3 cách giáo dục bố mẹ hay sử dụng mà không biết rằng điều này có thể khiến con trở nên nhút nhát yếu đuối
Bố mẹ nào cũng mong con cái phát triển đầy đủ, toàn diện. Tuy nhiên, tính cách của trẻ con khác nhau, chúng luôn phải chịu sự ảnh hưởng của gia đình và môi trường. Vì vậy, để dạy dỗ con cái tốt, ngoài việc cho chúng tiếp xúc với môi trường tốt, bố mẹ cần phải biết cách cương nhu đúng lúc, không thể dạy con theo bản năng.
Một người mẹ Trung Quốc họ Diệp đã chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng Weibo. Cô cho biết mình có đứa con trai tên Đường Đường. Vì chồng phải ra ngoài làm việc, không thường xuyên ở nhà nên Đường Đường đều do một tay cô chăm sóc. So với những đứa trẻ đồng trang lứa, tính cách Đường Đường có chút nhút nhát. Khi đi học mẫu giáo, cậu bé khóc không ngừng. Đến khi lên tiểu học thì cởi mở hơn một chút nhưng cũng không phải phát triển như những đứa trẻ khác, cậu bé sống khép kín, không giao lưu với bạn bè. Cô giáo gọi lên bảng thì luôn cúi đầu, không thể mở lời.
Ảnh minh họa
Cô Diệp cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ rằng sau này lớn lên cậu bé không thể giao tiếp với xã hội. Cô Diệp quyết định đưa con gặp bác sĩ tâm lý để kiểm tra tình hình. Qua lời kể của cô Diệp, bác sĩ nói rằng cậu bé bị chấn thương tâm lý vì những lần dọa nạt và việc dạy dỗ bằng roi của bố mẹ. Mặc dù chỉ đơn giản là dạy dỗ chúng trong phạm vi cho phép, nhưng có những đứa trẻ có tâm lý yếu nên dù thế nào cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc dạy con không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Trên thực tế, tâm lý trẻ con rất mong manh, nếu bố mẹ vô tình sử dụng 3 hình phạt này sẽ khiến con trở nên nhút nhát, không dám một mình đối mặt với xã hội và môi trường xung quanh.
La hét, lớn tiếng
So với đàn ông, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái của phụ nữ phức tạp hơn nhiều. Phận làm mẹ, làm vợ, người phụ nữ buộc phải quán xuyến mọi thứ trong nhà, từ việc cho con ăn uống đến dọn dẹp khiến họ rất dễ mất bình tĩnh. Vì vậy, khi con làm điều gì đó sai hay khiến mẹ phật ý, thì người mẹ sẽ đột ngột la hét và trút giận như một bản năng, điều này sẽ khiến đứa trẻ sợ hãi, không dám làm trái ý bất cứ điều gì. Ngày một ngày hai có thể cho đó là sự ngoan ngoãn, nhưng nếu người mẹ nào không tinh tế sẽ không biết được điều này có thể hình thành thói quen nhút nhát của con trẻ. Kể cả khi sau này bạn không còn la hét, lớn tiếng, chúng cũng không dám làm bất cứ điều gì khác. Mọi việc làm dần trở nên thụ động, kéo theo sự trầm lặng, dễ dàng chấp nhận mọi thứ và có thể hình thành tính cách nhút nhát, yếu đuối.
Ảnh minh họa
Dọa nạt
Một số phụ huynh thường nhờ đến yếu tố bên ngoài để dạy dỗ con nhỏ, đặc biệt là ông bà khi trông cháu, nếu cháu không nghe lời thường bảo rằng sẽ mách với bố mẹ, sẽ không cho làm cái này, sẽ không cho làm cái khác. Hay có những bố mẹ biết được con trẻ sợ cái gì, thì sẽ đem thứ đó ra hù dọa nếu chúng không nghe lời. Trên thực tế, điều này sẽ khiến những đứa trẻ bị ám ảnh những thứ mà chúng sợ, cảm giác chỉ cần mình làm gì sai thì sẽ gặp thứ đáng sợ đó. Từ đây, bố mẹ vô tình hình thành sự nhút nhát cho trẻ, có đôi khi chúng không biết rằng làm điều đó là sai hay đúng, nhưng nghĩ đến việc lỡ như phải gặp thứ đáng sợ thì thà chúng không làm. Bố mẹ nên nhớ, tâm lý của trẻ con mỏng manh và dễ bị ảnh hưởng, nếu cứ dạy dỗ chúng theo cách dọa nạt thế này sẽ khiến sự phát triển của chúng bị hạn chế, không linh hoạt và tìm hiểu thế giới bên ngoài.
Đánh đập
Ảnh minh họa
Ông bà xưa có câu, thương cho roi cho vọt, và thường dùng phương pháp đòn roi để dạy dỗ thế hệ trước. Nhưng đó lại là câu chuyện của ngày xưa, trong xã hội hiện đại, phương pháp này chưa chắc có thể dạy dỗ được con cái mà có khi còn phản tác dụng. Thậm chí, có nhiều bố mẹ phạt con bằng cách nhốt vào phòng tối, bắt kiểm điểm lỗi lầm của mình, hoặc bắt úp mặt vào tường, không cho tiếp xúc với mọi thứ xung quanh. Khi những đứa trẻ khác đến trêu đùa, chúng lại phản kháng trong sự yếu ớt và bực tức. Những cách giáo dục này rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý đứa trẻ, khiến chúng phát triển không toàn diện, nhút nhát và yếu đuối.
Dạy con không phải là việc làm mà bố mẹ có thể dễ dàng thực hiện được. Điều này cần phải đòi hỏi quá trình quan sát, thấu hiểu tâm lý đứa trẻ để có thể hòa hợp với chúng. Ở những độ tuổi khác nhau, tính cách đứa trẻ sẽ hình thành theo hướng khác nhau, bất kể là chúng làm sai điều gì, bố mẹ tuyệt đối không nên làm theo 3 phương pháp trên, thay vào đó là phải tìm hiểu tại sao chúng hành động như thế, và quan trọng hơn hết là phải cùng chúng tìm cách giải quyết, chỉ rõ cho chúng biết điều gì đúng, điều gì sai. Các chuyên gia luôn nhấn mạnh với bố mẹ một điều, việc giữ vững tâm trạng bình tĩnh để dạy dỗ con cái là một điều vô cùng quan trọng và cần thiết.