15 câu nên hỏi con thường xuyên để cứu mạng trẻ trong những tình huống nguy hiểm
Năm học mới vừa bắt đầu và sẽ không bao giờ thừa nếu giúp trẻ nắm vững mọi quy tắc đảm bảo an toàn, tránh các tình huống nguy hiểm cho bản thân.
16 câu hỏi để tìm hiểu xem trẻ sẽ phản ứng thế nào trong những tình huống nguy hiểm:
1. Con nên làm gì nếu bố mẹ không có nhà và ai đó đang cố gắng mở cửa?
Trẻ cần gọi cho cha mẹ trước khi gọi cho số điện thoại khẩn cấp. Cuộc nói chuyện với nhân viên tổng đài có thể kéo dài, trong khoảng thời gian đó, cha mẹ có thể gọi điện về và cảnh báo hàng xóm.
2. Con có nên nhận kẹo từ một người lạ không?
Việc nhận đồ ăn, đồ chơi và những vật dụng khác từ người lạ là không thể được! Hãy dạy con bạn rằng, đôi khi chúng có thể đón nhận lòng tốt từ một bác/bà hàng xóm nhưng chỉ thế thôi.
3. Con nên làm gì nếu ở ổ điện bốc khói và không có ai khác ở nhà?
Hãy nhanh chóng rời khỏi toà nhà và gọi cứu hỏa. Trong lúc xe chữa cháy đang tới, trẻ nên chạy sang hàng xóm nhờ giúp đỡ. Việc trẻ cố gắng tự mình dập tắt lửa là hoàn toàn phải nghiêm cấm.
4. Một người lớn lạ mặt nhờ giúp đỡ. Con có nên giúp họ không?
Nếu ai đó trên phố nhờ con bạn giúp, trẻ nên nói "không" một cách rõ ràng, kiên quyết và nhanh chóng rời đi.
5. Con nên làm gì nếu con bị một đàn chó tấn công?
Điều chính yếu nên làm ở đây là giữ bình tĩnh và không khiêu khích để đám thú tấn công. Dạy trẻ không nên nhìn vào mắt chó nhưng vẫn có thể đánh lạc hướng sự chú ý của chúng bằng bất cứ vật thể nào như mũ, ô hay vở. Ném vật thể đó sang bên một cách cẩn trọng và bắt đầu từ từ di chuyển khỏi vị trí bầy chó mà không quay lưng lại.
6. Con vừa mới gặp một bạn cùng tuổi con. Con có nên đến nhà bạn ấy nếu được mời không?
Dạy con bạn không đến thăm người mới chỉ biết sơ qua, ngay cả khi họ tự giới thiệu là bạn của gia đình. Quy tắc này áp dụng cho cả những đứa trẻ mà con bạn chưa thực sự thân thuộc.
7. Con nên làm gì nếu ngửi thấy mùi khí gas trong nhà?
Trẻ nên rời khỏi nhà hoặc căn hộ ngay lập tức, chạy sang hàng xóm và gọi số điện thoại của đội cứu hỏa.
8. Nếu con đang đợi thang máy và một số người lạ xuất hiện, con có nên bước vào thang máy cùng họ không?
Hãy dạy con bạn từ chối lời đề nghị đi cùng thang máy. Thay vào đó, trẻ có thể nói đang chờ bố mẹ đến nên sẽ đi sau.
9. Con nên làm gì nếu con phát hiện thấy mình đang bị theo dõi?
Quyết định đúng đắn trong trường hợp này là bước vào một siêu thị, một tiệm làm tóc hay bất cứ nơi nào khác có mọi người xung quanh và gọi điện thoại cho bố mẹ từ đó.
10. Nếu con ở nhà một mình, con có thể cho ai vào nhà?
"Không được mở cửa cho người lạ" có vẻ là một quy tắc cả thế giới đều biết. Đảm bảo rằng con bạn hiểu chính xác điều này. Ngay cả những phụ nữ lớn tuổi có gương mặt hiền lành, tốt bụng và trẻ con cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hoạ.
11. Con nên làm gì nếu một người lạ túm lấy con và không để con đi?
Biện pháp chắc chắn nhất là thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh. Trẻ có thể hét lên và chống trả. Nếu cần thiết, trẻ có thể nhặt một hòn đá và ném vào cửa sổ hoặc chiếc xe ô tô gần nhất. Việc bồi thường thiệt hại sẽ không khiến bạn chịu nhiều tổn thất như hậu quả của việc con bị kẻ lạm dụng hãm hại.
12. Con nên làm gì nếu đang đứng giữa một đám đông lớn?
Dạy con giữ bình tĩnh nếu phát hiện ra thấy mình lẻ loi giữa một đám đông. Trẻ cần từ từ di chuyển ra phía ngoài rìa đám đông nhưng không đi ngược lại đám đông. Nếu con ở giữa một đám đông với một người lớn đi kèm thì người lớn đó nên bế trẻ trên vai.
13. Con nên làm gì nếu đang ở trên phố, giữa một cơn mưa gió, sấm sét?
Nếu trẻ đang trên phố, giữa một cơn mưa giông, việc đầu tiên cần làm là tìm một nơi trú ẩn an toàn. Trẻ có thể đi vào cửa hiệu hoặc sảnh tòa nhà gần nhất. Nếu không có chỗ trú nào ngay đó, trẻ có thể trốn giữa các bụi cây thấp trong công viên. Không an toàn khi ở gần các cấu trúc kim loại, bể bơi có nước, cây cao và xe ô tô. Nhớ rằng tia chớp nguy hiểm nhất là loại đi kèm ngay sau đó bởi một chuỗi sấm sét rền vang.
14. Con nên làm gì nếu ai đó đe dọa con hoặc người thân của con trên mạng?
Không đầu hàng trước những lời xúi giục và đe doạ. Nếu trẻ bị đe dọa, nên ngay lập tức nói cho cha mẹ hoặc gọi tới đường dây nóng trợ giúp. Trách nhiệm của mỗi phụ huynh là thiết lập mối quan hệ tin cậy với con cái mình mà không xâm phạm tới sự riêng tư của trẻ.
15. Con có thể lấy thuốc từ hộp cứu thương nếu bố mẹ không có nhà không?
Thông báo cho trẻ về mối nguy hiểm của thuốc. Ngay cả khi trẻ chắc chắn rằng đó là loại thuốc chữa đau đầu, bạn không nên cho phép trẻ sử dụng thuốc khi không có cha mẹ ở bên. Nói với trẻ gọi cho bạn hoặc những người thân khác trong trường hợp trẻ cảm thấy ốm mệt.
Bố mẹ cần lưu ý hãy dạy trẻ những quy tắc về cách hành xử an toàn một cách từ từ nhưng đều đặn. Trẻ không nên nảy sinh cảm nhận thế giới bên ngoài quá nguy hiểm và độc ác. Thật tốt nếu trẻ chú tâm và biết cảnh giác trong một số tình huống nhất định. Nhưng quãng thời gian còn lại, hãy để trẻ tận hưởng tuổi thơ của mình – có thể nói là thời điểm đẹp nhất trong đời mỗi người.
Nguồn: Brightside