"Nhờ đòn roi mới nên người", "bố mẹ không nghiêm khắc lớn hư hỏng hết": Nữ MC 4 con phản bác quan điểm trên khiến nhiều phụ huynh gật gù

An Chi,
Chia sẻ

Bà mẹ 4 con đã nêu ra quan điểm dựa trên phương pháp dạy con của bản thân.

Là nữ MC nổi tiếng đồng thời là mẹ của 4 em bé, cách dạy con của Minh Trang luôn được nhiều phụ huynh ngưỡng mộ, học hỏi. Mới đây, bà mẹ 4 con lại tiếp tục chia sẻ quan điểm khiến nhiều phụ huynh gật gù. 

"Hầu như bài viết nào mình chia sẻ về KỶ LUẬT TÍCH CỰC, không quát nạt, đòn roi, thì cũng có vài comment phản biện rằng "nhờ đòn roi tôi mới nên người thế này" hoặc "tôi chứng kiến nhiều em bé bố mẹ không nghiêm khắc nên lớn hư hỏng hết".

Có lẽ mọi người đang nhầm lẫn giữa KỶ LUẬT và TRỪNG PHẠT, rồi cũng nhầm lẫn luôn giữa KỶ LUẬT TÍCH CỰC và VÔ KỶ LUẬT.

Bài viết khá dài vì mình mong có thể diễn giải đủ ý và thuyết phục, hy vọng bạn kiên nhẫn đọc và có được những điều hữu ích cho riêng mình trong hành trình cùng con khôn lớn nhé!

"Nhờ đòn roi mới nên người", "bố mẹ không nghiêm khắc lớn hư hỏng hết": Nữ MC 4 con phản bác quan điểm trên khiến nhiều phụ huynh gật gù - Ảnh 1.

MC Minh Trang

Trước tiên, KỶ LUẬT TÍCH CỰC, không quát nạt, đòn roi có khiến trẻ "hư" không?

- Kỷ luật tích cực dạy con bằng tình yêu thương và sự tôn trọng, tập trung vào kết nối với con (qua việc lắng nghe, chia sẻ) giúp con hiểu hậu quả của hành vi và học cách tự điều chỉnh.

- Kỷ luật tích cực là không trừng phạt về thể chất và tinh thần (đánh đòn, quát nạt) nhưng cũng không chiều chuông, buông thả.

- Kỷ luật tích cực không khiến trẻ "hư". Việc buông lỏng, không đồng hành cùng con, chiều chuộng quá mức, thiếu giới hạn rõ ràng, và không kiên định, nhất quán trong cách dạy dỗ mới khiến trẻ không có được định hướng đúng đắn để kiểm soát hành vi, cảm xúc, dẫn đến sự thiếu tự lập hay những hành động sai lầm, không đúng với chuẩn mực đạo đức, xã hội.

- Kỷ luật tích cực giúp con được sự tự tin, đồng cảm và kỹ năng xã hội tốt hơn. Đồng thời, biết tôn trọng người lớn mà không bị sợ hãi hay tổn thương tinh thần.

- Kỷ luật tích cực giúp cha mẹ giảm căng thẳng, giảm quát mắng, có được mối quan hệ tích cực với con, hiểu rõ con hơn, gắn kết hơn. Hành trình nuôi dạy con trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.

Một hiểu lầm rất phổ biến nữa, rằng KỶ LUẬT nghĩa là TRỪNG PHẠT

Đây là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, không phải là từ đồng nghĩa đâu ạ!

Trong tiếng Anh, KỶ LUẬT là DISCIPLINE, còn TRỪNG PHẠT là PUNISHMENT. Về ngữ nghĩa thì trong ngôn ngữ nào, 2 từ này cũng khác nhau hoàn toàn.

Trừng phạt là gì?

- Trừng phạt là sử dụng những hình phạt về thể chất và tinh thần khi trẻ làm sai. Trừng phạt về thể chất là đánh đập, từ tét mông đến bạt tai, tới cây roi mây vung lên vun vút… Trừng phạt về tinh thần bao gồm QUÁT NẠT, CHỬI MẮNG, ĐE DỌA, CHẾ NHẠO, LÀM TRẺ SỢ HOẶC XẤU HỔ.

- Lời nói không tích cực, tôn trọng, khiến trẻ sợ, xấu hổ cũng là trừng phạt. Bạn tự hào vì mình không đánh con, nhưng đe dọa (từ ma, ông ba bị, bố mẹ không yêu...) và chế nhạo, khích bác con cũng là trừng phạt. Mà trừng phạt về lời nói đôi khi để lại hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều.

- Về bản chất, trừng phạt là một công cụ đưa ra nhằm khiến trẻ phải "trả giá" cho những sai lầm và hành vi không đúng mực của mình. Đôi khi, trừng phạt bắt nguồn từ cảm giác thất vọng, bất lực của bố mẹ, hay những cảm xúc tiêu cực bị đẩy lên cao trào do có sẵn từ công việc, các mối quan hệ xã hội… không được giải toả, hoặc đơn giản là cảm giác khó chịu, phiền phức, do hành vi của con gây ra.

- Trừng phạt được áp dụng để kiểm soát một đứa trẻ, thay vì dạy đứa trẻ ấy cách kiểm soát chính bản thân mình. Trong nhiều trường hợp, trừng phạt thường dễ khiến trẻ thay đổi suy nghĩ về chính mình, khiến trẻ nghĩ rằng mình thật tồi tệ và thất bại, không được yêu thương…

Kỷ luật là gì?

- Trái lại, KỶ LUẬT là áp dụng các biện pháp phòng ngừa và các biện pháp xử lý tận gốc vấn đề: tập trung giải quyết hậu quả của hành vi, trò chuyện, giải thích, cách li, chuyển hướng…. để trẻ hiểu hành động của mình là sai và không nên tiếp tục, lặp lại nữa.

- KỶ LUẬT là đưa ra các quy định, nguyên tắc, tạo điều kiện, hướng dẫn con thực hành, thưởng phạt rõ ràng với phương pháp thưởng phạt tích cực để khuyến khích con thực hiện.

- KỶ LUẬT sẽ dạy cho con những kỹ năng mới, như cách quản lý hành vi, giải quyết vấn đề và đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Kỉ luật sẽ giúp con học hỏi từ những sai lầm của mình và dạy con cách cư xử đúng mực, cũng như cách để đối phó với cảm xúc như tức giận, thất vọng.

- Mục tiêu của KỶ LUẬT là cho con thấy rõ hậu quả của hành vi chưa tốt để con có thể đưa ra quyết định đúng đắn trong tương lai và khuyến khích hành vi tốt của con.

- KỶ LUẬT thể hiện sự chủ động hơn là phản ứng theo cảm tính (la hét, đánh mắng không thể kiềm chế), giúp ngăn ngừa nhiều hành vi không mong muốn của cả bố mẹ và con cái, và đảm bảo con đang được sửa chữa sai lầm trong sự hỗ trợ tích cực tự cha mẹ.

- Với KỶ LUẬT, con hiểu mình vẫn là một đứa trẻ tốt, chỉ có hành động chưa đúng và con có thể sửa chữa hành động sai đó. Còn với trừng phạt, con sẽ nghĩ mình là đứa trẻ tồi tệ. Trẻ nhỏ đang trong quá trình học hỏi. Khi có sai lầm, con cần được kỉ luật để khắc phục hậu quả (chịu hình phạt cho hành vi chưa đúng của mình), được khen thưởng khích lệ khi sửa sai thành công, hơn là chịu sự trừng phạt để "trả giá" cho hành động đó.

Với các bạn nhỏ dưới 6 tuổi, mình thường thấy những nguyên nhân đánh mắng lớn nhất thường là bởi các bạn ấy chưa tự lập, tự giác (vệ sinh cá nhân, ăn uống, dọn đồ chơi, giúp đỡ gia đình…), chưa biết tự điều chỉnh hành vi (đánh em, đòi xem tv, ipad, nghịch hỏng các đồ dùng trong nhà, gây sự chú ý – làm phiền bố mẹ khi nhà có khách, không tập trung gây hậu quả nghiêm trọng), chưa thành thạo các kỹ năng (ăn uống làm đổ đồ ăn, bê đồ làm rơi vỡ đồ…). Với các bạn bắt đầu đi học thì còn có thêm nguyên nhân cực lớn từ áp lực của việc học và mối quan hệ giữa con và bạn bè thầy cô nữa…

Hãy thử nghĩ xem, nếu việc gì chưa đúng của con cũng được xử lý bằng trừng phạt, thì 1 ngày của chúng ta chỉ có chìm trong bực tức, quát nạt, đánh mắng. Những cảm xúc tiêu cực ấy cứ âm í sống trong người mình, lan sang cả những người khác trong gia đình, rồi bạn bè đồng nghiệp, khiến mình trở thành một người thật xấu xí, đáng sợ trong mắt con…

Thay vì trừng phạt bằng đánh mắng, mình sẽ cho con thấy hậu quả tự nhiên của việc làm chưa đúng (chỉ áp dụng với những hậu quả mà mình có thể chấp nhận được nhá

Ví dụ: Kén ăn là đói, gọi không dậy là đi học muộn, nghịch bẩn là bẩn váy đẹp…, hình phạt tước đi một số quyền lợi của con liên quan trực tiếp lới hành vi chưa đúng con đã làm (không dọn đồ chơi —> không được chơi đồ chơi đó 1 tuần), khen ngợi những hành vi tốt ngay lúc con làm được (nhớ khen cụ thể vào sự cố gắng của con, tranh khen chung chung: ngoan, tốt, giỏi… nhé!), và khen thưởng những hành vi tốt lặp lại 1 khoảng thời gian nhất định (với các bạn nhỏ nhà mình, mình thường áp dụng block 1 tuần).

Bạn có thể nghĩ "mình được như ngày hôm nay là nhờ những trận đòn roi của cha mẹ hồi bé". Nhưng hay thử nghĩ: "liệu mình có thể còn thành công hơn/tốt hơn ra sao nếu không phải chịu đòn roi mà được lớn lên trong sự tôn trọng, yêu thương và thấu hiểu của cha mẹ?"

Đánh đòn và quát mắng sẽ có thể khiến con giả vờ "ngoan" và tỏ ra hối lỗi ngay với những hành vi chưa đúng, bởi con sợ đau, sợ roi vọt nhưng lại không giúp con hiểu bản chất của lỗi sai và có được sự tự giác thay đổi hành vi. Trái lại, việc này còn gây tổn thương lâu dài cả về tâm lý và não bộ…

Cuối cùng, hãy thử nghĩ mà xem. Bạn bất đồng ý kiến với đồng nghiệp, bạn có áp dụng quy tắc bàn tay phải với họ không? Nhân viên của bạn bất hợp tác, gây hậu quả nghiêm trọng, bạn có xông vào đánh họ không? Người khác vô tình đi ngang qua làm rơi vỡ suất ăn của bạn, bạn có quay sang quát nạt, bạt tai họ không?

Người lớn quanh ta cũng có những lỗi sai và hành vi chưa đúng với ta. Nhưng tại sao ta lại dễ thông cảm, giữ được bình tĩnh và tìm cách giải quyết một cách tích cực, tôn trọng họ? Còn con cái chúng ta, những em bé còn đang học để trở thành người lớn, còn đầy lúng túng, vụng về… thì chúng ta lại dễ "xả" cảm xúc và trừng phạt thể chất, tinh thần với con vậy?

Vậy vấn đề là ở con, hay ở chính ta?".

Bài viết của MC Minh Trang nhận được sự tán dương của rất nhiều phụ huynh. Còn các bố mẹ nghĩ sao về vấn đề này?

Chia sẻ