BÀI GỐC Tôi muốn gửi cho mẹ chồng một bức thư của "cô con dâu mất dạy"

Tôi muốn gửi cho mẹ chồng một bức thư của "cô con dâu mất dạy"

"Con không là đứa con dâu mất dạy, nhưng cứ bị vu oan như thế, con đây mất dạy luôn cho mẹ vừa lòng. Từ giờ cuộc sống của 2 người phụ nữ chúng ta như “nước sông không phạm nước giếng”. Mong rằng mẹ hãy cứ yên ổn sống ở nhà mẹ, đừng động tới cuộc sống riêng của con nữa. Vì con sẽ không để yên đâu".

7 Chia sẻ

“Nhà này đã rước về một con quỷ chứ không phải con người”

,
Chia sẻ

Không rõ vì chuyện gì mà mẹ và chị dâu cháu cãi nhau to lắm, phải nói là hai người cãi nhau tay đôi luôn. Chị dâu gọi mẹ cháu là bà, xưng tôi. Mẹ tức và gào lên: “Nhà này đã rước về một con quỷ chứ không phải con người”.

Mấy hôm nay cháu đọc được bài tâm sự của chị Hải Oanh "Tôi muốn gửi cho mẹ chồng một bức thư của 'cô con dâu mất dạy'" nên suy nghĩ rất nhiều. Không biết, mọi chuyện có đúng như chị Hải Oanh chia sẻ không. Nếu đúng thì cháu hoàn toàn ủng hộ hành động mua nhà ra giêng ở của tác giả.

Cá nhân cháu mới có 20 tuổi, còn chưa có người yêu. Nhưng bản thân cháu lại trải qua nhiều sóng gió trong gia đình.Cháu viết bài này không phải để ca tụng mẹ cháu, mà cháu chỉ mong ước có một người mẹ chồng đối xử với cháu như mẹ cháu đang đối xử với chị dâu cháu bây giờ.

Mẹ cháu năm nay đã 55 tuổi, không được học hành đầy đủ. Mới 19 tuổi, mẹ đã phải làm việc vất vả kiếm sống. Mẹ phục vụ trong nhà ăn của khách sạn nên tư tưởng không gọi là tân tiến. Nhưng mẹ cũng khá hiểu về cuộc sống hiện đại.

Phải nói thêm nữa là mẹ cháu là một người vô cùng ghê gớm, nhưng ghê không phải theo kiểu chửi bới mà ghê theo kiểu thâm thúy. Khi còn bé, cháu không được mẹ dạy về nấu ăn. Nói chung, cháu chỉ biết học và học. Mãi đến khi lên đại học mới biết được vài món sơ đẳng. Nhưng mẹ cháu luôn tự hào về con gái mình. Mặc dù thiếu sót về khoản nấu nướng nhưng cháu vô cùng lễ phép, biết phải trái và thương mẹ, thương bố.

Cách đây 6 năm, anh cháu lấy vợ. Trước khi gặp chị ấy, anh ấy có một mối tình 5 năm với một chị ở quê. Nhưng bố cháu không đồng ý nên trong cơn chán nản, anh cháu đi chơi và gặp người con gái bây giờ. Anh quyết lấy chị ấy sau khi quen chỉ được có mấy tháng.

Lúc đầu bố cháu cũng không đồng ý. Khi cả bố mẹ chưa biết là chị ấy đang có bầu với anh cháu thì mẹ cháu vì thương anh cháu nên khuyên bảo bố cháu đồng ý cho cưới. Và đương nhiên, khi chưa có sự tìm hiểu rõ ràng về tính cách thì chắc chắn mâu thuẫn sẽ xảy ra.

Đứa bé trong bụng chị ấy bị sẩy, nên trong thời gian đầu về làm dâu, cũng chẳng có mấy chuyện mà nói. Chị ấy thường xuyên không có mặt ở nhà. Đương nhiên không phải là đi làm mà là chị ấy đi chơi bởi lúc này chị đang thất nghiệp. Khoảng mấy tháng sau, chị ấy tiếp tục có em bé và sinh ra một bé trai bây giờ đã 5 tuổi vô cùng đáng yêu. Và từ đó, cuộc chiến bắt đầu.

Khi đó, mải học để thi vào lớp 10 nên cháu cũng không để ý lắm những mâu thuẫn trong gia đình. Mẹ cháu cũng tránh không nói đến để cháu không bị phân tâm, gây ức chế, chán nản. Nhưng mẹ cháu không kể, không có nghĩa là cháu không biết!

Mẹ luôn yêu thương chị ấy, mẹ luôn bảo chị ấy về làm dâu, mang một thân phận đặc biệt. Mẹ chị ấy đi nước ngoài từ khi còn bé, bố đi suốt ngày, chỉ có chị ấy ở nhà cầm tiền thích tiêu gì thì tiêu, thích làm gì thì làm, không có người dạy dỗ nên có thể sẽ có những thiếu sót, nên mẹ luôn thông cảm. Lúc chị sin hem bé, mẹ luôn chăm sóc tận tình, từng bát cơm một, từng thìa cháo, từng bát canh móng giò cho có sữa, từng bát canh rau ngót.

Mẹ luôn nghĩ rằng, năm xưa đẻ anh cháu, mẹ cháu không được hưởng những thứ này, mà vừa đẻ xong đã phải đi giặt quần áo đã phải làm mọi việc năng nên bây giờ sẽ chăm chút cho cô con dâu. Nhưng chị ấy vốn không quen khổ, cứ ăn mãi mấy thứ dành cho bà bầu nên không chịu nổi. Chị đã gọi điện cho cô của chị ấy đem tôm hoặc mấy thứ đồ tanh đến ăn. Và đương nhiên điều này làm tổn thương lòng tự ái của mẹ cháu sâu sắc.

Bất kì một việc gì mẹ chồng làm, chị ấy đều không vừa lòng. Mẹ cháu vô cùng ức chế nhưng vì thương nên nén giận. Nhiều lúc giận đến nỗi không kìm nén nổi mẹ còn không thèm lên phòng của chị ấy 1 lần nào trong suốt cả tháng, không bế cháu, không gì cả. Cả ngày chỉ một mình mẹ trong bếp, nấu chi li từng thứ một để mong chị ấy có sữa cho con bú, thế mà cái gì chị ấy cũng cáu gắt.

Từ chuyện bé tí như bữa cơm cho đến chuyện nước tắm cho bé con. Bé tắm bằng mướp đắng xay, đương nhiên để xay thì phải có nước. Nhưng khi mẹ bê chậu tắm lên chị ấy quát nhặng xị bảo ai dậy mẹ làm như thế. Như thế này thì tắm kiểu gì, rồi đủ thứ!

Mẹ chẳng nói gì, đi xuống bếp ứa nước mắt và nói với con trai. Anh tức lắm và lên mắng vợ một trận. Đến cả chuyện cho thằng bé tập ngồi bô chị ấy cũng khó chịu, không muốn. Chị ấy muốn để cho bé đeo bỉm. Chị ấy mặt nặng mày nhẹ với mọi thứ mẹ làm.

Rồi một thời gian sau, không rõ vì chuyện gì mà mẹ và chị cháu cãi nhau to lắm, phải nói là cãi nhau tay đôi luôn. Chị dâu gọi mẹ cháu là bà, xưng tôi. Mẹ tức và gào lên: “Nhà này đã rước về một con quỷ chứ không phải con người”.


Chị dâu luôn mặt nặng mày nhẹ với mọi thứ mẹ làm.

Chị cũng chẳng hối hận mà phải đợi đến lúc bố chồng bảo xin lỗi chị mới xin lỗi. Sau khoảng thời gian vô cùng nặng nề, mẹ đã xin cho chị ấy đi làm ở một ngân hàng để chị đỡ khó chịu khi cứ phải cuồng chân ở nhà. Từ đó tính chị cũng đỡ hơn.

Hàng ngày mẹ dạy bảo chị về chuyện chăm sóc con cái, từng chút một từng chút một. Nhưng đương nhiên, chị chưa thể ngấm được vì chị rất bảo thủ. Thằng bé vốn không được bú sữa mẹ nên hay quấy, khóc và hay ốm.

Đi khám bác sĩ bảo uống thuốc 5 đến 7 ngày thì cứ khi nào thấy bé hết ho dù chỉ 3 ngày thì chị đều dừng không cho uống thuốc nữa bảo uống thuốc là hại, không nên uống. Và đương nhiên không được uống đủ liều, nên bé ngay lập tức ốm trở lại và còn nặng hơn. Bà xót cháu lắm, thương lắm mà không làm sau bảo được, đành phải để dần dần cho chị ngấm dần.

Mọi việc trong nhà đều là mẹ cháu làm hết. Lạy trời lạy Phật cho mẹ sức khỏe, mẹ đã 55 rồi mà vẫn có thể cáng đáng mọi việc trong nhà. Có lẽ cũng bởi mẹ đã chai lì và luôn nghĩ đến những thứ tích cực và sống thoải mái với chính mình.

Chị dâu đi làm luôn đi làm muộn. Chị đến cơ quan cãi nhau tay bo với sếp tổng, chị cãi nhau với anh, chị cho bé ăn làm bé nôn… Tất cả đều là mẹ cháu đi giải quyết hậu quả. Trong mọi trận cãi nhau, mẹ luôn bênh chị ấy, rồi sau đó mới hạ giọng với con trai. Mẹ biết về sau, chị ấy sẽ bù đắp những thiếu sót của anh ấy, sẽ luôn yêu thương anh ấy.

Cháu không hiểu nổi, vì sao sau duy nhất một trận cãi nhau khủng khiếp đó thì từ lúc ấy mẹ luôn nhẫn nhịn với chị. Rồi mãi cháu mới ngộ ra, cây khi mới mọc không được uốn nắn nên đành chấp nhận để cành đã xum xuê thì nắn từ từ, dần dần vậy.

Và một lí do hơn thế nữa, mẹ luôn muốn anh chị hạnh phúc, hạnh phúc mãi mãi. Anh chị có thể đi chơi tùy thích, bất cứ đâu, cứ để con ở nhà, mẹ sẽ trông mặc dù cả ngày làm việc nhà rất vất vả. Mẹ bảo thà cho anh chị những ngày hạnh phúc để anh chị ấy sống trọn đời với nhau, còn hơn là bây giờ mắng nhiếc, chì triết, làm cho anh chị cảm thấy ức chế. Anh ở giữa sẽ rất khó xử. Bản tính anh lại nóng nảy nên hay chửi bới, cuộc sống sẽ là địa ngục từ đó mất.

Nếu đến nhà cháu ở trong một tuần, các bác và các chị sẽ thấy, trong nhà không có mẹ cháu, thì mọi thứ sẽ đảo lộn hết. Cũng vì chị không muốn cho bé ăn rau mà chỉ muốn cho bé ăn thịt, nên bé bị táo từ rất sớm. Đến tận bây giờ cũng không thể tự đại tiện mà hoàn toàn phải thụt, thụt mỗi ngày.

Lịch trình hằng ngày của mẹ cháu: sáng, đánh thức bé con dậy; đánh răng rửa mặt cho bé, nấu cháo cho bé ăn sáng (trước thì thế, bây giờ chị dâu cũng đã khá hơn, đã dậy để mua các thứ cho con ăn). Chị dâu đi làm, mẹ ở nhà trông bé, làm bữa trưa, cho bé ăn, cho bé ngủ (ngày trước thì thế, bây giờ cháu ở nhà nên phần đút cơm hoặc cho bé ngủ cháu giúp mẹ). Mẹ rửa bát, lau dọn nhà, giặt quần áo,… tranh thủ trong lúc bé ngủ, rồi lại quay cuồng vào bếp nấu bữa chiều trong gia đình.

Mẹ là người duy nhất thúc ép mọi người trong nhà cho bé ra tắm nắng, cho đi tập thể dục. Và với lịch trình ăn uống, thể dục của mẹ, bé trộm vía phổng lên trông thấy.

Khi kinh tế còn khá, chị và anh đóng góp 2 triệu về cho mẹ. Nhưng thái độ với mẹ của chị lúc nào cũng như ô sin vậy. Dần dần, nước chảy đá mòn, tình cảm của mẹ cũng đã làm cho chị hiểu ra. Chị hiểu ra rằng mọi việc mẹ làm đều là vì chị, vì hạnh phúc gia đình nhỏ của chị, vì con trai chị, vì cháu trai của mẹ. Mẹ nói mẹ khuyên bảo là muốn tốt cho chị.

Ngày trước khi cãi nhau với chồng, chị luôn xưng mày tao và dùng từ ngữ bậy bạ. Nhưng dần dần mẹ nói rằng: mình là người phụ nữ việc nào nên và không nên thì phải cân nhắc. Mình là vợ, nó là người tình, mình phải dùng sức của một người vợ lôi kéo người chồng về mới đúng sức mạnh của người vợ là ở sự dịu dàng, khuyên nhủ chồng.

Mẹ giúp chị lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. Chị có lối ăn tiêu rất xa hoa. Nhưng vì đã là bản chất nên mẹ cũng không quan tâm lắm. Mẹ để cho chị làm mọi thứ chị thích nhưng ở trong khuôn khổ, để ngôi nhà mái ấm của mẹ không bị đảo lộn. Dần đần mọi thứ vào nề nếp.

Nhìn gia đình cháu bây giờ vẫn còn những trận cãi vã, những sóng gió nhưng ít nhất mọi người cũng đã hiều tính cách của nhau nhiều hơn, nên không còn ức chế nữa. Giờ chỉ có sự thông cảm và chẹp miệng “Ôi dào kệ", cháu cảm thấy phần nào yên tâm học hành và đi du học.

Không những vậy, cháu còn ước rằng, sẽ có được một bà mẹ chồng hoàn hảo như mẹ cháu. Cháu không muốn mẹ chồng cháu phải làm bất cứ việc gì, không muốn mẹ quay cuồng trong bếp, nhưng muốn mẹ dạy bảo kiên trì cho cháu để cháu làm vợ tốt, con dâu ngoan.

Cháu chẳng mong những bà mẹ chồng lúc nào cũng lôi "không hiểu bố mẹ mày dậy mày kiểu gì". Cháu nói thật, mẹ chồng nào nói với cháu thế cháu sẽ về nhà mẹ đẻ ở luôn, cho mẹ chồng ở đấy mà ngủ với con trai cho sướng cái thân. Không một ai được phép xúc phạm bố mẹ đẻ của cháu.

Cháu mong mọi bà mẹ chồng hiểu, mình cũng từng đi làm dâu, từng khổ với mẹ chồng, vậy thì hãy làm sao cho cuộc sống của con trai mình hạnh phúc hơn? Làm sao cho tình cảm yêu thương của mình đụng đến trái tim của người con dâu mới về? Như thế sẽ chẳng có mâu thuẫn nào nảy sinh cả, như thế sẽ thật tốt biết bao. Nếu như con dâu là loại không thể khuyên nhủ, không thể chấp nhận thì các bác ạ, hãy học mẹ cháu mà sống chung với lũ, hãy nghĩ tích cực cho mọi chuyện.

Cháu kể những chuyện về gia đình cháu ở đây chỉ là sơ sơ, còn chi tiết chắc mấy ngày mấy đêm không hết. Bởi nó cũng đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của mẹ cháu và cháu. Vì thế giờ nghĩ lại, cháu vẫn thấy rùng mình sợ hãi, có khi lại xác định ở vậy cho đỡ sợ.

Chia sẻ