Sợ phát khiếp khi nghĩ tới cái… bàn đẻ

Hoàng Anh,
Chia sẻ

Đối với nhiều phụ nữ, gây tê ngoài màng cứng là giải pháp hoàn hảo cho thắc mắc về cách sinh con không đau, trong suốt quá trình sinh nở người mẹ vẫn tỉnh táo tươi tắn và có thể chứng kiến toàn bộ tiến trình sinh đẻ.

Mừng như bắt được vàng khi biết phương pháp gây tê ngoài màng cứng

Chị Ngọc Linh (Đường Bưởi, Hà Nội) sắp sinh con đầu lòng. Nhìn chị rất khỏe mạnh, mẹ và bé đều lên cân tốt thế nhưng cứ nhắc tới đẻ là chị lại lắc đầu, lè lưỡi. “Mình mong con xuất hiện hàng ngày thế nhưng cứ nghĩ tới đẻ là mình lại run như cầy sấy”, chị chia sẻ. 

Chị là một dân mạng chính hiệu, ngày nào chị cũng mò mẫm lên các diễn đàn nghe ngóng kinh nghiệm của chị em. Chị hạnh phúc tưng bừng khi nghe mọi người bàn tán rôm rả về lần đầu tiên trông thấy con rồi mường tượng đến lúc được bế ẵm thiên thần, bên cạnh đó chị cũng căng thẳng cực độ khi đọc tới những tâm sự đau đớn, mệt mỏi của chị em đã trải qua quá trình sinh nở

Dần dần những hình ảnh đó cứ ám ảnh chị. Rồi ngay cả cô bạn thân của Linh sau khi sinh con bị đau, tinh thần mệt mỏi, mất sữa cho con, khiến tâm trạng chị càng căng thẳng hơn…

Tất cả những điều này khiến Linh càng sợ hãi khi ngày sinh ngày càng cận kề. Đôi lần chị nghĩ tới sinh mổ nhưng “mổ lại có kiểu đau của mổ mà phương pháp này lại không tốt cho con”. Rồi khi đọc được thông tin sinh con bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng không đau cho mẹ, chị như bắt được vàng.
 
Sợ phát khiếp khi nghĩ tới cái… bàn đẻ 1
Nhiều chị em phân vân với phương pháp đẻ không đau này (Ảnh minh họa)

Chị Thanh Nhiên (Võ Thị Sáu, TPHCM) cũng lo lắng với việc sinh nở sắp tới của mình. Chẳng là, bình thường chị rất khỏe mạnh nhưng khi bắt đầu chớm thai kỳ, huyết áp của chị bỗng nhiên cao vống cả lên. 

Bác sĩ dặn dò rồi bố mẹ dọa, chị lo lắng không yên với chứng tiền sản giật. Một lần nghe bạn bè mách, chị được biết đến phương pháp gây tê ngoài màng cứng này. Nghe đâu liệu pháp này khiến chị em phụ nữ có huyết áp cao sinh con được an toàn. 

Sau khi sinh con chị chia sẻ: “Đúng là sinh con bằng phương pháp này đỡ đau hơn hẳn, tuy nhiên không hiểu sao sau khi sinh, lưng mình rất đau”. 

Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp phổ biến giúp giảm đau trong quá trình lâm bồn vì nó làm tê liệt các dây thần kinh. Đây là phương pháp mà nhiều chị em tìm đến. Phương pháp này có tác dụng giảm đau với khoảng một nửa phần cơ thể bên dưới, vì thế chị em trong giai đoạn vượt cạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn thay vì cảm giác đau đớn tột cùng khi sinh con. 

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng thường được áp dụng khi cổ tử cung mở khoảng 4 – 5 cm trở lên. Khi gây tê thì quá trình lâm bồn của bạn sẽ chậm hơn và các cơn co tử cung cũng sẽ chậm và yếu hơn.

Gây tê ngoài màng cứng không chỉ phát huy tác dụng trong quá trình sinh nở mà ngay cả sau khi đã vượt cạn thành công, thủ thuật này vẫn phát huy tác dụng. Cụ thể là nếu không áp dụng thủ thuật gây tê màng cứng thì sau khi sinh, bạn vẫn có cảm giác mệt mỏi, kiệt sức và đau đớn nhưng với thủ thuật này sẽ giúp bạn cảm thấy được thư giãn, không phải chịu đựng những cơn đau đớn và nhanh chóng bình phục hơn.

Đối với nhiều phụ nữ đó là giải pháp hoàn hảo cho thắc mắc về cách sinh con không đau, trong suốt quá trình sinh nở bạn vẫn tỉnh táo tươi tắn và có thể chứng kiến toàn bộ tiến trình sinh đẻ. 

Nếu thời gian chuyển dạ của bạn kéo dài hơn dự kiến, đơn giản chỉ cần tăng thêm liều thuốc tê là ổn. Thêm vào đó, phương pháp này là lý tưởng cho chị em bị cao huyết áp bởi quá trình này làm hạ huyết áp của bà mẹ. 

Phương pháp gây tê ngoài màng cứng được đánh giá tốt

Trả lời về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Kim Dung (Trưởng khoa Sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà) chia sẻ, thủ thuật gây tê ngoài màng cứng được rất nhiều chị em lựa chọn, phương pháp này được đánh giá rất cao. Tuy nhiên cũng có những tác dụng phụ không mong muốn.

Thủ thuật này có thể khiến cho huyết áp của bà mẹ tụt giảm bất ngờ, chính vì lý do này nên trong quá trình gây tê cũng như vượt cạn, các bác sĩ sẽ thường xuyên phải theo dõi chặt chẽ mức huyết áp của bà mẹ để chắc chắn rằng lượng máu trong cơ thể vẫn đảm bảo cho sự phát triển bình thường của thai nhi. 

Sợ phát khiếp khi nghĩ tới cái… bàn đẻ 2
Gây tê ngoài màng cứng không chỉ phát huy tác dụng trong quá trình sinh nở 
mà ngay cả sau khi đã vượt cạn thành công (Ảnh minh họa)

Trong trường hợp huyết áp đột ngột giảm bạn sẽ được điều trị bằng thuốc, thở oxy ngay lập tức. Ngoài ra bạn cũng có thể phải đối mặt với cảm giác run rẩy, ớn lạnh, buồn nôn hay khó đi tiểu. 

Bác sĩ Dung chia sẻ, mặc dù thủ thuật gây tê ngoài màng cứng có tác dụng giảm đau rõ rệt nhưng có những trường hợp bà bầu không nên áp dụng thủ thuật này: Người đang bị xuất huyết, mắc chứng nhiễm trùng máu,…

Còn hiện tượng đau lưng sau khi sinh con (có dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng) là có. Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật tiến hành của y bác sĩ chưa chuẩn mà thôi. 



Trước đây, không ít người có suy nghĩ cứ thoải mái lên bàn đẻ. Còn đẻ theo hình thức nào thì để bác sĩ và tình huống quyết định. Nhưng bây giờ, đa phần các mẹ đều có sự tính toán cẩn thận trước khi lâm bồn.
Sợ phát khiếp khi nghĩ tới cái… bàn đẻ 3
Chia sẻ