Tưởng con chỉ ho do nhiễm lạnh thông thường, mẹ không ngờ con suýt mất mạng vì căn bệnh này
Bé gái sơ sinh 1 tháng tuổi phải nhập viện cấp cứu do bị viêm phế quản, tím tái khó thở nhưng cha mẹ lại nhầm tưởng là con chỉ bị ho do nhiễm lạnh thông thường.
Bé gái 1 tháng tuổi nguy kịch vì bị viêm phế quản nhưng cha mẹ không hề hay biết
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là đối tượng rất nhạy cảm mỗi khi thay đổi thời tiết hay khi bị nhiễm loại virus, vi khuẩn vào cơ thể. Đơn giản là do hệ thống miễn dịch của trẻ còn non yếu, chưa phát triển hoàn thiện nên khả năng kháng bệnh còn kém. Các bậc cha mẹ cũng cần nâng cao nhận thức và tránh tình trạng chủ quan mỗi khi trẻ có triệu chứng nào đó nghi là nhiễm bệnh. Bởi chỉ cần lơ là và chủ quan một chút thôi, sức khỏe của trẻ có thể bị rơi vào tình huống nguy hiểm, thậm chí đe dọa tới tính mạng.
Viêm phế quản là căn bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (Ảnh minh họa)
Trường hợp bé gái 1 tháng tuổi nhà chị Beth Foster đến từ nước Anh là một ví dụ điển hình. Thời tiết khi đó khá lạnh, trời có gió. Chị cho biết con gái chị, bé Myah bắt đầu húng hắng ho, và các cơn ho tăng nhanh trong vài giờ sau đó, bụng bé thở phập phồng rõ rệt. Bà mẹ trẻ chia sẻ về trường hợp con gái sơ sinh nhiễm bệnh nặng mà chủ quan không hề hay biết: "Tôi đưa con bé đến gặp bác sĩ và được kê thuốc nhỏ mắt, lúc đó bé không còn ho nhiều nữa. Thế nhưng không lâu sau, con gái tôi ho dữ dội, khó thở và tím tái trong vòng 15 giây. Tôi thậm chí cũng chỉ nghĩ có thể do thời tiết quá lạnh nên con tôi mới tím lại như vậy".
Bé Myah phải nhập viện cấp cứu sau vài ngày nhiễm bệnh khiến bé ho và khó thở.
Sau khi gọi điện cho bác sĩ và chuyển con vào nhập viện, cô bé được chẩn đoán mắc một căn bệnh khá nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đường hô hấp của bé, đó là viêm phế quản. Sau đó ngay lập tức bé được đưa vào phòng cấp cứu, cho thở oxy, đặt ống xông, trên người gắn đầy dây dợ, máy móc theo dõi. Bé được cho dùng thuốc an thần để có thể ngủ trong khi điều trị. Lúc đó bé Myah mới chỉ 1 tháng tuổi, vô cùng nhỏ bé và non nớt, nên khi chứng kiến con gái lâm vào cảnh thập tử nhất sinh vì viêm phế quản, chị Foster đã vô cùng buồn bã.
Thật may là sau khi được điều trị tích cực, cô bé đã hồi phục sức khỏe và hồng hào trở lại.
Với mong muốn không còn bất kì em bé nào phải chịu cảnh bệnh tật và phải cấp cứu như vậy, người mẹ này đã có bài viết chia sẻ trên mạng xã hội nhằm cảnh báo tất cả các bậc cha mẹ và người trông trẻ. Chị cho biết: "Trẻ nhỏ chỉ cần ho nhẹ hay cảm lạnh thì cha mẹ cũng cần kiểm tra và theo dõi bé sát sao. Bởi diễn biến bệnh khá nhanh, đặc biệt là viêm phế quản ở trẻ nhỏ và mỗi bậc cha mẹ cũng cần nâng cao nhận thức hơn về căn bệnh này". Những lời cảnh báo của bà mẹ trẻ đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các bậc cha mẹ và gia đình có con nhỏ.
Chị Foster bế bé Myah khỏe mạnh bên chồng và con trai lớn sau lần bé bị cấp cứu vì mắc viêm phế quản.
Dấu hiệu, triệu chứng, cách phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Viêm phế quản là một bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ, bất kể ở lứa tuổi nào và thời tiết nào, nhưng thường phổ biến khi trời trở lạnh. Tác nhân gây viêm phế quản là do virus dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn làm cho phế quản của trẻ sưng lên hoặc bị viêm và tắc nghẽn. Cơ thể trẻ có sức đề kháng yếu, trong môi trường ô nhiễm, thời tiết trở lạnh đột ngột, thì những vi khuẩn này hoạt động càng mạnh mẽ, nhất là ở mũi và họng và gây bệnh. Khí quản sẽ có hiện tượng sưng phồng, có màu đỏ, có dịch nhầy trong phổi. Chính vì vậy mà trẻ sẽ ho nhiều và khó thở.
Tác nhân gây viêm phế quản là do virus dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn làm cho phế quản của trẻ sưng lên hoặc bị viêm và tắc nghẽn.
Trẻ sơ sinh từ 3-9 tháng tuổi với hệ miễn dịch còn yếu nên rất dễ mắc bệnh. Ngoài ra, nhóm trẻ thuộc nhóm đối tượng cao còn có:
- Trẻ không bú mẹ.
- Trẻ sinh non, sức đề kháng kém.
- Trẻ bị bệnh tim hoặc phổi.
- Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch bị tổn thương.
- Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá, khói xăng xe, bụi bẩn, hơi độc.
- Trẻ ở những nơi đông đúc, có nhiều virus gây bệnh.
Với nguyên nhân khách quan như tình trạng môi trường bên ngoài, nếu tiếp tục kéo dài thì bệnh của trẻ rất dễ trở thành mãn tính. Ngoài ra, cha mẹ để trẻ tắm quá lâu, tắm nước quá lạnh, ngồi điều hòa lạnh hay đứng trước máy lạnh, quạt sai cách cũng là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh viêm phế quản.
Những triệu chứng thường gặp báo hiệu trẻ bị viêm phế quản và cần được thăm khám như sau:
- Khó thở, thở khò khè, hoặc nghe có tiếng rít lên trong phổi.
- Thở nhanh.
- Ho nhiều.
- Sườn trũng khi hít vào.
- Cánh mũi phập phồng khi thở ra.
- Cơ thể xanh xao, tím tái do thiếu oxy.
- Mệt mỏi, khóc lóc, chán ăn, bỏ bú.
- Đau ngực.
- Sốt.
Ngay khi nhận ra các dấu hiệu của trẻ bị viêm phế quản, mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ, đặc biệt là vùng họng, hạn chế cho trẻ uống nước lạnh và thay vào đó là uống thật nhiều nước ấm bởi nước ấm giúp tránh cho trẻ bị tắc sung huyết, đồng thời giúp làm sạch đờm nhớt ở phế quản giúp trẻ đỡ đau rát và cũng dễ thở hơn. Nếu bé ho thì mẹ cũng đừng quá lo lắng vì ho sẽ đẩy đờm ra bên ngoài, làm sạch khoang họng và cuống phổi. Nếu trẻ bị nặng như sốt cao, khó thở, người yếu và không có phản xạ ho, các mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sỹ để có thể điều trị trị thích hợp. Khi nhập viện, bé sẽ được cho thở oxy, khí dung, truyền tĩnh mạch, thuốc giúp mở phế quản cho trẻ dễ thở.
Khi nhập viện, bé sẽ được cho thở oxy, khí dung, truyền tĩnh mạch, thuốc giúp mở phế quản cho trẻ dễ thở (AnhẢnh minh hoaọa).
Các mẹ nên chú ý rằng, ở các trẻ sơ sinh, viêm phế quản được xem là bệnh nặng và dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nhưng biểu hiện của nó lại rất đơn giản và đôi khi khiến cha mẹ nhầm lẫn, chủ quan không nhận ra. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách thì những triệu chứng như sốt, nôn mửa, xanh xao… sẽ hết sau một vài ngày và sau đó thì viêm phế quản cũng sẽ khỏi. Trẻ cần được nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất và cha mẹ cần giữ gìn môi trường sinh hoạt sạch sẽ cho trẻ.
Cách phòng bệnh viêm phế quản ở trẻ
Việc phòng bệnh cho trẻ cần thực hiện ngay từ trong bào thai cho đến sau khi trẻ sinh ra với các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Mẹ bầu cần giữ gìn và nâng cao sức khỏe, tránh trường hợp bé sinh non khiến cho sức đề kháng yếu.
- Cho bé bú mẹ hoàn toàn ít nhất 6 tháng đầu đời, thực hiện cai sữa ít nhất 18 tháng sau khi sinh.
- Giữ ấm cho trẻ, đeo khẩu trang và bảo vệ trẻ trước những thay đổi thời tiết và không khí lạnh.
- Giữ gìn môi trường xung quanh sạch sẽ, hạn chế khói bụi, thuốc lá.
- Chủ động phòng trách và cách ly trẻ với người bị bệnh về đường hô hấp và các bệnh lây nhiễm virus.
Nguồn: Parent, Healthline, Facebook