Mẹ Việt trải nghiệm mang bầu lần 2 tại Pháp: Xét nghiệm rất nhiều, siêu âm rất ít
Lần mang bầu thứ 2 này diễn ra ở Pháp khiến tôi thấy mọi thứ đều lạ lẫm và thực sự "sợ" hơn lần 1 rất nhiều.
Chị Hồng Vân hiện đang sinh sống cùng chồng và con trai lớn tại Toulous - thành phố Tây Nam nước Pháp. So với lần mang thai và sinh con đầu lòng ở Việt Nam, lần mang bầu này của chị diễn ra trọn vẹn ở Pháp nên chị đã có nhiều trải nghiệm khác hẳn lần đầu. Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị về hành trình thai kì ở Pháp nhé.
"Bầu lần hai còn sợ hơn lần 1" - đó thực sự là cảm giác của tôi khi bước vào "cuộc chiến" với "tập 2". Lần sinh đầu ở Việt Nam cho đến lúc lên bàn mổ, mọi thứ diễn ra với tôi thật nhẹ nhàng. Lần mang bầu thứ 2 này lại diễn ra ở Pháp khiến tôi thấy mọi thứ đều lạ lẫm và thực sự "sợ" hơn lần 1 rất nhiều.
Xét nghiệm rất nhiều, siêu âm rất ít
Ngay khi dùng que thử biết mình đã có thai, việc đầu tiên của tôi là gặp bác sĩ gia đình để xin lời khuyên xem tiếp theo sẽ làm gì. Bác sĩ kê đơn cho tôi đi xét nghiệm máu và không quên dặn dò đặt lịch với bác sĩ chuyên về sản khoa.
Tôi cầm đơn bác sĩ kê đi đến phòng xét nghiệm máu và bị lấy chừng 4-5 ống máu bao gồm: thử Hcg, thử nhóm máu, thử Toxoplasma (kiểm tra xem có nhiễm kí sinh trùng ở loài mèo hay không), thử rubella, kiểm tra một vài bệnh truyền nhiễm khác… và cuối cùng là thử nước tiểu.
Chị Hồng Vân từng mang bầu và sinh con đầu lòng ở Việt Nam. Hiện tại, chị đang sinh sống cùng chồng và con ở Pháp (Ảnh: NVCC).
Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm thì tôi đặt lịch hẹn với bác sĩ sản khoa. Sau đó, tôi mang tất cả kết quả xét nghiệm đến gặp bác sĩ. Ở cuộc gặp đầu tiên với bác sĩ sản khoa, tôi được siêu âm đầu dò và được bác sĩ kê cho 2 đơn thuốc. Bác sĩ yêu cầu tôi hàng tháng phải làm xét nghiệm máu đến tháng thứ 4 của thai kì, kiểm tra xem có nhiễm rubella hay không vì trước đó tôi đã tiêm phòng nhưng không hề miễn dịch, xét nghiệm toxoplasma và thử nước tiểu cho đến tận tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, bác sĩ còn kê cho tôi một đơn thuốc bao gồm thuốc đau bụng (nếu thấy triệu chứng đau thì mới uống), axit folique và vitamin tổng hợp uống trong suốt 3 tháng đầu của thai kì. Cẩn thận hơn tôi không quên hỏi bác sĩ về chế độ ăn uống, nhưng bác sĩ cũng không có lưu ý gì đặc biệt, chỉ nhắc không ăn đồ sống và tránh đồ quá ngọt (dễ dẫn đến tiểu đường thai kì) mà thôi.
Chị Vân đã phải trải qua rất nhiều xét nghiệm từ khi bắt đầu mang bầu lần 2 (Ảnh: NVCC).
Riêng lần siêu âm ở tuần thai thứ 12, bắt buộc chồng phải có mặt (Ảnh: NVCC).
Theo lịch siêu âm trong suốt 9 tháng thai kỳ thì tôi chỉ còn 3 lần nữa. Trong đó siêu âm ở tuần thai thứ 12 thì bắt buộc chồng phải có mặt. Trong trường hợp nếu vắng mặt thì bạn phải đưa ra được lý do hợp lý. Tôi có đem điều này thắc mắc với một số người bạn của mình thì được cho biết, việc siêu âm ở tuần thứ 12 rất quan trọng như đo độ mờ da gáy, kiểm tra dị tật thai nhi… Do vậy nếu có trường hợp gì bất trắc, bác sĩ sẽ thông báo cho người chồng hoặc cả hai, tránh shock cho người mẹ.
Sau đợt siêu âm ở tuần thai này, tôi chỉ còn 2 lần siêu âm nữa ở tuần thai từ 22 đến 24 và từ tuần thai từ 32 đến 34. Điều này quả thực khiến tôi rất ngạc nhiên so với ở Việt Nam. Lần mang thai đầu tôi được siêu âm hàng tháng, nhưng thử máu và nước tiểu thì chỉ 1 lần duy nhất ở tuần thai thứ 12.
Sinh thường hay sinh mổ?
Đó là câu hỏi tôi vẫn băn khoăn cho đến thời điểm này, khi mà ngày dự sinh chỉ còn đúng một tháng nữa. Tôi đã xin ý kiến bác sĩ về trường hợp của mình nên sinh thường hay sinh mổ? Tuy nhiên bác sĩ đưa ra hai hướng và tôi là người phải quyết định cuối cùng.
Tôi vẫn cảm thấy có phần hơi "run" và "sợ", không biết tôi có đủ sức để sinh thường và liệu rằng lựa chọn này có thực sự tốt cho em bé hay không? (Ảnh minh họa)
Bác sĩ có giải thích với tôi rằng, thông thường với những sản phụ có thai kì bình thường, thai nhi phát triển tốt như với trường hợp của tôi thì ngay cả lần 1 có sinh mổ thì lần 2 vẫn có thể sinh tự nhiên. Tức là khi nào chuyển dạ thì nhập viện, nếu có vấn đề gì xảy ra ở thời điểm sinh, không thể sinh tự nhiên, lúc đó bác sĩ mới can thiệp cho sinh mổ.
Vậy tại sao bác sĩ lại cho tôi chọn sinh mổ? Vấn đề này hơi cá nhân một chút vì tôi thật may mắn khi gặp được bác sĩ Pháp gốc Việt, nên chị khá hiểu về tâm lý sản phụ Việt và cũng hiểu được ở Việt Nam có thể chọn sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, nếu tôi chọn sinh mổ thì sẽ phải tiến hành mổ ở tuần thứ 39 của thai kì. Và theo như bác sĩ thông báo thì tôi sẽ được lên trước một "chương trình" cho việc sinh nở. Điều này có nghĩa là tôi sẽ được đưa vào trường hợp sản phụ "đặc biệt", không thể sinh thường nên phải sinh mổ.
Sinh thường hay sinh mổ? Tôi phải đưa ra câu trả lời sau một ngày nữa, nhưng thực sự tôi vẫn chưa thể có quyết định cuối cùng. Có lẽ việc sinh nở cũng nên thuận theo tự nhiên vì thai kì của tôi diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy có phần hơi "sợ", không biết tôi có đủ sức để sinh thường và liệu rằng lựa chọn này có thực sự tốt cho em bé hay không?
Nếu bạn có giấy tờ lưu trú hợp pháp tại Pháp thì bạn sẽ được hưởng mọi quyền lợi về "bà mẹ trẻ em" như bất kì sản phụ Pháp nào khác:
- Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả 70% mọi chi phí khám và thuốc (trong danh mục cấp) cho đến tháng thứ 5 của thai kì. 30% còn lại nếu bạn mua bảo hiểm bổ sung thì cũng sẽ được bảo hiểm chi trả.
- Từ tháng thứ 6 trở đi, bạn sẽ được hưởng 100% quyền lợi của sản phụ về khám, chữa bệnh và cấp thuốc. Điều này đồng nghĩa với việc là bạn sẽ được sinh "free" tại viện.
- Sau khi sinh sẽ có nữ hộ sinh đến tận nhà thăm khám cho mẹ và bé 2 lần kể từ lúc xuất viện.
- Em bé sinh tại Pháp sẽ được hưởng mọi quyền lợi như các em bé Pháp như: Được trợ cấp 184 euros/tháng và được nhà nước hỗ trợ 900 euros để sắm đồ em bé trước khi sinh.
- Tất cả các vùng đều có trung tâm bảo vệ quyền lợi bà mẹ trẻ em. Tại đây, em bé sẽ được khám bệnh và tiêm phòng miễn phí.