TP.HCM: 6 trẻ phải thở máy rất nặng vì viêm não Nhật Bản

Tin, ảnh: Hoàng Lê,
Chia sẻ

Trong 25 ca dương tính với viêm não Nhật Bản nhập viện vào tuần trước, có 6 trẻ hiện đang thở máy rất nặng. Khoa điều trị cũng đã sử dụng hết máy thở.

Thông tin trên được BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 1 cho biết trong ngày 26-6.

Cụ thể tính đến thứ năm tuần trước, khoa Nhiễm của BV tiếp nhận đến 25 ca viêm não Nhật Bản (VNNB) dương tính. Trong số này, chiếm 50% là những em bé trên 5 tuổi. Hiện tại, vẫn còn 6 trẻ đang thở máy rất nặng và sử dụng hết máy thở. Vì quá tải không còn phòng, nhiều trẻ phải nằm tạm ở khoa Cấp cứu. So với cùng kỳ năm 2016, lượng bệnh nhân thở máy nhiều hơn, di chứng cũng nhiều hơn trước.

TP.HCM: 6 trẻ phải thở máy rất nặng vì viêm não Nhật Bản - Ảnh 1.

6 trẻ bị VNNB nặng, phải thở máy đang nằm tại tại BV Nhi Đồng 1.

"Virus viêm não Nhật Bản được lây từ muỗi. Ở những vùng nông thông trồng lúa, nuôi heo nhiều nên khả năng mắc nhiều hơn, do đó ở ĐBSCL tỉ lệ người mắc bệnh này nhiều hơn Đông Nam Bộ,  Tuy vậy, hiện vẫn chưa giải thích được vì sao ở miền Nam, VNNB lại bùng phát nặng hơn phía Bắc" – BS Khanh nói.

Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đống 1 hi vọng, đến tháng 10 tình trạng dịch VNNB sẽ giảm, vì điều trị bệnh này tốn rất nhiều thời gian lẫn các máy móc, thiết bị y tế. Thậm chí có nhiều bé phải phụ thuộc vào máy nhiều năm trời.

TP.HCM: 6 trẻ phải thở máy rất nặng vì viêm não Nhật Bản - Ảnh 2.

Hơn 50% trẻ dương tính VNNB tại BV là trẻ trên 5 tuổi.

Theo BS Khanh, hiện nay xét nghiệm VNNB khá dễ làm và cũng có chương trình tiêm chủng quốc gia. Tuy nhiên, với nhiều trẻ đã lớn sẽ gặp khó khăn là quên hết lịch sử chích ngừa.

"Ở Việt Nam hay, các phụ huynh thường chích ngừa 2 mũi đầu mà quên đi mũi thứ 3. Chích thiếu sẽ khiến việc phòng ngừa chắc chắn không hiệu quả. Ngoài ra, chích ngừa viêm não mặc dù có miễn dịch nhưng cũng không thể ngừa suốt đời được" - BS Khanh phân tích.

TP.HCM: 6 trẻ phải thở máy rất nặng vì viêm não Nhật Bản - Ảnh 3.

BS Trương Hữu Khanh cho biết, vẫn còn nhiều phụ huynh chưa phân biệt được VNNB với viêm màng não.

BS khuyên người dân, khi phát hiện trẻ  sốt, nhức đầu, nôn ói, hôn mê, co giật phải đưa đi viện vì khả năng nhiễm viêm não  rất  cao. Khi phát hiện và điều trị sớm, khả năng giảm được tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.

"VNNB để lại di chứng nặng nề cho gia đình và xã hội, tốn kinh phí, thời gian chăm sóc. Bệnh nhân không ăn uống, không tự phục vụ sẽ để lại gáng nặng lâu dài" – BS Khanh nói.

Để phát hiện viêm não cho trẻ sớm, phụ huynh cần cảnh giác, khám đi khám lại cho con em thường xuyên. Theo BS, nhiều người dân chưa phân biệt được đâu là VNNB, đâu là viêm màng não cũng là một khó khăn mà nhân viên y tế cần hướng dẫn. Ngoài ra để phòng tránh bệnh, người dân cần chích ngừa đầy đủ và tạo thói quen diệt muỗi, mầm mống gây nên VNNB.

Chia sẻ