4 bệnh thường gặp mùa nắng nóng

,
Chia sẻ

Viêm đường hô hấp, tiêu chảy, say nắng và rôm sảy là bốn bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa nắng nóng.

 

Vào mùa nắng nóng, do thời tiết nóng dần lên, môi trường ô nhiễm nên nhiều bệnh có điều kiện phát sinh ở trẻ em. Ngoài nguyên nhân môi trường ô nhiễm, điều mà các bậc phụ huynh cần chú ý là vào mùa nóng, trẻ thường bị mất nước. Nhất là các trẻ còn nhỏ không tự lấy nước uống, không biết kêu khát.... Khi thiếu nước, trẻ sẽ có biểu hiện tiểu ít, niêm mạc miệng khô; sau đó có thể mắc một số bệnh của mùa nắng như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, nhiễm trùng da, say nắng…

Viêm đường hô hấp:

Các bệnh thường gặp là: Viêm hô hấp trên, viêm họng, viêm mũi - họng.

- Nguyên nhân: Đối với trẻ em, các yếu tố: nhiệt độ cao, khói bụi và nắng nóng khiến cho đường hô hấp của các cháu dề bị nhiễm bệnh, biểu hiện bằng: sổ mũi, sốt nhẹ, viêm họng, ho dai dẳng và nhức đầu.

Ngoài ra, do trời nóng, gia đình thường cho trẻ nằm máy lạnh liên tục, nằm quạt máy thổi suốt đêm, tắm hồ bơi nhiều giữa trời nắng gắt, tắm hoặc ngồi trước quạt máy khi đang ướt mồ hôi, ra gió ngay khi vừa tắm xong...

Khi mở quạt lớn sẽ dễ làm trẻ bị khô vùng hầu họng khiến những chất nhờn, nhầy bảo vệ vùng hầu họng bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng thường trú xâm nhập và gây bệnh.

- Triệu chứng: Trẻ bị ho, sốt cao, thở nhanh, có thể kèm đau họng, khó thở...

 - Phòng bệnh: Nên cho trẻ uống đủ nước, mặc thoáng mát, mặc loại vải có thể hút thấm mồ hôi, không cho quạt thổi trực tiếp vào trẻ, nên sử dụng quạt có chuyển hướng hoặc quạt nước.

- Điều trị: Trẻ bị sốt, ho do vi trùng ở vùng hầu họng gây ra, phải sử dụng kháng sinh kèm thuốc giảm ho, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Tiêu chảy:

- Nguyên nhân: Vào mùa nóng, thức ăn dễ ôi thiu. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Ăn uống ở những hàng quán bán trên lòng lề đường không được che đậy cẩn thận, hoặc sử dụng nước chưa nấu chín, nước đá sản xuất không sạch dễ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa.

- Triệu chứng: Khi mắc bệnh trẻ thường bị sốt, ói, ói ra thức ăn cũ, ói ra dịch màu vàng, màu xanh, đi tiêu 5-10 lần/ ngày hoặc nhiều hơn. Phân lúc đầu lợn cợn, sau đó toàn nước.



- Phòng bệnh: Cần ăn uống hợp vệ sinh, uống nước đun sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn ở các hàng quán kém vệ sinh. Trẻ lớn nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn. Những thức ăn đã rơi vãi xuống đất nên bỏ đi.

- Điều trị: Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mất nước, muối khoáng kèm theo. Nếu không được điều trị kịp thời, kèm theo trẻ có thể trạng suy dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, cần phải bù đủ nước cho trẻ. Nếu tình trạng rối loạn tiêu hóa không cải thiện nên đưa trẻ đến BV ngay.

Say nắng:

- Nguyên nhân: Thời tiết nóng làm cơ thể mất nước và một số muối khoáng nhưng không được bổ sung kịp thời, nhất là khi trẻ đi ngoài đường, chạy nhảy, đá banh... ngoài trời nắng.

- Biểu hiện: Trẻ bị sốc nắng sẽ mệt, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, môi khô, đòi uống nước nhiều. Nếu không được xử lý kịp thời có thể nguy hiểm cho sức khỏe.

 
- Điều trị: Khi trẻ bị sốc nắng, cần đưa ngay trẻ vào nơi mát, cởi áo cho thoáng và lau mát cho trẻ, cho uống nhiều nước có nhiều khoáng chất như nước muối đường, hoặc pha nước oresol, hydrite (còn gọi là nước biển khô) cho trẻ uống. Trẻ phục hồi thì theo dõi tiếp, nếu không bớt phải đưa ngay đến cơ sở y tế.

Rôm, sảy:

- Nguyên nhân: Ở trẻ nhỏ, trời nắng nóng sẽ dễ làm phát sinh hâm, rôm sảy, mụn, nhọt do đổ mồ hôi nhiều và có thể nặng thêm do người lớn ủ ấm hoặc mặc tã giấy suốt.

- Phòng bệnh: Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, tắm rửa và thay quần áo cho trẻ thường xuyên, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát

Theo ThS. BS. Lê Phan Kim Thoa
Phó khoa Nhiễm (BV Nhi Đồng 1)
Vietnamnet
Chia sẻ