Tiền... tệ
Chứng kiến các con đay nghiến nhau vì của cải, đối xử bạc bẽo với mẹ già, nước mắt bà Xoan cứ chảy ngược vào trong. Bà thấy mình sai.
Bà Xoan hết ngồi lại nằm, thở dài thườn thượt suốt đêm, mắt cứ chong chong nhìn vô định vào khoảng tối mênh mông. Bà trở dậy, lục tìm cuối giường chiếc chìa khóa, rồi lạch cạch lần mò tìm ổ khóa để mở tủ rồi mới cẩn thận bật công tắc đèn. Từ bấy giờ cho đến sáng, bà cứ ngồi lầm rầm tính toán với mấy quyển sổ tiết kiệm, cuốn sổ đỏ của mấy ngôi nhà bạc tỉ và cả số tiền vàng bà đang cất giữ...
Bà Xoan là gái Hà Nội gốc, mấy đời nhà bà đều được sinh ra và lập nghiệp bằng nghề buôn bán tiểu thương tại con phố buôn bán sầm uất và địa lợi bậc nhất Hà thành này. Với nghề buôn bán kinh doanh truyền lại của gia đình cộng với tài tháo vát, nhạy bén đã giúp bà Xoan tích lũy của cải tính bằng ngân lượng và vài ba ngôi nhà ngất ngưởng ở ngay mặt tiền các con phố lớn. Bà Xoan kết duyên với con trai một đối tác buôn bán có uy tín. Chồng bà cũng là người chịu thương chịu khó làm ăn nên kinh tế gia đình vốn đã vững ngày một lớn dần hơn. Không may cho bà, ông mất sớm, để lại cho bà 3 đứa con, hai trai, một gái.
Các con bà lớn dần lên trong sự giàu có sung túc, có kẻ ăn người ở để sai bảo. Ba đứa con của bà ngay từ nhỏ đã ỷ lại vào khối tài sản kếch sù của gia đình. Chúng chẳng chịu học hành gì, chỉ ham chơi, cái mới, cái gì thời thượng chúng đều sành cả. Chúng nã tiền của mẹ, vòi vĩnh rồi gây áp lực để được bà đáp ứng mọi thứ. Chẳng đứa nào mảy may có chút khái niệm nào về sự lao động, điềm nhiên cho mình cái quyền được hưởng thụ những gì mà cha mẹ đã lao tâm khổ tứ để có được. Chúng bảo chẳng cần phải học tới bằng này cấp kia làm gì cho mệt, như mẹ chúng, chữ nghĩa cũng chỉ đủ dùng thôi mà vẫn kinh doanh, buôn bán thành thạo đấy thôi. Cứ như là xui nhau, cả ba đứa đều chẳng chịu học lấy một cái nghề vì theo chúng, mấy cửa hàng buôn bán kia cũng đủ sống cả đời, chưa kể đến của cải cha mẹ để lại. Nhưng ngay cả cái nghề kinh doanh của gia đình chúng cũng chẳng thèm ngó ngàng đến, bà có nhắc nhở thì chúng cự lại rằng kinh doanh có gì to tát đâu, cờ đến tay chúng sẽ tự phất, bà không phải “lo bò trắng răng”.
Đến khi có gia đình, chúng vẫn chẳng chịu làm ăn gì, suốt ngày chỉ nhăm nhe toan tính xem cái nhà mặt phố này mẹ chúng sẽ để lại cho ai, cửa hàng đồ gỗ đang buôn bán phát đạt kia ai sẽ được hưởng, cửa hàng bán buôn quần áo này rồi sẽ về tay ai trong ba đứa? Chúng cứ nhong nhóng hết ăn rồi lại chơi, chỉ bo bo lo cho bản thân, để mặc mẹ già tất bật, muốn ra sao thì ra vì có ngu dại đến mấy chúng cũng tính ra được mấy ngôi nhà mặt phố kia đáng giá ngàn vàng. Không chỉ có vậy, các con của bà còn gieo rắc vào đầu óc vợ chồng, con cái chúng rằng, mai đây, khi bà khuất núi, tài sản bà chẳng để lại cho con cháu thì cho ai, cứ yên tâm mà sống như họ đã từng sống từ bấy lâu nay.
Bà Xoan vừa bị tai biến nhẹ phải đi cấp cứu, may mắn không nguy hại đến tính mạng nhưng các con của bà đã tỏ ra lo lắng, họp bàn mọi sự. Chúng lo là lo chứng huyết áp cao của bà dễ biến chứng thành tai biến bất thình lình lúc nào không hay, khi ấy, chuyện phân chia tài sản, thừa kế sẽ ra sao. Hai thằng con trai thì luôn vỗ ngực cho rằng chúng là phận nam, phải được hưởng phần hơn. Rồi thì trách nhiệm con trưởng thờ cúng tổ tiên, bố mẹ phải được ưu tiên phần nhiều. Cô con gái thì gân cổ lên mà rằng, mang tiếng là con trai nhưng cả hai cũng đâu có làm được gì cho cái nhà này, chỉ tổ phá của nhiều hơn em gái...
Chứng kiến các con đay nghiến nhau vì của cải, đối xử bạc bẽo với mẹ già, nước mắt bà Xoan cứ chảy ngược vào trong. Bà thấy mình sai. Cả cuộc đời lăn lộn trên thương trường, kiếm tiền rồi để làm gì cơ chứ. Tiền bạc đã làm hỏng con cái, không khéo là cả cháu chắt của bà. Giờ tuy đã muộn nhưng vẫn còn hơn không, bà phải sửa sai thôi...