Nhà có anh chị em, bố mẹ phải biết những chiêu xử lý tranh chấp, ganh tị này
Việc “bắt bệnh” và “chữa bệnh” tranh chấp, ghen tị của trẻ với các anh chị em của mình rất cần sự tinh tế, khéo léo trong ứng xử của cha mẹ.
Nhiều cha mẹ khi sinh thêm con đã phải đau đầu đối mặt với tình trạng các con không ngừng so bì tị nạnh với nhau. Nếu không giải quyết triệt tình trạng này thì nhiều trường hợp sẽ kéo dài tới tuổi vị thành niên với mức độ xung đột trong quan hệ anh chị em càng lúc càng nghiêm trọng.
Phải so bì, ghen tị với anh chị em là cảm giác không hề dễ chịu mà trẻ phải trải qua (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách công bằng, lỗi thường không xuất phát từ trẻ mà phần lớn do cách ứng xử chưa khéo léo của cha mẹ và người lớn xung quanh dẫn đến tâm lý so bì, tị nạnh, ấm ức ở trẻ. Sau khi bắt đúng bệnh thì việc chữa căn bệnh này của trẻ cũng không quá khó bằng những cách làm đơn giản mà hiệu quả như sau:
1. Dành thời gian riêng cho từng bé
Cha mẹ cần dành thời gian riêng cho từng bé, tận dụng những cơ hội để vun đắp tình cảm với bé bằng cách cười thật tươi, ôm trẻ, vỗ về hay dùng lời nói để động viên, khích lệ trẻ.
Những khi có mâu thuẫn xảy ra, các bé tranh giành hay tỏ ra tị nạnh nhau thì cha mẹ cần cư xử khéo léo, tránh làm trẻ bị hụt hẫng và nên cố gắng nhìn nhận vấn đề dưới góc nhìn của một đứa trẻ để hiểu và đưa ra cách giải quyết hợp tình hợp lý cho trẻ.
Cha mẹ chính là cầu nối giúp các bé không còn tị nạnh nhau bằng cách cư xử khéo léo, tinh tế để giải quyết mâu thuẫn (Ảnh minh họa)
2. Kích thích không khí vui vẻ bằng cách làm cho trẻ cười
Nụ cười sẽ giúp trẻ xua tan mọi lo lắng, bất an. Hormone gây căng thẳng, bực bội trong cơ thể sẽ được thay thế bằng một loại hormone oxytocin kích thích sự vui vẻ, giải tỏa cơn hờn dỗi, ganh tị của bé.
Có nhiều cách để làm bé cười, chẳng hạn khi bé đang rất căng thẳng và so bì với em vì em có món đồ mới nào đó thì mẹ hãy xoa dịu cơn ghen tị trong lòng bé bằng cách giả vờ tạo trò chơi, gọi bé thật to rồi chạy ôm, nhấc bổng và hôn bé để làm bé cười. Càng khiến trẻ cười sẽ càng làm cho bầu không khí bớt căng thẳng, bé sẽ chịu nhường nhịn hoặc đàm phán với anh chị em của mình hơn.
Cha mẹ hãy giúp các con có thật nhiều cơ hội để hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn (Ảnh minh họa)
3. Thấu hiểu và giúp bé điều hòa cảm xúc của trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có những cảm xúc khá phức tạp với anh chị em của chúng. Nếu những cảm xúc ấy bị dồn nén lâu ngày sẽ càng khiến trẻ trở nên hung hăng, có hành vi không đúng với chính anh chị em của mình hoặc đơn giản hơn là trẻ sẽ buồn chán, tỏ ra bực bội, cáu giận liên tục. Những biểu hiện cảm xúc khi trẻ so bì, tị nạnh và hành động tiêu cực rất cần được xoa dịu kịp thời. Cha mẹ cũng nên giúp trẻ có nhận thức đúng đắn về hành vi, suy nghĩ của mình.
Những cảm xúc hờn ghen, đố kị sẽ bị dồn nén, tích tụ lâu ngày nếu không được giải tỏa và "chữa" kịp thời (Ảnh minh họa)
Gợi ý bố mẹ cách ứng xử trong một số tình huống con tỏ thái độ ghen tị với anh/chị/em
1. Khi trẻ nói: “Bố/mẹ không còn yêu con, không quan tâm đến con nữa.”
Bố mẹ có thể trả lời: “Con à, bố mẹ yêu con rất nhiều. Con đang cảm thấy là bố mẹ không yêu thương, không quan tâm đến con nữa phải không? Có thể dạo này mẹ quá bận và mẹ khá mệt nên đã làm con phải nghĩ như vậy. Nhưng thực ra mẹ vẫn quan tâm, yêu thương con và anh/chị/em của con. Mẹ xin lỗi nếu đã con buồn. Cuối tuần này con có kế hoạch muốn làm gì cùng mẹ và anh/chị/em của con không?”
2. Khi trẻ nói: “Mẹ không công bằng. Mẹ không bao giờ chịu giúp con. Con cũng cần mẹ giúp cơ mà!”.
Cha mẹ cần khéo léo giúp trẻ xoa dịu cơn hờn ghen ngay lập tức (Ảnh minh họa)
Bố mẹ có thể trả lời: “Mẹ biết là con phải chờ mẹ lâu, mẹ cũng biết là con cần mẹ giúp. Và chắc chắn là mẹ sẽ luôn có mặt để trợ giúp cho con mỗi khi con cần mẹ. Vì mẹ là mẹ của con mà. Nhưng đôi lúc có thể mẹ mất tập trung nên chưa nghe thấy con. Từ lần sau nếu con cần mẹ giúp gì thì hãy nói trực tiếp với mẹ nhé. Và nếu con có vấn đề gì thì hãy cứ nói với mẹ nhé!”
3. Khi trẻ nói: “Con ghét có em”
Bố mẹ có thể trả lời: “Mẹ biết là có em bé sẽ khiến cả nhà mình bận rộn và vất vả hơn. Mẹ cũng biết là rất khó khi con phải giữ im lặng để cho em ngủ. Mẹ biết là con hay phải chờ đợi để đến lượt của mình. Nhưng những lúc con gặp khó khăn hoặc có chuyện gì khiến con buồn thì hãy nói với mẹ, mẹ sẽ cùng con giải quyết”.
4. Khi trẻ nói: “Con bực muốn chết”
Tốt nhất không nên tranh luận với trẻ lúc này. Thay vào đó, hãy hiểu và làm cho trẻ có cảm giác thoải mái hơn. Cha mẹ có thể trả lời: "Đôi khi con cảm thấy tệ lắm phải không? Con yêu, lại đây để mẹ ôm con một lát nào”.
Nguồn: Mother