Bài học để đời từ những bà mẹ chồng

Thùy Linh,
Chia sẻ

Trong thực tế có nhiều cô con dâu đã mất không ít nước mắt vì mẹ chồng nhưng cũng có những cô con dâu lại có được những bài học để đời từ người phụ nữ vốn được đánh giá là "khác máu tanh lòng" với mình.

Những bà mẹ chồng “rô bốt”

Chị Hạnh (Cầu Giầy – Hà Nội), khi nhắc đến mẹ chồng thì vẻ mặt chị rạng rỡ tự hào, chị khoe rằng có hai từ tâm đắc nhất để miêu tả về mẹ chồng mình đó là “rô bốt”. Chị chia sẻ, mẹ chồng chị là người ít nói, hiền lành, thậm chí nếu để mọi người đánh giá có khi còn cho rằng bà là người nhu nhược, cam chịu. Thế nhưng với chị Hạnh, điều đó lại khiến chị tâm phục, khẩu phục và càng thêm ngưỡng mộ mẹ chồng mình. Chị cho biết: “Bà không nề hà bất kể việc gì. Tất cả vì chồng vì con. Cứ lẳng lặng âm thầm làm tất cả mọi việc, không một lời kêu ca, phàn nàn, cũng chưa bao giờ buông lời trách cứ, đay nghiến. Mình thấy chịu thua,, cùng một sự việc nhưng mẹ chồng có thể đằng đẵng ngồi chong đèn chờ bố chồng mình cả đêm khi ông cũng mải mê khách khứa, tiệc nhậu, còn mình, chồng về muộn là phải gào thét, dằn dỗi, rồi tranh cãi ỏm nhà”.

Những ngày đầu về làm dâu, chị thấy mẹ chồng chị… kì cục. Nhưng càng về sau, chị càng thấm được nhiều bí quyết từ mẹ chồng: “Cứ sáng tối cơm nước, chăm sóc tỉ mẩn từng bữa cơm, nếp áo, lắm khi mẹ còn suy nghĩ hộ cho cả nhà. Ngày mình về làm dâu, mình cũng hồ hởi vì nghĩ rằng mình sẽ ‘bắt nạt’ được mẹ chồng. Thế nhưng càng ở lâu, mình càng thần tượng mẹ. Chưa bao giờ mình nghe thấy bố mẹ chồng to tiếng với nhau. Mẹ lúc nào cũng từ tốn, nhẹ nhàng nên bố chồng nể phục. Dù bố chồng có đi sớm về khuya nhưng chưa bao giờ bố bỏ một bữa cơm mẹ nấu. Bố chồng mình nói rằng ông không thể thiếu hơi cơm của mẹ. Nhưng mình biết điều khiến ông cảm phục mẹ đó là phải để mẹ lui cui nấu ăn rồi lại ngồi đợi đến khuya mà vẫn nhẹ nhàng, đon đả”, chị Hạnh lí lắt nói.

Qua ánh mắt đầy sự ngưỡng mộ và những câu chuyện chị Hạnh kể về mẹ chồng thì chính chị cũng có cảm giác mình là con gái của mẹ chồng chứ không phải là con dâu: “Làm gì mẹ chồng cũng để ý đến tâm lý, sở thích của mình. Mình thấy ở với mẹ chồng còn sướng hơn khi ở nhà với mẹ đẻ”. Chị cũng cho biết thêm từ khi bước chân về làm dâu, mẹ chồng chỉ một lần duy nhất “dạy dỗ” việc làm dâu, làm vợ của chị gói gọn trong một câu nói: Khéo vun vén, xử lý thì mọi chuyện trong ấm ngoài êm.
 
Tấm gương bố mẹ chồng sống hạnh phúc và những ứng xử khéo léo của mẹ chồng
khiến chị Hạnh tâm phục khẩu phục (Ảnh minh họa).
 
Còn chị Huyền - nhân viên kế toán ở một công ty dược, khi hỏi đến chuyện “mẹ chồng nàng dâu”, chị thẳng thắn cho biết, mình mới lập gia đình và sống chung với gia đình chồng. Thế nhưng 2 năm qua chị chưa biết thế nào là “mẹ chồng hành hạ, xung đột mẹ chồng và nàng dâu”. Chị chia sẻ: “Mẹ chồng khéo ăn, khéo nói lại tâm lý nên chưa bao giờ tôi cảm thây bị gò bó, áp lực khi sống chung. Trong nhà, hầu hết tất cả mọi việc mẹ đều chu đáo và giành phần làm hết. Ai cũng bảo mình tốt số. Nhưng mình thì nghĩ mẹ chồng khéo, hành xử thấu đáo và cơ bản bà luôn đinh ninh mình là tấm gương cho con cháu, luôn sống lành mạnh và chuẩn mực nên chắc chắn với mình tự dưng mẹ là hoàn hảo và thần tượng để mình học tập”.
 
Ngay cả như chị Trâm Anh (Hoàng Mai – Hà Nội) vốn là cô gái thẳng thắn ra ngay “tối hậu thư” cho chồng chưa cưới về chuyện làm dâu để chồng “đánh tiếng” với mẹ chồng nhưng cuối cùng cũng bị khuất phục bởi người mẹ chồng tình lý và chu đáo: “Mình vốn không thích  bị dòm ngó, không thoải mái, và nhất là không thích bị đánh giá, phê phán từ mẹ chồng nên khi chuẩn bị cưới mình ra điều kiện với chồng là sẽ không sống chung. Thế nhưng khi mẹ anh ấy đến gặp mình và nói ‘Con cứ sống thử một tháng ở nhà mình thôi rồi tùy con quyết’ nhưng rồi sau đó mình chả quyết gì nữa cả vì mọi thứ mẹ đối với mình quá tốt, chu toàn và không phải phàn nàn gì. Mình ngưỡng mộ mẹ lắm, hy sinh cho nhà chồng, nhẫn nhịn nhà chồng từ việc nhỏ đến việc lớn. Hai mẹ con thường thủ thỉ với nhau. Mẹ chồng mình bảo cuộc đời vốn rất công bằng cái gì là của ai thì là của người đấy, không cần phải điên cuồng giành giật, vợ chồng đầu gối tay ấp cũng không tránh được những lúc va chạm, chỉ cần mình chịu nhún ‘cơm sôi bớt lửa’ thì ấm êm…”.

Mẹ chồng và những bài học

Cuộc sống ngày càng phát triển theo chiều hướng hiện đại và cởi mở hơn về tư tưởng và trong guồng quay đó mọi thứ đều cũng phải thay đổi để thích nghi. Để theo kịp lối sống và hòa hợp được với nhau, nhiều cô con dâu và những bà mẹ chồng đã tự học hỏi những điều tốt của nhau để dung hòa được mối quan hệ gia đình. Bởi vậy nút thắt mẹ chồng – nàng dâu ngày nay đối với nhiều người không còn là vấn đề quá khó khăn.
 
Mẹ chồng, nàng dâu thân thiết chia sẻ với nhau bí quyết giữ lửa hạnh phúc (Ảnh minh họa).

Như mẹ chồng của chị Hạnh, bà đã không ngại ngần nhờ con dâu “phụ đạo” sử dụng máy vi tính và lập được cả blog để chia sẻ với con dâu những trăn trở cũng như kinh nghiệm là vợ, làm mẹ của mình. Còn chị Hạnh, tự bản thân mình nhận thấy rõ thiện ý và học hỏi được nhiều kinh nghiệm giữ lửa gia đình từ mẹ chồng “rô bốt”. “Mẹ chồng tôi quan niệm rằng mọi chuyện cứ để thuận theo tự nhiên. Mỗi người tự nên biết tiếp thu và nhìn lại bản thân mình, mẹ là mẹ, là vợ, là mẹ chồng và chỉ muốn là đúng những vai trò đó chứ không muốn là người quản thúc, và biết hi sinh, nhường nhịn và khéo léo xử lý các tình huống là những điều tôi học được từ mẹ chồng”, chị chia sẻ.

Còn với chị Huyền và chị Trâm Anh, thì ngay cả khi mẹ chồng có đưa ra những điều khoản thì các chị tuyệt đối nghe theo vì giờ đây mẹ chồng của các chị không chỉ là “bảo mẫu” mà còn là người hướng dẫn các chị học những kỹ năng nữ công gia chánh, tề gia nội trợ khi các chị tự nguyện học. Chị Trâm Anh khẳng định: “Nấu ăn ngon, nuôi con, chăm chồng tốt, đối nội, đối ngoại giỏi đó là tuyệt kỹ mà mẹ chồng mình khiến gia đình chưa bao giờ lục đục. Điều này mình còn phải học hỏi và nhờ mẹ chia sẻ kinh nghiệm nhiều nhiều”.

Với chị Huyền thì: “Mình học mãi vẫn chưa theo kịp được lối ứng xử khéo léo của mẹ chồng. Gần 30 năm sống với bố nhưng bố mẹ chồng mình chưa một lần to tiếng, hậm hực nhau. Đó là điều mình thấy ngưỡng mộ nhất. Mình và mẹ chồng bình đẳng lắm. Có điều gì mẹ góp ý ngay và sửa cho mình từng chút một. Mẹ chồng cũng chưa bao giờ tỏ ra khó chịu khi thi thoảng mình ‘chỉnh’ bà’, ngược lại mẹ chồng mình rất thoải mái”.

 

Chia sẻ