Nói với trẻ về việc cha mẹ ly hôn
Nói với trẻ về việc cha mẹ ly hôn chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có những phụ huynh phải mất tới cả năm mới tiết lộ sự thật ấy cho con vì lo ngại trẻ bị tổn thương.
Trẻ sẽ sốc khi cha mẹ ly hôn?
Anh Hưng và chị Thu ly hôn lúc bé Bon mới 4 tuổi. Cả hai đã lựa chọn không nói chuyện ly hôn với con, vì họ cho rằng có nói bé cũng chưa thể hiểu. Họ thống nhất nói với con rằng, vì ông ngoại ốm nặng nên tạm thời mẹ về nhà chăm ông một thời gian, hai bố con sẽ ở với nhau mà không có mẹ (ông ngoại của Bon bị ung thư, nên khi bố mẹ nói vậy, Bon tin ngay). Tòa xử Bon ở với bố, cuối tuần mẹ hoặc bà ngoại lên đón Bon về. Ban đầu, thiếu mẹ Bon hơi buồn, nhưng Bon nghĩ ông ngoại lúc này cần mẹ hơn nên Bon nhường. Ðến tận khi Bon lên 6 tuổi, vào lớp 1, bố mẹ mới nói sự thật cho Bon, rằng họ đã ly hôn và không quay lại với nhau được nữa nhưng cả hai vẫn yêu thương Bon như ngày nào. Bon vẫn chưa hiểu lắm hai từ ly hôn. Khi nghe các bạn bảo “ly hôn tức là bỏ nhau” thì Bon đã hiểu mình sẽ không bao giờ được sống chung nhà với cả cha lẫn mẹ nữa. Vì đã quen với việc ở cùng bố và cuối tuần mẹ đến đón nên cậu bé không bị quá sốc. Bon vẫn vui vẻ đến trường và mong chờ những ngày cuối tuần để được gặp mẹ.
Các chuyên gia tâm lý cho biết, một đứa trẻ còn quá nhỏ sẽ khó hiểu được ly hôn là thế nào. Do đó, với trẻ tuổi mầm non, khi nói về ly hôn bạn chỉ cần giải thích đơn giản rằng: Bố hoặc mẹ sẽ không còn sống ở nhà này nữa và con sẽ ở cả nhà cũ lẫn nhà mới với bố hoặc mẹ. Dù bố mẹ không còn sống chung một nhà, nhưng bố mẹ vẫn sẽ yêu thương và chăm sóc con.
Tuy nhiên, cho dù bạn có khéo léo trấn an con thì việc bất ngờ thiếu đi bố hoặc mẹ cũng có thể khiến trẻ nhỏ cảm thấy bất an, khó ngủ hoặc buồn bã. Ðiều này là hoàn toàn bình thường. Trẻ cần một khoảng thời gian nhất định để thích nghi với việc thay đổi này.
Với trẻ lớn hơn, khi cha mẹ nói về việc ly hôn, chúng có thể lo lắng về việc cuộc sống sẽ bị xáo trộn, không biết mình sẽ sống với ai: bố hay mẹ? sẽ ở đâu: nhà mới hay nhà cũ? có thể gặp lại bố/mẹ sau khi họ ly hôn?...
Rất nhiều cha mẹ đã trì hoãn việc ly hôn vì nghĩ rằng con trẻ không thể chấp nhận sự thật này, nhưng thực tế, khả năng thích nghi của trẻ em thường tốt hơn người lớn.
Chị Minh ngạc nhiên khi nói với cô con gái lớn 11 tuổi về việc mình sẽ ly hôn và muốn nhận nuôi cả hai con. Chị hỏi con có bị sốc không, nếu con không muốn thì mẹ sẽ không ly hôn nữa, nhưng cô bé đã thẳng thắn trả lời: Tốt quá, cuối cùng bố mẹ đã ly hôn. Ngày nào con cũng thấy mẹ khóc thầm, con thương mẹ quá, bố làm khổ mẹ như thế đủ rồi. Giờ nếu không có bố, mẹ sẽ không phải khóc nữa. Thế là 3 mẹ con đã bắt đầu cuộc sống mới một cách vui vẻ. Sau ly hôn, chị Minh không còn đau khổ hay buồn bã, thấy lòng nhẹ nhõm mỗi lần chồng cũ đến đón con.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng dễ dàng đón nhận việc cha mẹ ly hôn một cách bình thản như con gái chị Minh. Nhiều trẻ đau khổ, khóc lóc, thậm chí bỏ nhà đi bụi hay đòi tự tử nếu cha mẹ ly hôn. Do đó, việc nói với trẻ, nhất là trẻ lứa tuổi mới lớn đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý về chuyện cha mẹ ly hôn cần hết sức cẩn trọng.
Nói với con thế nào về việc cha mẹ ly hôn?
Chỉ nói với trẻ về việc ly hôn khi bạn chắc chắn điều này sẽ diễn ra. Nếu chỉ mới có ý định thì đừng vội nói với trẻ.
Bạn không nên nói với trẻ về việc ly hôn quá sớm, vì kể từ lúc biết cha mẹ ly hôn đến lúc tòa ra phán quyết, khoảng thời gian này có thể khiến trẻ cảm thấy vô cùng căng thẳng. Tốt nhất, chỉ nên nói trước 1 tuần hoặc vài ngày.
Không nên nói về việc cha mẹ ly hôn khi trẻ đang đi chơi hoặc chuẩn bị đi ngủ, vì điều này sẽ khiến trẻ mất hứng, cảm thấy lo lắng và bất an.
Tốt nhất, cả cha và mẹ nên cùng nhau nói với con về việc ly hôn. Ðiều này sẽ giúp trẻ hiểu, quyết định ly hôn là của cả hai bố mẹ chứ không phải của riêng ai. Bên cạnh đó, nó cũng giúp duy trì cảm giác tin tưởng của trẻ đối với cả cha và mẹ (Theo Paul Coleman, nhà tâm lý học và tác giả của cuốn sách How to Say It to Your Kids (tạm dịch “Làm thế nào để nói điều đó với con bạn”).
Cần nói để trẻ hiểu, việc bố mẹ ly hôn không phải là lỗi của trẻ. Bởi những đứa trẻ nhạy cảm có thể tự trách mình đã khiến bố mẹ chia tay. Và đừng quên nhấn mạnh điều này: Dù có chia tay, bố mẹ vẫn yêu thương và chăm sóc con. Bố/mẹ sẽ không còn sống chung nhà với con, nhưng tình yêu bố/ mẹ dành cho con sẽ không bao giờ thay đổi.
Bạn không nhất thiết phải nói với con lý do chính xác hai vợ chồng ly hôn. Chỉ là bố mẹ không còn hợp nhau nữa hoặc quá khác biệt về lối sống nên quyết định ly hôn. Nếu cứ cố chịu đựng nhau thì gia đình cũng không thể hạnh phúc được.
Cha mẹ không nên thảo luận về các vấn đề pháp lý, việc phân chia tài sản hay tranh cãi trước mặt con. Phải nghe những điều này sẽ khiến cho trẻ càng tổn thương sâu sắc hơn.
Nói với con về việc ly hôn chỉ là khó khăn bước đầu. Cuộc sống sau ly hôn còn vô vàn những khó khăn, nhất là với những người nhận quyền nuôi con, do đó, bạn cần mạnh mẽ, bình tĩnh và vững vàng trong các hành động và quyết định của mình. Ly hôn chưa hẳn đã là bất hạnh, nhiều đứa trẻ vẫn sống vui vẻ và hạnh phúc sau khi cha mẹ ly hôn. Vì vậy, nếu đã quyết định ly hôn, bạn hãy thẳng thắn nói với con về điều này khi lựa được thời điểm thích hợp.