Quá vâng lời bố mẹ nên trẻ không... khôn

,
Chia sẻ

Đối với cha mẹ, dạy con biết vâng lời là vô cùng gian nan. Nhưng, không ít đứa con chỉ vì quá vâng lời bố mẹ mà không tự chủ, tự lập nên nhất nhất chỉ làm theo ý mẹ.

Gọi dạ bảo vâng

Bà Trần Thị Ngọc, nhân viên kế toán, luôn cảm thấy hài lòng, vì Ngọc Nhi, cô con gái đầu của bà, từ nhỏ đã được mẹ rèn luyện thói quen "dù con muốn thế nào, thì con vẫn làm theo ý mẹ”. Từ lúc có thêm đứa con trai, bà càng ra sức uốn nắn để Nhi trở thành "mẫu người gọi dạ bảo vâng" cho em noi theo. Cô con gái ngoan ngoãn đến mức đi chơi luôn về đúng giờ mẹ dặn; chỉ mặc những bộ quần áo mẹ mua cho, dù rất thích áo thun sát nách, quần short như các bạn. Thế nhưng, khi vào tuổi sinh viên, cô con gái ngoan ấy bắt đầu nếm mùi đau khổ. Năm học thứ nhất, cô cảm thấy nhớ thương một bạn trai cùng lớp. Bà mẹ bảo: "Con còn khờ lắm, làm sao biết người ta tốt xấu mà yêu. Con cứ tốt nghiệp đại học rồi tính". Lần này cô gái không thể nghe theo lời mẹ một cách dễ dàng như trước mà cảm thấy ngột ngạt, ấm ức, nhưng cô cũng không dám bỏ ngoài tai lời mẹ vì đã quen để mẹ quyết định mọi việc.


Cha mẹ nên tập cho con tính tự lập ngay từ nhỏ - Ảnh minh họa: Phùng Huy

Không dám cãi mẹ nhưng do trái tim dẫn đường, Ngọc Nhi vẫn lén lút hẹn hò với bạn trai. Bà mẹ biết được, nổi một trận... động đất trong nhà. Lúc này thì Nhi đành chào thua. Nhi ra trường, đi làm, gần 30 tuổi mà vẫn một mình, vì mẹ cô mãi không yên tâm, hài lòng với những anh bạn trai mà Nhi đưa về nhà giới thiệu. Chê nhưng bà lại rầu rĩ, sợ con gái ế chồng. Bà trách con không biết nhìn người, không biết chọn một tấm chồng tử tế để nương tựa, bởi "bố mẹ đâu có thể sống mãi, mà chở che cho con".

Ngọc Loan, một cô giáo cấp II, vừa ra khỏi nhà gia đình chồng với tâm trạng khốn khổ. Cô tìm đến chuyên viên tư vấn để xem lại mình có quá vội vàng khi quyết định ly hôn. Cô yêu và chọn một người đàn ông không rượu chè, thuốc lá, cờ bạc. Chồng cô không có những thói quen xấu, là kết quả của việc vâng lời bà mẹ. Thế nhưng, sống chung với người con ngoan ngoãn đó, Loan lại thấy hụt hẫng. Anh ta không tự quyết định bất cứ chuyện gì mà mọi việc đều theo ý mẹ. Đến cả việc ăn uống phải là mẹ nấu thì anh ta mới chịu ăn, vợ nấu gì cũng lắc đầu.

Càng ngày Loan càng có cảm giác, anh ta cưới một cô gái để có con, theo yêu cầu của mẹ, chứ không phải muốn có người vợ để chia sẻ cuộc đời. Thấy con dâu bất bình, bà mẹ chồng cũng chỉ an ủi: "Hồi nhỏ, nó luôn quanh quẩn bên mẹ, giờ đã thành thói quen, nhờ thế mà nó không hư hỏng. Mẹ già rồi, chỉ mong có cháu nội ẵm bồng. Con thương mẹ, cố gắng chấp nhận nó”. 

Phản ứng của con là một thông điệp

Nhà giáo Phan Thúc Xán, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tâm lý-giáo dục-hướng nghiệp trẻ TP.HCM cho biết: "Nhân cách của mỗi đứa trẻ đều được định hình trong quá trình giáo dục trong gia đình. Vì thế, việc dạy con đúng đắn, hợp lý ngay từ đầu là điều rất cần thiết cho cả bố mẹ lẫn con cái. Theo ông Xán, mỗi đứa trẻ có "bản năng" cá tính khác nhau. Những đứa thuộc nhóm "gan lì” sẽ tỏ ra nổi loạn, chống lại cha mẹ đến cùng, hoặc nổi "máu" bỏ nhà đi bụi; còn những trẻ thuộc nhóm "máu" yếu đuối, nhút nhát sẽ dễ bị cha mẹ chinh phục, chúng được cha mẹ coi là trẻ ngoan, biết chấp hành mệnh lệnh. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi thấy có cả trẻ ngoan và trẻ không ngoan trong một gia đình. Tùy vào cá tính "trời cho" của con, cha mẹ phải có một chế độ dạy dỗ riêng, hướng dẫn lối suy nghĩ và cách sống tự lập riêng.

Những đứa trẻ dù nhút nhát đến đâu cũng có những thời điểm bộc lộ ý muốn của mình. Cha mẹ đừng tước đi quyền được là chính mình của con cái".

Làm thế nào để trẻ vừa biết vâng lời mẹ cha, vừa tự lập, tự chủ? Ông Phan Thúc Xán khuyến cáo: "Hãy cho con được tự do lựa chọn thái độ, cách ứng xử theo sự hướng dẫn của cha mẹ, thay vì bảo con nên làm thế này, nên nói thế kia. Ví dụ như cả nhà đi chơi, nên hỏi ý kiến trẻ, muốn đi đâu. Từ câu trả lời của con, bố mẹ sẽ cùng con bàn bạc nên đến nơi nào thích hợp nhất, kèm theo lý do thuyết phục. Ở tuổi mẫu giáo, cứ để con tự chọn và tự mặc quần áo theo chỉ dẫn của bố mẹ. Dần dần, trẻ cảm thấy mình được tôn trọng, được tự do, cũng không bị phụ thuộc. Nếu nhận thấy con là đứa trẻ không dám quyết định, bố mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi, phát hiện nỗi sợ hãi của con và cùng con vượt qua.

Nhiều ông bố, bà mẹ đã sai lầm khi tận dụng nỗi sợ của con để khép con vào khuôn khổ. Từ lúc nằm nôi, trẻ đã cho bố mẹ biết mình muốn gì. Mọi phản ứng của con đều mang theo thông điệp gửi đến bố mẹ. Những đứa trẻ "yếu đuối" sẽ thôi không gửi nữa, khi nhận ra bố mẹ không quan tâm, hoặc không cho phép con cái làm theo ý mình. Chúng trở nên vâng lời một cách thụ động để được yên thân và lớn lên trong tình trạng "lạc" mất bản thân".

Theo chị Lê Phương Nga, chuyên viên chương trình kỹ năng làm cha mẹ của Công ty Măng, đối với những đứa con đã vào tuổi trưởng thành mà vẫn chưa thể sống độc lập, nên xử lý bằng cách "tách con" ra khỏi môi trường giám sát của bố mẹ. Cụ thể như nếu có điều kiện, Nhi - cô gái ở đầu bài có thể thuê nhà ở riêng, tập cách tổ chức cuộc sống và chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Cô có thể hỏi ý kiến mẹ, nhưng phải tự ra mọi quyết định. Những va vấp, nếu có, là bài học để cô rút kinh nghiệm. Tương tự, với trường hợp ông chồng của Ngọc Loan, dù đã lấy vợ mà vẫn "mãi mãi tuổi lên... ba", bà mẹ của ông phải chấm dứt việc suy nghĩ thay con mà phải đòi hỏi con trai tự lo thân, quan tâm đến cha mẹ già và gia đình riêng của anh ta. Mọi việc cần diễn ra từ từ, để đứa con đã quen phụ thuộc, cảm thấy được "ra riêng", chứ không phải bị "ra rìa" .

Theo PNO

Chia sẻ