BÀI GỐC Nỗi khổ của nàng dâu quê lấy chồng Hà Nội

Nỗi khổ của nàng dâu quê lấy chồng Hà Nội

Tôi thấy nhiều chị em cứ ao ước lấy chồng Hà Nội, được làm con dâu người Hà Nội. Còn tôi từ khi quen và lấy anh - người con trai Hà Nội chính gốc thì mới ngấm cảnh dâu quê lấy chồng Hà Nội ra sao!

5 Chia sẻ

Tủi thân phận gái Hà Nội làm dâu quê xứ Nghệ

,
Chia sẻ

Mẹ chồng thì thào: “Tưởng mày lấy vợ Hà Nội thì được nhờ, ai dè còn khổ hơn ở quê con ạ”. Nghĩ đến những lần vợ chồng về quê, có chút quà bánh gọi là đặc sản Hà Nội, bà toàn dè bỉu: “Quà Hà Nội được có vậy thôi sao!”.

Kính gửi chị Hoàng Lan và các chị em đang trong cảnh làm dâu!

Sau khi đọc xong chuyện của chị, em suy nghĩ nhiều lắm về phận làm dâu chúng mình và xin mạn phép được chia sẻ câu chuyện làm dâu của em. Em thì lại đang ở trong trường hợp ngược lại với chị Lan, là gái Hà Nội lấy chồng quê, cũng nhiều tình huống dở khóc dở cười lắm.

Em sinh ra trong một gia đình trí thức, bố mẹ đều là người gốc Hà Nội. Tuy gia đình không giàu có nhưng bố mẹ em dạy con vô cùng cẩn thận với cách giáo dục rất truyền thống. Vì thế, dù trong xã hội xô bồ bây giờ, em vẫn giữ được những nét “Công, dung, ngôn, hạnh” như con gái Hà Nội xưa.

Chồng em là người con của miền Trung nắng gió. Nhớ lần đầu gặp anh, em ấn tượng lắm với chàng trai xứ Nghệ gày gò nhưng khỏe mạnh, nụ cười đầy nắng và giọng nói thì ngọt ngào mê người. Em mê đắm chàng trai quê nghèo nhưng chân chất ấy ngay từ ánh mắt đầu. Tình yêu đơm hoa kết trái, chúng em lấy nhau, em thành dâu đất Nghệ từ ấy.


Ngày mới lấy anh, em theo anh về nhà chồng ra mắt. Ở quê mọi người rất thân thiết, kể cả là họ hàng xa. Em theo chồng đi chào hỏi nhà này nhà khác cả ngày chưa hết. Mệt mỏi cả ngày, tối về đến nhà, em đã bị mẹ chồng gọi ra nói chuyện, đại ý là nói với em cẩn thận cách cư xử, các bác các cô trong họ phản ánh là em điệu đà quá, nói chuyện rồi ăn mặc rõ tiểu thư, “dưỡn dẹo”, như thế làm sao mà chăm chồng chăm con được. Mẹ nói thẳng với em là phải bớt cái cung cách thành phố đi, đừng để bố mẹ chồng em phải mất mặt. Em nản lắm vì mới chỉ sang nhà mọi người buổi sáng, buổi tối đã có bị mắng như tát nước rồi. Công cuộc lấy lòng nhà chồng thất bại ngay từ đầu. Đêm về, em suy nghĩ trằn trọc mãi, thôi thì văn hóa vùng miền khác nhau, lấy chồng phải theo chồng, em cố gắng thay đổi chút vậy.

Sáng hôm sau, cả nhà chồng ra đồng làm ruộng, thấy bố mẹ chồng, chồng và các em đều đi làm, em cũng xung phong giúp. Trong khi mọi người cứ thoăn thoắt, em lúng túng, lóng ngóng mãi mà chưa bắt nhịp được. Trời thì nắng nóng, lại không quen ngâm chân trong nước lâu, em choáng váng té xỉu. Lúc em tỉnh dậy nhìn quanh thì thấy mình đang nằm ở nhà, lũ em chồng đang đứng nói chuyện tào lao ngoài sân.

Chẳng biết là mấy đứa có biết em đã tỉnh hay không, chỉ thấy chúng nói rõ to: “Gớm! Đã tiểu thư thì ở nhà đi cho nhờ, lại còn theo vướng tay vướng chân mọi người. Gái Hà Nội nắng không đến mặt mưa không đến đầu, lại còn tinh tướng!”. Nghe bọn chúng nói mà em trào nước mắt, mọi cố gắng của em chẳng được mọi người công nhận chút nào. Nhưng mà tụi nhỏ nói cũng có lý, đáng ra em nên lựa việc vừa sức, ở nhà quét dọn thổi cơm, có phải là đã khoe được tài gia chánh không. Nghĩ vậy, sáng ngày hôm sau em quyết tâm dậy sớm, rủ mẹ ra chợ mua chút đồ về chiêu đãi cả nhà. Em trổ tài nấu món tủ của em, lại là món ăn đặc sắc của Hà Nội - bún chả quạt. Bữa ăn, mẹ chồng và mấy đứa em không nói gì. Nhưng bố và chồng em thì khen tấm tắc. Nhìn mọi người ăn ngon miệng, em cũng vui, lòng mừng thầm vì đã ghi lại được một điểm trong mắt gia đình chồng…

Em có may mắn là vẫn được ở gần bố mẹ đẻ vì chồng em quyết xa quê ở lại Hà Nội làm việc. Anh cũng mới bắt đầu sự nghiệp, tiền kiếm được chỉ đủ cho vợ chồng trang trải và có chút tiết kiệm nhỏ. Thương anh, không muốn chồng sống cảnh “ở rể”, em dọn ra ngoài ở cùng với anh trong căn nhà nhỏ anh thuê. Mẹ chồng em lên thăm, nhìn cảnh hai vợ chồng chật vật trong căn nhà thuê bé xíu, bà xót xa lắm. Nhưng cái xót xa của bà lại làm cho em bực bội hết nói.

Bà thì thào với chồng em: “Tưởng mày lấy vợ Hà Nội thì được nhờ, ai dè còn khổ hơn ở quê con ạ”. Ông chồng khờ của em đáng ra phải giấu nhẹm câu nói ấy, lại đem kể với em. Em ấm ức mãi vì chuyện này. Bố mẹ em là viên chức nhà nước, cả đời làm ăn liêm khiết nuôi con, có chút tiền để các cụ dưỡng già, phận con chưa chăm được bố mẹ, lại còn đòi hỏi gì. Mà các cụ ngày xưa cũng chỉ được phân cho căn nhà tập thể nhỏ ở đến tận bây giờ, đâu có gì nhiều nhặn. Chẳng hiểu mẹ chồng em nghĩ sao mà nói ra câu ấy. Nghĩ đến những lần vợ chồng về quê, có chút quà bánh nho nhỏ gọi là đặc sản Hà Nội, bà toàn dè bỉu: “Quà Hà Nội được có vậy thôi sao!”, em càng thêm tức.

Rồi thì chuyện về quê thăm hỏi, cũng phải khéo lắm. Mẹ chồng em điện ra lần nào cũng trách chồng em: “Mày có bố mẹ vợ Hà Nội nên quên bố mẹ, mất gốc rồi con ạ!”. Khổ lắm, có phải bọn em không muốn về đâu, nhưng công việc bận bịu, đường xa xôi, tiền vé về đắt đỏ, rồi lại quà cáp cho một dòng họ đông đúc. Mỗi lần về quê là một lần hai vợ chồng vất vả, các cụ không hiểu lại cứ cả nghĩ.

Mà nói đến lại buồn, từ ngày lấy chồng, chưa một lần em được ăn cái Tết với bố mẹ em. Ngày 28, 29 là phải chạy ù đi sắm sửa, rồi cùng mẹ đẻ dọn dẹp nhà cửa. Đến chiều 29 là em phải lên tàu để 30 kịp về ăn Tất niên nhà chồng. Rồi ở quê cho đến hết mùng 3 mới ra. Thế mà năm nào vợ chồng em cũng bị mẹ chồng dỗi, trách hai đứa về muộn, đi sớm.

Buồn cười nhất là những ngày em đẻ cháu Tít. Em sinh được con trai nên mẹ chồng vui lắm. Bà bỏ công bỏ việc ở quê, tình nguyện ra chăm “thằng đích tôn” và mẹ nó. Bà bắt em phải kiêng tắm gội suốt cả tháng trời, rồi bôi đầy nghệ lên người em để cho trắng da. Trắng trẻo, khỏe khoắn đâu chưa thấy, em chỉ thấy lả hết cả người. Sinh cháu đúng mùa hè, trời thì nóng, người thì bẩn thỉu, mồ hôi ròng ròng, nghệ tươi cứ bở rục rơi đầy trên chăn chiếu. Anh xã em cũng chẳng dám lại gần. Hết thời hạn một tháng, em mừng như mở cờ trong lòng. Hôm ấy, em tắm kỹ như chưa bao giờ được tắm.

Những ngày ấy, tuy nhiều cái dở khóc dở cười nhưng em cũng rất cảm động. Bà nội làm hết mọi việc nặng nhọc không để em phải động tay, còn chăm chỉ đi chợ làm những món ngon bổ cho em nữa. Mẹ em ngỏ ý đưa bà đi chơi Hà Đông mua ít vải lụa, bà thích lắm nhưng vẫn từ chối ở nhà chăm sóc con dâu, cháu nội. Đêm đến, ngay cả anh xã cũng không chịu được chung giường với em vì vụ “kiêng tắm”, mẹ chồng em vẫn ngủ cùng, lo săn sóc em và cu Tít từng chút một. Thi thoảng, bà kể em nghe những câu chuyện làng quê, hai mẹ con dần xích lại gần hơn. Ngày bà nội về quê, em bế cu Tít đứng ở sân ga khóc òa. Mấy tháng quen có bà, tình cảm được vun đắp, lại thành nhớ, thành yêu…


Thế đấy các chị ạ! Con người ai cũng có mặt tốt, mặt xấu. Chị em mình phận dâu con đâu thể đòi hỏi mẹ chồng phải thương mình, phải hiểu mình trước được. Mình lấy chồng là theo chồng mình, mẹ chồng cũng đã thành mẹ mình rồi, mình phải biết hi sinh trước, phải biết cố gắng, phải quan tâm đến nhà chồng từ tận đáy lòng. Nhất là cảnh vợ chồng mỗi đứa một quê như chị em mình, càng phải cố gắng, phải tinh ý hơn. Mình cứ sống tốt, em tin một ngày các bà mẹ chồng khó tính cũng hiểu và thương mình thôi. Mà nếu không, thì tâm mình cũng được thanh thản, thoải mái chị ạ!

Suy nghĩ của em là như vậy đấy! Mong rằng câu chuyện nhà em sẽ giúp ích được cho mọi người. Chúc các chị cùng gia đình hạnh phúc và luôn hòa hợp được với nhà chồng!

Chia sẻ