Trẻ bị rối loạn tiêu hóa có nên uống men vi sinh?
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi TW, hiện nay số trẻ đến điều trị bệnh rối loạn đường tiêu hóa với các biểu hiện đa dạng và phức tạp hơn trước, nhiều khi các bác sĩ phải làm xét nghiệm phù hợp mới chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
“Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi tiếp nhận số lượng lớn trẻ bị các biểu hiện về đường tiêu hóa nhiều hơn so với trước. Biểu hiện chủ yếu là tổn thương chức năng đường tiêu hóa cũng như một số tổn thương thực thể ở đường tiêu hóa. Nhóm tuổi cũng đa dạng hơn từ trẻ dưới 1 tuổi đến trẻ lớn. Đối với trẻ lớn, biểu hiện và tình trạng bệnh thường phức tạp hơn” - BSCKII Đặng Thúy Hà – Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Nhi TW cho biết trong cuộc trao đổi với phóng viên của VOV2.
Theo BSCKII Đặng Thúy Hà, rối loạn tiêu hóa gồm có những rối loạn tiêu hóa chức năng và rối loạn tiêu hóa thực thể. Biểu hiện thường là tiêu chảy, nôn trớ, đi ngoài táo bón, đầy bụng, khó tiêu, mệt mỏi, khó ngủ…
Rối loạn tiêu hóa chức năng thường có biểu hiện mãn tính, bị đi bị lại nhiều lần nhưng không gây tổn thương về cấu trúc. Nhưng nếu bị rối loạn tiêu hóa thực thể thì có thể em bé có biểu hiện của tổn thương cấu trúc, những bất thường, viêm nhiễm của cơ quan nào khác, ví dụ như bệnh viêm não, ngộ độc thức ăn hay là tình trạng viêm dạ dày, viêm ruột cấp do vi khuẩn gây nên.
Điển hình là bé Nguyễn Duy Anh, 4 tuổi, ở Thái Bình. Trước khi nhập viện điều trị rối loạn đường tiêu hóa, bé đã điều trị bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP. Do ảnh hưởng của việc uống thuốc cộng thêm mẹ cho ăn quá nhiều rau và trái cây khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
“Gần đây, con bị sụt cân. Cháu biểu hiện ăn kém, đau bụng chướng hơi, đầy căng, ợ chua, ăn xong 5 phút thì đau, ôm mẹ và vã mồ hôi, sốt nhiều hơn…” – chị Nguyễn Thị Hoa – mẹ bé Duy Anh cho biết.
Ths.BS Lê Thị Hương – Khoa Tiêu hóa, BV Nhi TW trực tiếp điều trị cho Duy Anh cho biết: Một trong những nguyên nhân của tình trạng rối loạn tiêu hóa của bé xảy ra là do bé đã ăn quá nhiều rau. “Ăn rau thì tốt nhưng ăn nhiều quá, cơ thể dung nạp nhiều chất xơ quá cũng không tốt, hoặc bé ăn nhiều hoa quả, đường trong hoa quả sinh cacbon hydrat mà lại sinh men, gây chướng bụng đầy hơi nhiều hơn”.
Trường hợp của bé Duy Anh phải nằm viện để các bác sĩ tái tạo lại niêm mạc ruột giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột, điều chỉnh chế độ ăn bổ sung thêm những vi chất dinh dưỡng bị thiếu hụt do rối loạn đường tiêu hóa gây nên.
Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống men vi sinh?
Hiện nay, trên thị trường quảng cáo uống men vi sinh sẽ sinh ra lợi khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Tuy nhiên, theo BS Đặng Thúy Hà, men vi sinh có phát huy được tác dụng hay không còn phụ thuộc vào yếu tố khác như là liều lượng có phù hợp với bệnh nhi hay không. Thực tế hiện nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá được hết hiệu quả và tính an toàn của men vi sinh.
“Phải hiểu rằng không có loại men vi sinh nào có thể chữa được tất cả các vấn đề về đường tiêu hóa, không phải tất cả sản phẩm nào được dán nhãn men vi sinh đều có lợi cho sức khỏe. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm được dán nhãn men vi sinh nhưng chưa có nghiên cứu, đánh giá hết về hiệu quả an toàn của sản phẩm. Vì vậy, trước khi dùng bất cứ một loại lợi khuẩn nào thì cũng nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế trong lĩnh vực này để biết thuốc nào có lợi cho tiêu hóa” – BS Đặng Thúy Hà khuyến cáo.
Một số em bé có nguy cơ cao như bị suy giảm miễn dịch, em bé sinh non cũng nên cân nhắc trước khi sử dụng những sản phẩm này.
Để phòng bệnh, cha mẹ, người chăm sóc trẻ khi chế biến thức ăn, cho bé ăn cần đảm bảo nguyên tắc vệ sinh, chế độ chăm sóc thích hợp. Với những bé bú sữa mẹ thì cố gắng cho bé bú trong 6 tháng đầu đời. Đối với trẻ lớn, đảm bảo cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, hướng dẫn bé nhai kỹ hơn, hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn, có quá nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ.
Cha mẹ quan sát, khi thấy trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn đường ruột, nôn, tiêu chảy bị mất nước, môi khô, khát nước, khóc không ra nước mắt, đi ngoài ra máu hay trong vòng 6 giờ mà đi tiêu chảy hơn 8 lần thì nên bù nước điện giải cho trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đi khám bác sĩ.