10 sự thật về nền giáo dục Trung Quốc qua nhận xét của một giáo viên ngoại quốc
Tính cả thời gian học ở lớp và ở nhà, trẻ em Trung Quốc phải học tập tới hơn 10 giờ mỗi ngày. Đó là một trong những sự thật về nền giáo dục Trung Quốc được một giáo viên nước ngoài tiết lộ.
Masha Pipenko là một giáo viên dạy tiếng Anh người phương Tây. Cô đã có nhiều năm sống và làm việc tại Trung Quốc, đặc biệt đã từng dạy học tại 4 trường khác nhau ở đất nước này nên Masha Pipenko đã có nhiều trải nghiệm và so sánh thú vị về sự khác biệt trong phương pháp giáo dục giữa châu Âu và Trung Quốc. |
1. Các trường đều có đồng phục mùa đông giống nhau
Hệ thống sưởi ấm trung tâm chỉ xuất hiện ở phía bắc của Trung Quốc. Còn các tòa nhà ở miền Trung và miền Nam được xây dựng phù hợp với khí hậu ấm áp hơn, vì vậy khi vào mùa đông, nhiệt độ có thể giảm xuống 0o C thì vật sưởi ấm duy nhất cho cả lớp là máy điều hòa không khí.
Đồng phục của các em học sinh là bộ đồ thể thao có quần dài rộng và áo khoác.
Đồng phục các trường học vào mùa đông được thiết kế giống nhau: bộ quần áo thể thao với quần dài rộng và áo khoác, ngoại trừ màu sắc và biểu tượng trường học trên ngực. Khuôn viên của trường được bao quanh bởi cổng sắt lớn được đóng kín trong suốt thời gian các em học. Nó chỉ được mở khi các học sinh ra về.
2. Các trường học ở Trung Quốc cho học sinh tập thể dục mỗi ngày và nhiều hơn một lần trong ngày
Các em đang trong giờ học thể dục.
Một buổi sáng của các em bắt đầu với bài tập thể dục khởi động, sau đó từng hàng dọc học sinh di chuyển vào lớp học của mình và nhìn lá cờ lớn của trường hoặc của khu vực được kéo lên. Tất cả các em tập bài tập luyện mắt sau tiết thứ ba – trẻ sẽ ấn lên những huyệt đặc biệt trên cơ thể mình, nghe nhạc thư giãn và làm theo lời người hướng dẫn được ghi âm. Ngoài việc tập thể dục buổi sáng, vào khoảng 2 giờ chiều, âm nhạc bắt đầu nổi lên, tất cả các em đi ra khỏi lớp (nếu lớp không có đủ không gian bên trong), giơ hai tay sang ngang bằng vai và nhảy tại chỗ.
3. Giờ ăn trưa thường kéo dài một tiếng đồng hồ
Trong thời gian này, trẻ xuống ăn tại căng-tin. Tiếng la hét, chạy đuổi nhau vang khắp nơi. Các giáo viên ở tất cả các trường học đều được ăn trưa miễn phí. Bữa ăn trưa theo truyền thống gồm: một món mặn, hai món rau, cơm và một bát canh. Các trường tư thục đắt tiền thì cung cấp thêm các loại trái cây và sữa chua.
Phần ăn trưa của một học sinh.
Một số trường tiểu học áp dụng “giấc ngủ ngắn” trong một vài phút sau giờ ăn trưa. Vì vậy, đôi khi, các học sinh của tôi ngủ thiếp đi một vài lần ngay trong giờ học, và tôi đã phải đi xuống đánh thức những người bạn nhỏ bé này.
4. Giáo viên được đối xử với sự tôn trọng tuyệt đối
Các giáo viên luôn luôn được gọi tên phía sau tiền tố “giáo viên”, hoặc “cô”, “thầy”: ví dụ, “Giáo viên Zhan” hoặc “Thầy Tây An”. Có một trường học, tất cả mọi người, kể cả học sinh, tôi hay bất kỳ ai, khi gặp nhau đều cúi đầu chào.
5. Nhiều trường cho phép dùng hình phạt “cho roi cho vọt”
Giáo viên có thể đánh tay học sinh khi em ấy vi phạm những lỗi trong quy định. Từ xa xưa, khi mới bắt đầu nền giáo dục, người Trung Quốc đã áp dụng những kiểu hình phạt này. Một người bạn của tôi nói rằng họ đã phải đóng học phí để được học tiếng anh ở trường và cứ mỗi khi quên một từ thì sẽ bị đánh một roi.
Học sinh chơi trống truyền thống trong một giờ giải lao.
6. Có một bảng thống kê thứ hạng học sinh được treo trong mỗi lớp làm động lực cho học sinh
Các thứ hạng được xếp từ A đến F, trong đó A là thứ hạng cao nhất đạt 90 – 100%, và F là thứ hạng thấp nhất không đạt 59% theo yêu cầu. Khuyến khích hành vi tốt là một phần quan trọng của giáo dục. Ví dụ, học sinh sẽ nhận được một ngôi sao tốt hoặc thêm điểm cộng cho một câu trả lời hay, một hành vi ứng xử đúng mực. Tuy nhiên, nói chuyện trong giờ học là hành vi sai trái dẫn đến trẻ bị mất ngôi sao và điểm cộng.
Thứ hạng của học sinh được cập nhật hàng ngày và tất cả mọi người đều có thể nhìn thấy trên một tấm bảng đen – điều này giống như là một cuộc “chạy đua” trong học tập.
7. Trẻ em Trung Quốc học tập hơn 10 giờ một ngày
Buổi học thường bắt đầu lúc 8 giờ sáng và kết thúc lúc 3 hoặc 4 giờ chiều. Sau đó các em về nhà làm việc nhà và làm bài tập liên tục cho đến 9-10 giờ tối. Tại các thành phố lớn, các em học sinh thường đi học thêm với thầy cô, các lớp học âm nhạc, nghệ thuật, và các câu lạc bộ thể thao vào cuối tuần. Tỉ lệ cạnh tranh vào trường đại học là rất cao nên các bậc cha mẹ không ngăn cản con mình học thêm từ khi còn rất nhỏ vì nếu trẻ không nhận được điểm cao trong các kỳ thi tốt nghiệp (giáo dục bắt buộc ở Trung Quốc phải mất 12-13 năm), thì sẽ không có cách nào để trẻ nhận được tấm vé bước vào cổng trường đại học.
8. Các trường phân chia ra thành trường công và trường tư
Các chi phí học tập tại một trường tư có thể lên đến 1.000 đô một tháng, nhưng trình độ giáo dục cao hơn nhiều. Học một ngôn ngữ nước ngoài là một vấn đề đặc biệt quan trọng ở các trường tư. Trẻ có hai hoặc ba giờ học tiếng anh mỗi ngày, và học sinh của các trường tư tốt nhất đã nói được tiếng anh một cách tự nhiên như người bản xứ trong năm thứ năm hoặc thứ sáu của chương trình học. Tuy nhiên, riêng thành phố Thượng Hải, có một chương trình được tài trợ đặc biệt cho phép các giáo viên nước ngoài làm việc trong các trường công bình thường.
9. Hệ thống giáo dục dựa trên học tập “đúng nguyên văn”
Trẻ em chỉ cần ngồi, lắng nghe, và ghi chép lại những lời giảng của giáo viên, trong khi bản thân giáo viên thì lại không thực sự quan tâm xem các em có hiểu những gì họ nói hay không. Tuy nhiên, ngày càng nhiều các trường học thay đổi cách giảng dạy qua phương pháp Montessori hoặc Waldorf, nhằm mục đích phát triển khả năng nghệ thuật của các em. Dĩ nhiên, đó là các trường tư thục, học phí cao và rất ít người có khả năng cho con theo học.
10. Trường "Kung fu"
Trẻ em từ các gia đình nghèo thường không muốn đi học hoặc quá quậy phá (như cha mẹ nghĩ), nên trẻ bị đuổi ra khỏi trường để đưa vào trường kung fu rèn luyện - rèn luyện sức mạnh thân thể, trí tuệ, học tập và nâng cao năng khiếu của mình. Trẻ sống ở đó với sự quản lý nghiêm ngặt, phải luyện tập chăm chỉ hàng ngày từ sáng đến tối, và nếu các em may mắn, các em sẽ được dạy những điều cơ bản. Trẻ phải có khả năng đọc và viết, mà điều này không hề dễ dàng để biết hệ thống ngôn ngữ Trung Quốc.
Các em luyện tập võ.
Và học chữ tại trường kung fu.
“Nhục hình” thường sử dụng khá nhiều tại các tổ chức như vậy. Giáo viên đánh học sinh của mình với một thanh kiếm hoặc tát hay đá. Tuy nhiên, khi khóa học kết thúc, các bậc cha mẹ nhìn thấy một chàng thanh niên trẻ tuổi hoặc người phụ nữ có lối sống kỷ luật, đi dạy võ kung fu và đây một cơ hội công bằng để các em tạo dựng sự nghiệp. Các bậc thầy kung fu nổi tiếng đều được tôi rèn trong ngôi trường này. Ngoài ra, có một số trẻ nhỏ hay ốm yếu, bệnh tật cũng được gửi vào trường để học võ kung fu rèn luyện sức khỏe trong một đến hai năm.
Dù trẻ em Trung Quốc học tập tại đâu, tại trường học kung fu hay tại trường học bình thường thì trẻ đều phải “nuôi” được ba đặc tính quan trọng ngay từ thời thơ ấu: làm việc chăm chỉ, sống kỷ luật và tôn kính đối với người bề trên.
Các em được dạy ngay khi còn nhỏ rằng nên làm những gì tốt nhất. Có lẽ đó là lý do vì sao Trung Quốc trở thành nước đứng đầu trong các ngành khoa học, văn hóa và nghệ thuật. Họ cạnh tranh với người châu Âu - những người lớn lên trong một môi trường giáo dục êm ái, nhẹ nhàng - thực sự không gặp khó khăn gì, vì người châu Âu đã không được rèn tính học tập liên tục theo cách 10 giờ một ngày, thực hiện mỗi ngày, và trong nhiều năm.
Nguồn: Brightside