Trẻ em học được kỹ năng này từ sớm sẽ rất thành công trong cuộc sống sau này
Việc dạy kỹ năng cho trẻ ngay từ những năm đầu đời không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự tự tin, độc lập và khả năng thích ứng sau này.
Nếu phải lựa chọn một kỹ năng quan trọng nhất giúp trẻ em tự tin bước vào đời, đó chính là kỹ năng đọc và niềm yêu thích việc đọc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khả năng đọc tốt ở bậc tiểu học là một trong những yếu tố dự đoán mạnh mẽ nhất cho sự thành công sau này.
Trẻ em biết đọc sớm không chỉ có khả năng học tập tốt mà còn mở ra nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, bao gồm việc theo học các bậc học cao hơn, tìm kiếm những công việc tốt và đạt được thu nhập đáng mơ ước.
Vậy thì cha mẹ có thể làm gì để phát triển kỹ năng đọc sách cho trẻ từ sớm? Câu trả lời không nằm ở những giờ học căng thẳng hay việc mua sách đắt tiền, mà chính là từ những khoảnh khắc nhỏ bé, giản dị trong cuộc sống hằng ngày.
Dưới đây là 5 hoạt động đơn giản mà các bậc phụ huynh có con yêu thích đọc sách thường thực hiện sớm, và đây cũng chính là chìa khóa giúp trẻ đạt được thành công trong tương lai.
1. Trò chuyện sớm với con ngay từ lúc con chỉ biết ê a
Trẻ sơ sinh tuy chưa biết nói nhưng đã có khả năng lắng nghe, cảm nhận và phản ứng lại với môi trường xung quanh. Khi trẻ ê a hay phát ra âm thanh, cha mẹ nên đáp lại bằng ánh mắt trìu mến, giọng nói nhẹ nhàng và lời nói rõ ràng.
Những cuộc trò chuyện tưởng chừng đơn giản ấy lại chính là nền tảng quan trọng giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và tư duy.
Việc tương tác qua lại như vậy giúp não bộ của trẻ phát triển nhanh và củng cố các kết nối thần kinh ngay từ những năm tháng đầu đời.

Ảnh minh họa.
2. Luôn hỏi và chờ con trả lời
Cha mẹ nên thường xuyên đặt câu hỏi như:
"Con thấy con mèo kia không?"
"Cái này là màu gì nhỉ?"
"Con có muốn lật trang sách không?"
Điều quan trọng là phải chờ con phản hồi, dù chỉ là ánh mắt hoặc tiếng ê a. Việc này giúp trẻ rèn luyện khả năng tư duy, học cách giao tiếp và phát triển vốn từ một cách tự nhiên, đây là những nền tảng cho việc đọc hiểu sau này.
3. Không chỉ dạy tên chữ, mà còn dạy cả âm thanh chữ
Cha mẹ tinh ý không chỉ dạy con "đây là chữ a" rồi dừng lại, mà còn giải thích thêm: "Chữ a đọc là 'a', giống như âm 'a' trong từ 'ăn'". Trong cuộc sống hằng ngày, họ thường tranh thủ chỉ cho con các chữ cái xuất hiện trên biển hiệu, bao bì sản phẩm hay trong sách vở, rồi nói rõ chữ đó phát âm thế nào, chứ không chỉ đơn thuần nêu tên chữ hay hình dạng.
Việc giúp trẻ hiểu được mối liên kết giữa chữ cái và âm thanh sẽ tạo nền tảng rất vững chắc để sau này trẻ học cách đánh vần và tự mình đọc thành thạo các từ trong sách vở cũng như trong cuộc sống.

Ảnh minh họa.
4. Chơi đùa với ngôn ngữ mỗi ngày
Những trò chơi đơn giản như đọc vè, hát đồng dao hay nói lái, tưởng chỉ để cho vui nhưng lại rất có ích cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Khi tham gia những hoạt động này, trẻ lắng nghe và làm quen với các âm thanh trong tiếng Việt, từ đó dần biết cách phân biệt âm đầu, vần, thanh điệu. Đây chính là bước đệm quan trọng giúp trẻ sau này dễ dàng học ghép vần và đọc chữ trôi chảy hơn.
5. Tận dụng mọi khoảnh khắc để "đọc"
Cha mẹ của những đứa trẻ ham đọc sách không đợi đến giờ đi ngủ mới mở sách. Họ đọc mọi lúc, mọi nơi: khi tắm, lúc ăn, khi chờ xe. Ngay cả bảng hiệu, nhãn mác hay thực đơn cũng trở thành tài liệu đọc giúp trẻ nhận biết từ ngữ và âm thanh.
Việc tiếp xúc thường xuyên với chữ viết và lời nói giúp trẻ xem việc đọc là điều quen thuộc, thú vị, chứ không phải nhiệm vụ nhàm chán ở trường.
Trẻ em học được thói quen yêu thích đọc sách từ sớm sẽ không chỉ giỏi ngôn ngữ, mà còn phát triển tư duy, khả năng học hỏi và sự sáng tạo. Đọc sách chính là kỹ năng siêu năng lực giúp trẻ thành công hơn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống sau này.
Và điều tuyệt vời là hành trình đó bắt đầu từ những điều nhỏ nhất mà cha mẹ làm mỗi ngày.