3 kiểu gia đình chắc chắn sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ có IQ và EQ cao
Không đứa trẻ nào muốn lớn lên trong gia đình có cha mẹ suốt ngày tranh cãi.
*Dưới đây là tâm sự của một bà mẹ Trung Quốc về câu chuyện dạy con nhận được nhiều sự quan tâm.
Mấy hôm trước, tôi tình cờ gặp chị Triệu – một đồng nghiệp vừa đi du lịch về. Tiện miệng hỏi: "Hải Nam có đẹp không chị?"
Không ngờ chị lập tức xị mặt: "Đừng nhắc nữa, phí mất 20 triệu!"
Thì ra, con trai 8 tuổi của chị được giao bài tập viết văn về đề tài "Biển cả tươi đẹp", nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Nghĩ bụng "chắc con chưa từng tận mắt thấy biển", chị Triệu liền xin nghỉ phép, dẫn con bay thẳng đến Hải Nam.
Ai ngờ suốt ba ngày ở đó, cậu bé chỉ lặng lẽ nhìn sóng vỗ mà chẳng nói câu nào. Đến khi về nhà, vở tập làm văn vẫn trắng tinh như trước chuyến đi.
Chị Triệu giậm chân bực bội: "Con nhà người ta chỉ đọc truyện thôi cũng viết được 500 chữ. Còn con mình, nhìn thấy biển thật lại cứng họng!".
Nghe chị than thở, tôi chợt nhớ đến lời của một chuyên gia giáo dục: "Sự nhạy bén của trẻ không thể mua bằng tiền, mà được nuôi dưỡng từ bầu không khí trong gia đình".
Giống như một hạt giống: Nếu trồng trên mảnh đất cằn cỗi, nó chỉ sống lay lắt. Nhưng khi được gieo trong khu vườn màu mỡ, nó sẽ nở hoa rực rỡ.

Sự nhạy bén của trẻ không thể mua bằng tiền, mà được nuôi dưỡng từ bầu không khí trong gia đình (Ảnh minh họa)
Qua quan sát hàng trăm gia đình có con cái xuất sắc, tôi nhận ra rằng những gia đình có con thực sự ưu tú đều có 3 điểm chung này:
1. Gia đình biết chơi những trò chơi vô dụng:
Sai lầm của chị Triệu khi đưa con đi du lịch là gì? Quá chú trọng vào mục đích!
Suốt hành trình, chị liên tục nhắc nhở: "Nhìn cho kỹ vào, lát về còn viết văn!". Cậu bé bị áp lực đến mức không dám tận hưởng chuyến đi.
Ngược lại, hãy nhìn cách cha mẹ của nhà côn trùng học Fabre nuôi dạy con: Trong khi những đứa trẻ khác miệt mài học thuộc thơ cổ, họ sẵn sàng mua sâu bướm cho con quan sát. Thậm chí, khi bắt gặp một con bọ hiếm, họ sẽ cẩn thận bọc nó trong lá và mang về nhà. Chính những trò chơi "vô dụng" ấy đã góp phần tạo nên tác phẩm kinh điển Cuộc Sống Các Loài Côn Trùng.
Nhà văn Lý Quyên cũng từng nói: Hoa dại trên thảo nguyên nếu không ai hái, chẳng lẽ không phải hoa? Con gái tôi nhất định phải trở nên "có ích" thì mới xứng đáng tồn tại hay sao?
Chính sự bao dung của cha mẹ với niềm vui "vô ích" của trẻ mới có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ thành tài.
2. Gia đình biết "đóng cửa cãi nhau"
Nhà chị họ tôi có một nguyên tắc đặc biệt: Mọi mâu thuẫn không được để qua đêm, tuyệt đối không to tiếng trước mặt con cái.
Có lần tôi đến chơi, tình cờ chứng kiến hai vợ chồng chị tranh cãi nảy lửa vì chuyện sửa nhà. Thế nhưng cậu con trai 5 tuổi vẫn điềm nhiên xếp hình Lego, không hề bị ảnh hưởng.
Sau này tôi mới biết, dù có tức giận đến đâu, họ cũng sẽ đợi con ngủ rồi mới vào phòng làm việc để "đấu trí cả đêm".
Giờ đây, cậu bé đã vào tiểu học và nổi tiếng là lớp trưởng có khả năng kiểm soát cảm xúc cực tốt.
Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng: Trẻ em cực kỳ nhạy cảm với bầu không khí gia đình.
Thay vì giả vờ hòa thuận, các bậc phụ huynh nên thiết lập quy tắc "cãi nhau an toàn": Cha mẹ có thể tranh luận, nhưng không công kích cá nhân. Cha mẹ có thể giận dữ, nhưng nhất định phải làm hòa ngay sau đó.

Không đứa trẻ nào muốn lớn lên trong gia đình có cha mẹ suốt ngày tranh cãi (Ảnh minh họa)
3. Gia đình coi trẻ em như người lớn tí hon
Cuối tuần trước, tôi vô tình chứng kiến một cảnh tượng trong trung tâm thương mại:
Một bé gái 5 tuổi đánh rơi ly kem. Người mẹ không hề vội vã lau dọn, mà chỉ ngồi xuống, nhẹ nhàng hỏi: "Con nghĩ mình nên làm gì bây giờ?".
Bé gái ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp: "Dạ, con sẽ lau sạch chỗ này trước, rồi đi mua lại cái khác".
Người mẹ gật đầu mỉm cười: "Tốt, vậy chúng ta cùng làm nhé".
Những đứa trẻ được dạy cách giải quyết vấn đề thay vì chờ người lớn can thiệp thường trở nên có trách nhiệm hơn.
Ngược lại, không ít cha mẹ quen miệng nói: "Để mẹ làm cho!", "Con còn nhỏ, không hiểu đâu!"
Hệ quả là gì? Những đứa trẻ lớn đến 30 tuổi vẫn sống dựa vào bố mẹ. Hoặc họ có thể trở thành những người trưởng thành chỉ biết ăn vạ mỗi khi gặp khó khăn.
Giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức, mà là đánh thức khả năng cảm nhận của trẻ.
Và những gia đình xuất sắc, luôn là những gia đình biết cách làm điều đó.
Theo Sohu