Răng mọc lệch dễ khiến trẻ nói ngọng

,
Chia sẻ

Những trẻ răng mọc lệch còn có thể khó phát âm, dẫn đến nói ngọng, do đó cần được điều trị chỉnh hình răng hàm sớm.

Thạc sĩ Nguyễn Quốc Dũng, Phó khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, cho biết nếu không được điều trị chỉnh hình răng mặt sớm, ngoài việc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, răng mọc chen chúc, lệch lạc còn gây khó khăn trong việc giữ vệ sinh, làm tăng tỷ lệ sâu răng, bệnh nha chu. Một số trường hợp khớp cắn lệch trầm trọng có thể gây ra tình trạng khó phát âm, thậm chí trẻ không thể phát âm một số âm nào đó.
 
Việc chỉnh hình răng mặt sớm giúp cho cung răng, xương hàm và các cơ nhai phát triển hài hòa với khuôn mặt. Việc điều trị các lệch lạc nhẹ giúp răng mọc đúng vị trí, ngay ngắn. Chỉnh hình sớm thường ít gây đau đớn và khó chịu nên trẻ dễ dàng hợp tác hơn. Với một số trường hợp đơn giản, việc chỉnh hình răng mặt sớm có thể giúp cho cung răng và xương hàm phát triển bình thường mà không cần một cách điều trị nào khác. Hiện có hai phương pháp chỉnh răng cho bé được áp dụng, đó là chỉnh răng hàm tháo lắp và chỉnh răng hàm cố định.
  
Chỉnh hình răng hàm tháo lắp

Loại khí cụ này có thể tự tháo ra và lắp vào miệng dễ dàng theo ý muốn. Trẻ sẽ tự mang nó mỗi ngày, thậm chí cả khi ngủ. Trẻ có thể tháo ra theo ý muốn nên dễ được chấp nhận; trẻ có thể ăn và uống những món ưa thích trong quá trình điều trị. Các ưu điểm khác là thực hiện nhanh, rẻ tiền.

Nhược điểm là hàm tháo lắp dễ bị hư hỏng, bị mất, kết quả điều trị phụ thuộc nhiều vào thái độ hợp tác của trẻ. Nếu trẻ không tự giác mang hàm thường xuyên, liên tục, kết quả điều trị sẽ bị hạn chế. Ngoài ra, hàm tháo lắp không điều chỉnh được những lệch lạc răng phức tạp. Do đó, nó thường được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị, sau đó được thay thế bằng hàm cố định.

Chỉnh hình răng hàm cố định

Khí cụ cố định thường bao gồm các mắc cài, dây cung và khâu được gắn chặt lên răng lúc bắt đầu điều trị và chỉ được tháo ra khi hoàn tất, bệnh nhân không phải thao tác gì cả. Các mắc cài nếu bằng kim loại thì sẽ có màu kém thẩm mỹ, nhưng hiện nay đã có một số loại mắc cài thẩm mỹ làm bằng sứ, composite, hoặc đá có màu như men răng.

Khí cụ này được gắn chặt lên răng và có rất nhiều ưu điểm: Điều trị cho hiệu quả tốt đối với những trường hợp răng lệch lạc phức tạp, kết quả điều trị ít phụ thuộc vào bệnh nhân. Nhược điểm là chi phí khá cao và đặc biệt là phải qua nhiều lần khám.

Các vấn đề về răng cần được điều trị sớm.

Lần khám đầu tiên, bác sĩ sẽ lấy mẫu răng bằng thạch cao để nghiên cứu và chụp những phim X- quang cần thiết để phục vụ cho chỉnh nha. Lần thứ hai, sau khi khám lâm sàng, có phim X-quang đầy đủ, bác sĩ sẽ tư vấn về quy trình thực hiện chỉnh răng. Các lần khám tiếp theo cách nhau khoảng hai tuần hay một tháng: Bác sĩ gắn mắc cài lên răng, chỉnh dây cung và mắc cài để từ từ điều chỉnh các răng lệch lạc vào đúng vị trí của nó, xử lý các vấn đề cụ thể xảy ra trong quá trình nắn chỉnh răng.

Những ngày đầu mang mắc cài trên răng, trẻ có thể hơi đau và thấy không thoải mái lắm, nhưng chỉ sau vài tuần sẽ thích nghi dần.

Việc điều trị chỉnh hình răng kéo dài bao lâu?

Thời gian điều trị tùy theo từng trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào độ tuổi, mức độ lệch lạc của răng và sai hình của hàm, mức độ phức tạp phải di chuyển răng... Thời gian trung bình là 1 - 3 năm.

Đối với trẻ em, việc điều trị có thể chia thành nhiều đợt. Đợt đầu là giai đoạn chỉnh nha phòng ngừa, can thiệp. Sau đó là tạm dừng và giám sát những thay đổi trong quá trình trẻ mọc đủ răng vĩnh viễn. Cuối cùng là giai đoạn chỉnh hình răng mặt toàn diện. 

Theo Giadinh
Chia sẻ