Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua

A.T,
Chia sẻ

Cung cấp thêm những gợi ý để mẹ có thể chọn một loại nhiệt kế phù hợp nhất, hỗ trợ đắc lực trong việc theo dõi sức khỏe của bé.

Trong hành trình nuôi con khôn lớn, nhiệt kế là dụng cụ không thể thiếu được trong tủ thuốc của mỗi gia đình. Bởi việc đo nhiệt độ cơ thể của trẻ mỗi lần ốm, sốt rất quan trọng. Đó là một trong những thông số hàng đầu khi các bác sỹ muốn chẩn đoán bệnh cho con. Tuy nhiên, giữa rất nhiều lựa chọn về nhiệt kế hiện nay, bố mẹ vẫn đang loay hoay không biết chọn loại nào là tốt nhất, ưu nhược điểm như thế nào.

Bài viết này sẽ đánh giá sơ qua về 4 loại nhiệt kế đang được các mẹ chọn dùng nhiều nhất, bao gồm: nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử đầu mềm, nhiệt kế đo tai và nhiệt kế đo trán. Từ đó có thể cung cấp thêm những gợi ý để mẹ có thể chọn một loại nhiệt kế phù hợp nhất, hỗ trợ đắc lực trong việc theo dõi sức khỏe của bé.

Nhiệt kế thủy ngân

Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua - Ảnh 1.

Là loại nhiệt kế có cấu tạo gồm 2 phần: phần cảm nhận nhiệt (với bầu đựng thủy ngân) và phần thước đo. Hoạt động trên cơ chế giãn nhiệt của thủy ngân, khi tiếp xúc với bộ phận trên cơ thể, thân nhiệt của người được đo sẽ khiến cho thủy ngân giãn ra một mức nào đó, tương ứng với thang đo trên thước đo nhiệt độ.

Ưu điểm: Phổ biến, giá rẻ. Độ chính xác cao. Vì nhiệt kế thủy ngân kẹp ở nách là điểm phản ánh rất chính xác thân nhiệt cơ thể.

Nhược điểm: Thao tác mất thời gian. Vì nhiệt kế thủy ngân phải kẹp nách, nếu gặp những trẻ hay cựa quậy, quấy khi ốm sốt thì khó giữ được đủ lâu để đo nhiệt độ chính xác. Ngoài ra, nhiệt kế này làm bằng thủy tinh nên rất dễ vỡ, có thể gây ngộ độc thủy ngân, gây chảy máu cho trẻ và người nhà. Vạch thủy ngân trong ống cũng khó đọc, loang loáng dễ gây nhầm lẫn về kết quả.

Giá bán nhiệt kế thủy ngân vào khoảng 15.000 VNĐ, được bán ở hầu khắp các hiệu thuốc trong cả nước.

Nhiệt kế điện tử đầu mềm

Nhằm khắc phục những nhược điểm của nhiệt kế thủy ngân, nhiệt kế điện tử đã ra đời, đáp ứng được nhiều sự mong mỏi của các bố mẹ.

Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua - Ảnh 2.

Ưu điểm: Nhiệt kế điện tử đo nhiệt độ cơ thể bằng tia hồng ngoại, thời gian tiếp xúc để lấy kết quả ngắn hơn (chưa đến 30 giây), độ an toàn cao hơn (khó bị vỡ), vị trí đo cũng đa dạng hơn (nách, miệng, hậu môn), hiển thị thông số bằng điện tử có đèn led dễ đọc hơn nhiệt kế thủy ngân và có tiếng báo khi xong.

Nhược điểm: Nếu giữ đúng tư thế và vị trí tiếp xúc chuẩn thì kết quả khá chính xác. Tuy nhiên đối với trẻ nhỏ để có thể giữ im được trong 30 giây để đo cũng cực khó. Thường khi đo bị tuột ra một tí thôi cũng thành sai số.

Giá bán khoảng dưới 100.000 VNĐ, có nhiều thương hiệu sản xuất và phân phối như Microlife, Omron, Polygreen, Beurer…

Nhiệt kế đo tai

Nhiệt kế đo tai là một loại nhiệt kế điện tử dùng đo nhiệt độ ở lỗ tai trẻ bị sốt, có một đầu vòi để cho vào sâu trong tai.

Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua - Ảnh 3.

Ưu điểm: Nhiệt kế đo tai an toàn và thích hợp dùng cho trẻ vì dễ sử dụng, có thể xác nhận nhiệt độ cơ thể nhanh, kết quả chính xác nhờ bộ phận phát hiện nhiệt hồng ngoại toả ra từ màng nhĩ và các mô xung quanh trong 1-3 giây. Thích hợp sử dụng cho những trẻ thường hay quấy khóc, khó đo nhiệt độ.

Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua - Ảnh 4.

Nhược điểm: Giá thành cao. Không dùng được cho trẻ dưới 3 tháng tuổi bởi khi đó tai của bé còn quá nhỏ không thể vừa đầu đo để đo được chính xác. Với trẻ bị viêm tai giữa, nhiệt kế đo tai cũng không dùng được. Và độ chính xác không còn cao với những trẻ ráy tai nhiều. Thêm vào đó, nhiều bố mẹ nhát tay nên để nhiệt kế không đủ sâu trong tai, để bên ngoài lỗ tai cũng cho kết quả không chính xác. Thường phải đo đi đo lại vài lần mới chắc chắn được kết quả.

Giá bán của nhiệt kế đo tai dao động từ khoảng 400.000 VNĐ đến 1.000.000 VNĐ từ các thương hiệu như: Medisana, Beurer, Braun, Omron, Lifecare…

Nhiệt kế đo trán

Nhiệt kế đo trán cũng đo thông qua sóng hồng ngoại thu được từ não bộ và không phải xâm lấn sâu vào cơ thể.. Khi sử dụng thì đặt nhiệt kế chính giữa trán, cách trán trẻ 2 - 3cm.

Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua - Ảnh 5.

Ưu điểm: Nhiệt kế đo trán thường được sử dụng trong các bệnh viện, phòng khám vì sử dụng nhanh và tránh bị lây nhiễm chéo. Thời gian đo nhanh chóng chỉ 1 giây, cách sử dụng đơn giản nên rất tiện dụng. Ngoài ra còn có thể đo được vật thể, đo nhiệt độ phòng, nhiệt độ bình sữa hay nước tắm cho bé nên rất tiện dụng và được nhiều bậc phụ huynh ưa thích…

Ưu, nhược điểm của 4 loại nhiệt kế thông dụng nhất mẹ không thể bỏ qua - Ảnh 6.

Vì những ưu điểm như đo nhanh, dễ sử dụng nên loại nhiệt kế này cũng được các gia đình có con nhỏ hay dùng vì có thể kiểm tra được nhiệt độ cơ thể bé mà không làm bé khó chịu.

Nhược điểm: Giá thành cao. Dễ bị ảnh hưởng tác nhân môi trường bên ngoài hơn so với nhiệt kế đo tai như gió quạt, gió điều hòa, mồ hôi, bụi bẩn,… Sai số khoảng từ 0.2 – 0.5 độ.

Giá bán của nhiệt kế đo trán cao hơn một chút so với nhiệt kế đo tai, dao động từ khoảng 500 VNĐ – 1000.000 VNĐ. Một số dòng sản phẩm nhiệt kế đo trán bố mẹ có thể tham khảo như: Microlife, Omron, Beurer…

Chia sẻ