Chạnh lòng với bức thư tay ông bố H'mông gửi cùng áo ấm cho vợ ở xa

Lynk,
Chia sẻ

“Mình thì ăn chả đủ mặc chẳng có, nhưng cái mình cần nhất vẫn luôn là yêu thương. Đó là tình cảm của riêng mình, nhưng mình mong sao mọi người luôn yêu thương vợ, dù có ở hoàn cảnh nào đi nữa. Phía trước và sau lưng một người đàn ông thành đạt, luôn cần một người vợ hiền và thông minh”.

“Vợ yêu!

Chắc là Sa Pa đang rất lạnh rồi. Chồng phải nói lời xin lỗi vợ, lẽ ra chồng phải mua áo mới gửi cho vợ nhưng do không có tiền nên chồng phải đi xin mấy cái áo ấm của người ta, gửi về cho vợ mặc tạm. Chồng đã giặt thơm tho rồi, vợ mặc tạm, sau này chồng sẽ mua cái đẹp nhất, ấm nhất cho vợ. Hứa đó!”.

Đó là lời mở đầu rất tình cảm trong bức thư tay gửi vợ của một chàng trai H’mông, vì vợ không biết dùng facebook nên anh đành viết vội mấy dòng, kẹp cùng mấy chiếc áo rét gửi về quê cho vợ mặc. Thật ngạc nhiên vì chàng trai ấy có nét chữ vô cùng đẹp và mềm mại, giữa thời buổi công nghệ còn mấy ai chịu khó viết nắn nót như anh? Có thể cảm nhận được sự buồn rầu, áy náy, xen lẫn ngượng nghịu sau từng dòng chữ nghiêng nghiêng. Mọi người vô cùng tò mò về chàng trai miền núi – tác giả bức thư xúc động này, và khi biết được câu chuyện của anh, chắc hẳn ai cũng sẽ thấy ấm áp trong lòng.

thư gửi vợ
Bức thư tay dịu dàng, chan chứa tình cảm của ông bố dân tộc gửi người vợ trẻ ở Sa Pa.

thư gửi vợ
Vì tương lai cuộc sống mà phải sống xa nhau, nhưng A Quả vẫn luôn yêu thương vợ.

Chàng trai ấy có tên là Giàng A Quả, nhà cách thị trấn Sa Pa 20 km. Năm nay Quả 29 tuổi, còn người vợ trẻ mà anh hết mực yêu thương mới 22, tên là Thào Thị Lan. So với nhiều trai bản khác, anh lấy vợ hơi muộn, và kết quả cuộc hôn nhân 8 năm là 2 thiên thần nhí lần lượt ra đời, con gái lớn đặt là Bông, con trai út là Pao. Đi đâu Quả cũng khoe vợ đẹp con ngoan, dù không giàu có dư dả gì nhưng 4 người sống với nhau rất hạnh phúc, nên anh tự hào lắm.

thư gửi vợ
Người vợ xinh đẹp và 2 bé nhà A Quả.

Rồi hi vọng đổi đời cũng đến, khi A Quả được địa phương hỗ trợ xuống thủ đô học Đại học. Ông bố trẻ tự nhủ sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền, bởi phía sau vẫn còn vợ dại con thơ. Trong lúc anh đi học thì vợ ở nhà làm nương đốt rẫy, chăm sóc con cái, nhà cửa. Thỉnh thoảng, Quả gọi về nhà cho vợ qua điện thoại của người anh trai. Xuống Hà Nội, có điều kiện tiếp xúc với nhiều thứ mới mẻ hiện đại, A Quả biết dùng facebook, mạng internet, anh liền đặt ngay tên tài khoản là Quả Bông Lan Pao - đầy đủ cả gia đình. Những lúc nhớ vợ con, anh lại viết vài dòng tâm sự cho bạn bè nghe, hoặc đăng ảnh cho đỡ nhớ. Chàng trai phố núi vẫn giữ nguyên tính cách đơn sơ mộc mạc của mình, một lòng chung thủy với vợ, luôn luôn giữ vợ con trong suy nghĩ, và cả trong giấc mơ.

“Vợ mình ở nhà lo việc ruộng nương cũng đủ mệt, chẳng có thời gian làm đẹp. Mình rất thương vợ, học xong mình đang lo xin việc nên hoàn cảnh cũng khó khăn, nhưng mùa đông năm nay xin quần áo ấm cho vợ để vợ an tâm học hành. Vợ đang học lớp tiếng Anh trên Sa Pa, mình động viên cô ấy học lấy nghề để sau này mình ổn định ở Hà Nội rồi sẽ đón vợ con xuống, xin việc đi làm cho dễ.

Vất vả xin mãi người ta mới giúp vợ học miễn phí, nhưng lên học được 2 hôm vợ kêu không có bếp lửa nên lạnh, nhớ con nữa, nên bỏ về. Mình phải quát rồi nịnh, cô ấy mới chịu ở lại học. Nhà có 2 con trâu nhưng cái lạnh năm ngoái đã làm chết nó, giờ chả biết chờ vào cái gì cả. Chắc mai mốt cố gắng mua cho vợ cái điện thoại để vợ tập dùng và lên mạng học thêm tiếng Anh mỗi khi rảnh”.

thư gửi vợ
Ông bố trẻ canh cánh trong lòng chuyện sắm điện thoại cho vợ để họ có cơ hội trò chuyện, tâm sự nhiều hơn khi xa nhau.

Chàng trai dân tộc kể về người phụ nữ anh yêu với ánh mắt rạng ngời và nụ cười ngượng nghịu. Nghe cách anh gọi “vợ yêu”, rồi cười bảo “đôi khi nhớ các con hơn nhớ vợ”… tất cả đều bộc lộ tấm lòng của một người đàn ông tốt, có ý chí phấn đấu và biết tình cảm chân thành to lớn cho gia đình. A Quả khấp khởi bảo, nhận được áo rồi vợ anh vui lắm, sau này anh sẽ cố gắng kiếm tiền mua nhiều áo đẹp hơn tặng vợ, vì vợ không biết dùng facebook nên anh mới phải viết thư tay, nhưng chắc đọc xong lá thư cô ấy sẽ rất hạnh phúc.

Anh ngậm ngùi nhắn nhủ cuối thư: “Vợ chịu nhiều thiệt thòi lắm, nhưng cố lên vì các con, vì mái ấm bé nhỏ của chúng ta, anh và em cùng cố vợ nhé. Chồng yêu vợ và các con nhiều. À, cuối tuần vợ tranh thủ về trên núi với 2 con, chắc chúng nhớ mẹ lắm. Bố bọn trẻ: Quả Bông Lan A Pao”. Đọc những lời ấm áp dịu dàng nhường ấy, kèm theo viễn cảnh tương lai hạnh phúc sum vầy, người phụ nữ nào mà chẳng rung động?

thư gửi vợ
Nhà cao cửa rộng, vàng bạc đầy đồng không bằng tình cảm gia đình.

Giàng A Quả đã học được rất nhiều điều quý giá khi xa vợ con, và sự chất phác thật thà của anh khiến nhiều người phải lặng im suy ngẫm, rưng rưng nước mắt khi nhớ đến vợ hoặc chồng mình.

“Mình thì ăn chả đủ mặc chẳng có, nhưng cái mình cần nhất vẫn luôn là yêu thương. Đó là tình cảm của riêng mình, nhưng mình mong sao mọi người luôn yêu thương vợ, dù có ở hoàn cảnh nào đi nữa. Phía trước và sau lưng một người đàn ông thành đạt, luôn cần một người vợ hiền và thông minh”.

Chẳng biết ông bố H’mông này học được ở đâu những điều triết lý ấy, quan trọng là anh đã mang lại bài học sâu sắc thấm thía dành cho các ông chồng. Tình yêu mà A Quả dành cho vợ con là tấm gương mẫu mực để cánh mày râu noi theo, chẳng thế mà khi bức thư tay của anh “rò rỉ” trên mạng, hàng trăm chị em vừa bắt gặp đã cảm thấy ngưỡng mộ. Cần gì phải soái ca hoa mỹ, biết bày tỏ tình cảm dù ngây ngô như vậy cũng đủ hạnh phúc trọn đời.

Chia sẻ