Trẻ suýt chết do không được dạy về kỹ năng sống

,
Chia sẻ

Theo mẹ từ Sài Gòn về quê ngoại ở Vĩnh Long, trước nhà có con sông, tưởng nước cứng, bé Thu mới 3 tuổi thản nhiên bước luôn xuống.

 

Tưởng tăm có thể ngoáy tai, trẻ dễ bị thủng nhỉ. Ảnh: Thiên Chương.

Cô bé suýt chết đuối, phải nhập viện trong tình trạng bất tỉnh do ngạt nước. May mắn thoát khỏi tử thần nhờ sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, khi được hỏi về sự việc, Thu nói: “Con chưa biết sông, con cứ tưởng nước cứng như đường đi nên bước luôn xuống”. Một người hàng xóm chứng kiến tai nạn cho biết, họ thấy Thu đi xuống sông như người mộng du.

Không bước xuống nước như Thu, em Dũng 4 tuổi ở Tân Uyên (Bình Dương) cho rằng mình có thể bay được như nhân vật người dơi trong phim.

Được bố mua tặng bộ trang phục Batman, Dũng thích quá mặc luôn cả ngày. Lúc bố mẹ đi làm, cô giúp việc lo nấu ăn, Dũng xòe cánh bay luôn từ lan can lầu 1 xuống đất. Tỉnh dậy trong bệnh viện với một chân bị gãy, "chàng người dơi" tí hon cho biết: “Cứ ngỡ mặc đồ Batman vào là có thể bay như trong phim” và “Nếu cửa lên sân thượng không bị khóa, con đã chọn sân thượng để bay”.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu cũng cho biết, mỗi năm có đến vài chục bệnh nhi suýt chết vì những nhầm tưởng tai hại.

Ngày 18/3, thấy vỉ thuốc Terpin Codein viên nhộng bọc đường để trên bàn, tưởng kẹo, bé Phúc, 4 tuổi nhà ở huyện Hóc Môn, TP HCM, ăn hết 3 viên. Chỉ 15 phút sau, bé phải nhập viện với tình trạng lơ mơ, miệng đầy đàm nhớt do ngộ độc. Phải sau 24 giờ điều trị, sức khỏe của cháu bé mới dần cải thiện.

Cũng trong tuần qua, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng tiếp nhận một cháu 20 tháng bị ngộ độc thuốc diệt kiến. Do ở nhà có nhiều kiến lửa nên mẹ cháu đặt thuốc diệt kiến ở góc nhà. Bé tưởng kẹo, nhặt lấy ăn.

Một số trường hợp khác, người lớn dùng vỏ chai trà xanh để chứa hóa chất, trẻ không biết cứ tưởng trà nên nốc cạn hoặc tưởng thuốc long não diệt gián là bánh nên ăn ngon lành. Hậu quả của sự nhầm lẫn thường khiến trẻ ngộ độc nên lơ mơ, thậm chí mất tri giác và phải cấp cứu nhiều ngày mới qua khỏi nguy kịch.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1, để tránh những sai lầm đáng tiếc ở trẻ trong việc ăn uống nhầm, người lớn cần bảo quản thuốc và hóa chất xa tầm với của trẻ. Việc cho hóa chất vào các chai lọ vốn chứa thực phẩm, theo bác sĩ Tiến là rất nguy hiểm vì kể cả người lớn đôi khi còn bị nhầm.

Bác sĩ Tiến cũng khuyên, trong lúc cho trẻ uống thuốc, phụ huynh không nên nói dối với trẻ thuốc là kẹo, vì sau này trẻ nghĩ thuốc là kẹo nên có thể ăn phải gây ngộ độc.

Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc như đi xuống nước vì tưởng nước cứng, không biết lửa nóng, không biết điện gây chết người, tưởng ngoài đời giống như trong phim, các chuyên gia tâm lý khuyên, từ khi trẻ còn bé, cha mẹ nên thường xuyên tiếp xúc với con và nói cho cháu hiểu thế giới xung quanh.

Theo Thiên Chương
Vnexpress
Chia sẻ