"Tạm biệt" chân vòng kiềng, con nhé!
Mun đang tuổi tập đi, mẹ chưa biết nên dẫn con đi thế nào để khỏi bị chân cong, sau này mất dáng. Bố suốt ngày kêu ca đóng bỉm cho con từ nhỏ, lo chả vòng kiềng.
Con tôi chân vòng kiềng?
Chân vòng kiềng, hình dung nôm na là hai gối và xường đùi cong, làm bé khi đứng hai gối không sát vào nhau, mà cứ “tòe” ra. Mọi người vẫn gọi là chân cong. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ nên lo lắng khi chân của bé cong từ trên đùi xuống bàn chân. Còn bé bị cong cẳng chân thì chưa thể gọi là chân vòng kiềng. Đó chỉ là tình trạng phát triển tự nhiên trong quá trình hình thành xương.
Chân vòng kiềng hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe của bé. Khi nào bé biết điệu, biết ý thức về vóc dáng, chân vòng kiềng mới tác động đến tâm lý của bé. Chỉ có mẹ là xót con thôi.
Bé nào cũng bị chân cong?
Đa số, các bé bị chân vòng kiềng là do có tình trạng về xương: thiếu vitamin D, suy dinh dưỡng, bệnh lý về xương... Một số dị tật ở bàn chân cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến sự lệch trục của khớp gối.
Điều trị tận gốc
Phần lớn, các bé sơ sinh dưới 6 tháng tuổi đều bị cong chân do tư thế nằm ở trong bụng mẹ. Điều đó được gọi là cong chân sinh lý. Nhưng không cần xoa bóp, tác động gì, đến khi bé 1 tuổi, chân bé sẽ tự thẳng. Bởi khi đó bé vận động và đi nhiều, nên xương tự điều chỉnh.
Từ 2 – 4 tuổi, nếu mẹ để ý, sẽ thấy hai gối của bé có thể vẹo vào theo hướng bên trong một chút. Từ 4 – 6 tuổi, hai chân bé sẽ thẳng trục trở lại. Những bé trong trường hợp này hoàn toàn không cần điều trị.
Thông thường khi con mới sinh ra, các bà, các mẹ hãy dùng phương pháp dân gian “nắn chân, nắn tay” cho con được dài rộng. Ngay này, hiện đại hơn, các bé được massage, xoa bóp. Tuy chưa khẳng định được tác dụng của việc này trong việc điều trị chân vòng kiềng cho con, nhưng nó giúp cho con cảm thấy đỡ mỏi, thoải mái, điều hòa máu tốt và dễ chịu hơn rất nhiều.
Với những bé lớn mà chân bị cong nhiều, bố mẹ nên nghĩ tới việc cho con đi khám bác sỹ và xin tư vấn về việc phẫu thuật chỉnh trục xương. Vì nếu bé bị chân cong do gối lệch trục vào trong, không chỉ mất thẩm mỹ, bé còn bị đau gối do thoái hóa, dễ bị nguy cơ hư khớp gối sớm.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Khi bé đến tuổi tập đi, lúc này hình dạng chân bắt đầu được hình thành, mẹ chú ý chăm sóc bé kỹ nhé!
Tránh không nên cho bé ăn nhiều dễ dẫn tới tình trạng béo phì, tạo “áp lực” với chân của bé.
Không ép cho bé đứng hoặc đi quá sớm so với độ tuổi, vì trọng lượng của cơ thể sẽ ảnh hưởng đến chân. Mỗi bé có cấu trúc xương, sự phát triển khác nhau nên tuổi tập đi cũng khác nhau. Mẹ không nên sốt ruột so sánh “Tại sao con nhà em từng này tháng tuổi vẫn chưa đi và đứng?”.
Khi có biểu hiện bất thường về chân tay bé, cách tốt nhất mẹ đưa bé đi khám và hỏi tư vấn của bác sỹ.
Chúc các con có một đôi chân đẹp và thẳng tắp!
Mẹ bé Mun