Trẻ nhà giàu có "kỹ năng" vòi tiền cha mẹ

,
Chia sẻ

Giận vì con đánh mất chiếc điện thoại xịn mới mua, ông đã phang ghế vào chân con khi Ân trả treo: "Mất cái này thì mua cái khác. Ba thiếu gì tiền!".

Ông Văn Hai (chủ hiệu sửa xe ở Q.6) đã tự hứa, sẽ không đánh cậu con trai Thiên Ân nữa khi con vào cấp II. Nhưng, rằm tháng giêng vừa qua, ông đã phải đưa con vào Trung tâm chấn thương chỉnh hình.
 
Nước mắt đại gia
 
Cưới nhau tám năm, ông bà Văn Hai mới có mụn con. Mọi tình thương ông bà dồn hết cho cậu "quý tử". Ông bà càng quý con hơn do từ khi sinh được Ân, công việc làm ăn càng phất. Lúc nhỏ, Ân nhút nhát nên ông Hai thường tập cho con tự cầm tiền đi mua quà bánh. Lên lớp 9, Ân nhập băng với nhóm bạn con nhà giàu, ký tên vào "công ước 10 giống", nghĩa là cả nhóm phải sử dụng mười món hàng đắt tiền giống nhau.

Do đua đòi ăn chơi, mới học lớp 9 nhưng Ân đã xài mỗi tháng gần 10 triệu. Đóng tiền học Anh văn, học tennis, Ân chỉ học vài ngày rồi bỏ vì chán. Ông hỏi: "Sao con không biết tiếc tiền, tiếc công sức của cha mẹ?", Ân trả lời tỉnh bơ: "Có đáng là bao. Mà có phải tiền của con đâu"! Khi yêu cầu của Ân không được đáp ứng, cậu làm mình làm mẩy, không chịu đi học. Thậm chí, Ân còn giở chiêu tuyệt thực. Do xót con, ông bà Hai lại chiều cậu quý tử.

Bà Kim Anh (giám đốc một công ty ở Q.Tân Bình) cũng khổ vì đứa con cưng. Bà không sợ tốn kém, chỉ sợ cho con nhiều tiền quá, con sinh hư, nhưng có sợ thì con bà cũng... hư. Đầu năm nay, bà phát hiện trong cặp đứa con gái mới học lớp 10 tờ giấy "điều hòa" cùng một mớ thư hận tình định gửi cho bạn trai. Bù đắp cho nỗi buồn của con, bà chỉ biết cho tiền theo yêu cầu, không biết cách hỏi han, chia sẻ. Đã lâu rồi, mẹ con bà không có thói quen tâm sự, trò chuyện với nhau, quan hệ mẹ - con chỉ thể hiện qua "cơ chế xin - cho". Cũng vì thế, con gái đối xử lại với bà cũng rất vô cảm.

Bà lên cơn huyết áp, cô không thăm hỏi, chăm sóc mà cứ nhèo nhẹo đòi năm triệu đồng để đi Vũng Tàu chơi. Bà chưa đưa kịp, cô con gái phóng thẳng ra Vũng Tàu rồi gọi về bảo mẹ chuyển tiền vào thẻ ATM, còn dọa: "Mẹ không gửi tiền là con khỏi về nhà luôn".

Khó hay dễ?

Trong buổi tọa đàm Dạy con (tuổi thiếu niên) thời hội nhập tổ chức tại NVH Phụ Nữ TP.HCM vừa qua, khi tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thị Bích Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đặt câu hỏi: "Giàu hay nghèo thì khó dạy con hơn?", bất ngờ là có trên 80% phụ huynh trong khán phòng trả lời "giàu"! Thực tế, đúng là người giàu thường gặp khó khăn hơn trong việc dạy con, giúp con hiểu đúng giá trị đồng tiền và sức lao động để có được đồng tiền đó. Với những người lao động, luôn phải đối mặt với mối lo "cơm áo gạo tiền", việc dạy con có vẻ thuận lợi hơn vì con dễ cảm nhận được nỗi vất vả của cha mẹ, thậm chí, con có thể phụ giúp cha mẹ, đồng cam cộng khổ. Tuy nhiên, dù giàu hay nghèo, nếu cha mẹ dạy con biết yêu thương, biết quản lý đồng tiền, việc giáo dục con sẽ hiệu quả hơn. Cha mẹ nên tạo cơ hội giúp con trải nghiệm để biết quý trọng thành quả lao động của cha mẹ.

 
Anh Phạm Mi Sên (buôn bán ở Q.6) chia sẻ những khó khăn trong cách dạy con
của mình tại buổi tọa đàm "Dạy con thời hội nhập" tại
NVH Phụ Nữ TP.HCM, ngày 6/3

Thực tế cho thấy, trẻ ngày nay nắm bắt rất nhanh "kỹ năng" vòi tiền cha mẹ. Lợi dụng tâm lý xót con, nhiều trẻ đã có những yêu cầu gây khó xử cho người lớn. Xã hội phát triển càng khiến phát sinh nhiều nhu cầu. Khi trẻ được dạy bảo để biết làm chủ những đòi hỏi của mình, trẻ sẽ không đua đòi và biết theo đuổi những mục tiêu có giá trị bền vững hơn: học giỏi, phát triển tài năng, giúp đỡ người bất hạnh...

Anh Hoàng Quân (kỹ sư xây dựng) đã mang đến cuộc tọa đàm một câu hỏi khó của con mình: "Ba đi xe máy, ba có hiểu sự mệt mỏi của con khi đạp xe giữa trời nắng gió? Nếu ba không mua xe đạp điện cho con là ba không thương con, ba muốn hành xác con". Anh hẹn với con sẽ trả lời trong vòng 10 ngày, nay đã bước sang ngày thứ tám, anh vẫn chưa nghĩ ra cách trả lời thỏa đáng. Dù có tiền nhưng anh chưa muốn mua xe đạp điện cho con vì các lý do: trường học gần nhà, muốn con vận động cơ bắp, sợ con bị tai nạn, sợ con đánh mất xe, muốn kiềm chế tính đua đòi của con, muốn con học giỏi mới thưởng. Những nguyên nhân chính đáng ấy lại đang lung lay chỉ vì hai chữ "không thương".

Một người mẹ rất giàu, có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn con quản lý tiền bạc, đã chia sẻ chân tình với anh. Theo chị, phụ huynh phải cứng rắn trước đòi hỏi của con vì trẻ thường "được đằng chân, lân đằng đầu". Với con, phải dứt khoát, không được lập lờ. Để con hiểu gánh nặng tài chính của gia đình, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con cùng tham gia hạch toán thu chi hàng tháng. Qua đó, trẻ sẽ tự tiết chế những đòi hỏi không phù hợp.
 
Theo Phụ nữ
Chia sẻ