồn sữa tốt cho trẻ. Nếu trẻ bú sữa công thức, có thể sử dụng sữa công thức dành cho trẻ bị trào ngược hoặc sữa có chứa bột gạo, ngũ cốc (giúp sữa đặc hơn).

Cha mẹ nên chọn những loại thức ăn lành mạnh, dễ tiêu hóa, không gây kích thích dạ dày trẻ như chuối, táo, gạo, khoai lang, bí đỏ… Chế độ ăn của trẻ cần loại trừ thực phẩm nhiều mỡ, các gia vị cay nóng, cà phê hoặc sô cô la.

Không ăn trước khi ngủ là nguyên tắc quan trọng : Ngủ ngay khi vừa mới ăn xong sẽ khiến tình trạng trào ngược trở nên nghiêm trọng hơn. Tốt nhất là không nên cho trẻ ăn gì trong khoảng 2-3 tiếng trước khi ngủ. Hoặc chỉ cho trẻ ăn nhẹ một lượng thức ăn dễ tiêu hóa trong trường hợp trẻ bị đói. Sau khi ăn, tuyệt đối không cho trẻ nằm ngủ ngay.

Bế trẻ ở tư thế nào? Tư thế trẻ nằm ngủ như thế nào cho đúng ? Không vác trẻ trên vai hoặc bế ngang người, nhất là khi trẻ mới bú/ăn no. Luôn bế để trẻ ở tư thế thẳng đứng, dù người bế ngồi hay đứng. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi trẻ vừa ăn xong.

Khi cho trẻ ngủ, cha mẹ đặt trẻ nằm nghiêng trái và có gối kê đầu nhung không quá cao. Tư thế này giúp giảm áp lực lên dạ dày, hạn chế axit dạ dày trào ngược lên thực quản.

Chia sẻ